Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Người bệnh sẽ phải trải qua những biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối vô cùng nguy hiểm. Vì giai đoạn cuối là lúc toàn bộ chức năng của thận đã bị suy giảm nghiêm trọng. Phương pháp điều trị được dùng nhiều nhất hiện nay là lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo và ghép thận.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh thận vào khoảng 7% dân số và đang ngày càng gia tăng. Nếu không được điều trị nhanh chóng và đúng cách, nhiều biến chứng suy thận mạn có thể xuất hiện ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhận biết các dấu hiệu và hướng điều trị kịp thời nhé.

Suy thận mạn giai đoạn cuối

Suy thận mạn giai đoạn cuối là lúc khả năng lọc cầu thận (GFR) rất thấp. Đồng nghĩa với việc thận không còn hoạt động tốt để đáp ứng nhu cầu sống cơ bản. Theo nghiên cứu, ít nhất 10 hoặc 20 năm sau khi được chẩn đoán, bệnh suy thận mạn mới tiến triển tới giai đoạn cuối.

Nhận biết biến chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị 1
Suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh lý nguy hiểm

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thận giai đoạn cuối là huyết áp cao, tiểu đường và một số nguyên nhân khác:

  • Đường tiết niệu bị tắc nghẽn lâu ngày do sỏi thận, ung thư hoặc tăng sinh tuyến tiền liệt;
  • Do viêm cầu thận mãn tính, lupus ban đỏ;
  • Nước tiểu chảy ngược vào thận trong quá trình trào ngược bàng quang;
  • Có dị tật bẩm sinh ở vùng bụng.

Biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối

Vào giai đoạn cuối, mức độ lọc cầu thận (GFR) của bệnh nhân đều rất thấp: GFR ước tính < 15 mL/phút. Điều này làm suy giảm chức năng của thận dẫn đến hội chứng ure huyết (hội chứng tăng azote máu), mất khả năng hoạt động, làm việc và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Dưới đây là các Biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối:

  • Suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng da và trong cơ thể;
  • Rối loạn chức năng thần kinh, não và mất trí nhớ;
  • Thiếu máu nghiêm trọng;
  • Xương khớp thường xuyên đau nhức và dễ gãy;
  • Tay chân bị phù nề, phổi tích tụ dịch nhầy do cơ thể tích trữ quá nhiều nước;
  • Các bệnh về tim mạch như suy tim, rất dễ tử vong;
  • Dễ bị suy gan;
  • Chảy máu dạ dày và ruột;
  • Ảnh hưởng đến cả mẹ và bé nếu đang trong thời kỳ mang thai.
Nhận biết biến chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị 2
Biến chứng suy thận giai đoạn cuối làm suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị ứng

Top 3 phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Vì chức năng thận đã vô cùng yếu vậy nên bệnh nhân bắt buộc phải được điều trị bằng các phương pháp như ghép thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo để duy trì cuộc sống.

Ghép thận

Ghép thận là phương pháp lấy thận từ người hiến khỏe mạnh hoặc bị chết não vào cơ thể người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phương pháp này rất khó để thực hiện được và không dễ để tìm được quả thận tương thích. Mặt khác, chi phí phẫu thuật ghép thận là rất cao và sau khi ghép thận người bệnh phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.

Lọc màng bụng

Phương pháp này sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân làm màng lọc, điều này cho phép bệnh nhân có thể thay dịch lọc tại nhà. Nguyên tắc là mỗi 4 giờ rút dịch lọc cũ ra và thay dịch lọc mới vào khoang màng bụng qua ống thông. Trong lúc này, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và đi lại bình thường.

Nhận biết biến chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị 3
Lọc màng bụng là phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Phương pháp này dễ thực hiện, người bệnh không bị phụ thuộc vào máy móc và có thể linh hoạt sắp xếp thời gian của mình. Tuy nhiên, người bệnh cần phải phẫu thuật để đặt một ống thông vào cơ thể cũng như tuân thủ đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm trùng.

Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là liệu pháp điều trị phổ biến được khoảng 70 - 80% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối áp dụng. Nguyên lý của phương pháp này là rút máu độc từ trong cơ thể dẫn đến máy lọc để loại bỏ chất thải và độc tố rồi đưa máu sạch trở lại cơ thể.

Ưu điểm của phương pháp này là máu được lọc sạch hiệu quả, quá trình lọc máu thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, an toàn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ phải lệ thuộc vào máy móc và bệnh viện nhiều hơn. Ngoài ra người bệnh có thể gặp một số vấn đề như tụt huyết áp, đau đầu, buồn nôn,...

Nhận biết biến chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị 4
Chạy thận nhân tạo là liệu pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối rất phổ biến

Những thực phẩm cần hạn chế cho người suy thận mạn giai đoạn cuối

Ngoài các liệu pháp điều trị y học thì việc kết hợp thực đơn cho người suy thận một cách khoa học là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Cần lưu ý một vài điểm sau đây:

  • Hạn chế thức ăn nhiều đạm vì cơ thể sẽ chuyển hóa thành ure và creatinin, làm tăng nhanh nồng độ hai chất này trong máu gây độc cho cơ thể.
  • Hạn chế thực phẩm nhiều photpho như các loại thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, thực phẩm đông lạnh hoặc các loại thức uống có hương vị, bia rượu,... vì người suy thận mạn giai đoạn cuối đã mất khả năng loại bỏ photpho.
  • Hạn chế thực phẩm giàu kali như quả khô, cam, chuối, các loại rau củ như cà chua, khoai tây, rau muống,... để ngăn chặn tình trạng tăng nồng độ kali trong máu rất nguy hiểm.
  • Tránh dư thừa muối và nước nhằm kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa tình trạng tích nước gây phù, tràn dịch và phải chạy thận nhiều lần hơn.

Lời khuyên của chuyên gia về biến chứng suy thận mạn

Những gì chúng ta ăn và uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình. Theo các chuyên gia cho biết, ngoài phương pháp điều trị thay thế (thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận), người bệnh có thể phối hợp với việc dùng thuốc và chế độ ăn hợp lý. Tùy theo tình hình bệnh, tuổi của bệnh nhân mà có chế độ ăn phù hợp.

Cần giữ cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống điều độ, kiểm soát huyết áp và đường huyết giúp ngăn ngừa tình trạng suy thận trở nên nặng hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi, kết hợp vận động nhẹ nhàng, tránh mất sức, đồng thời ngủ đủ giấc sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị suy thận.

Nhận biết biến chứng của suy thận mạn giai đoạn cuối và cách điều trị 5
Kiểm soát huyết áp, đường huyết giúp ngăn ngừa biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối

Hy vọng qua bài viết trên người đọc đã phần nào hiểu được những ảnh hưởng nghiêm trọng mà biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối gây ra đối với sức khỏe và cuộc sống. Chính vì thế bệnh nhân nên chủ động thăm khám định kỳ, tuân thủ cách điều trị của bác sĩ và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin