Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt? Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Sỏi thận là căn bệnh mà ngày càng có nhiều người dân Việt Nam mắc phải. Bệnh sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu gắt ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống rất nhiều. Nên đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các hiện tượng này để kịp thời điều trị.

Sỏi thận là căn bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải và dễ tái phát. Bệnh sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt và ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể. Nặng hơn nữa thì sỏi thận được xem là một trong những nguyên nhân gây suy thận, làm giảm khả năng lọc máu và nguy hiểm đến tính mạng.

Tiểu buốt, tiểu rắt do nhiều nguyên nhân gây nên như viêm đường tiết niệu, sỏi thận, bệnh phụ khoa,... Vậy vì sao sỏi thận gây tiểu buốt? Cần tìm hiểu và điều trị như thế nào để tránh dẫn đến các bệnh nguy hiểm hơn? Cùng tham khảo bài viết sau đây để biết được lý do và cách phòng ngừa nhé.

Sỏi thận là gì? Phân loại

Sỏi thận là kết quả của sự kết tinh và lắng đọng của các khoáng chất trong nước tiểu ở thận. Sau khi hình thành, sỏi thận có thể di chuyển theo dòng nước vào đường tiết niệu gây đau hoặc tắc nghẽn. Nếu để lâu ngày, đường tiết niệu sẽ bị nhiễm trùng, thận bị tổn thương và dễ suy thận. Một số loại sỏi thận được phân chia như sau:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi được hình thành nhiều nhất, xảy ra khi hàm lượng canxi trong máu quá nhiều.
  • Sỏi axit uric: Loại sỏi này được hình thành khi lượng axit uric trong máu quá cao.
  • Sỏi struvite (sỏi nhiễm trùng): Loại sỏi này có xu hướng xuất hiện ở những người tái nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần.
  • Sỏi cystine: Loại sỏi này tương đối hiếm và liên quan đến chứng rối loạn cystine (một chất được tạo ra khi cơ thể chuyển hóa protein).
Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt? Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn 1
Sỏi thận là nguyên nhân gây viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu

Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt?

Các khoáng chất có trong nước tiểu lắng đọng và kết tinh trong thận lâu ngày sẽ tạo thành những viên sỏi. Kích thước của chúng sẽ tăng dần theo thời gian tích tụ và là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn. Trong quá trình di chuyển vào đường tiết niệu, các viên sỏi cọ xát và làm tổn thương niêm mạc đường tiết niệu ở nhiều nơi, dẫn đến nhiễm trùng.

Khi đường tiết niệu bị viêm hoặc nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu đau, tiểu ra máu, đau lưng, sốt, ớn lạnh,... Trong các trường hợp nặng có thể dẫn viêm thận, suy thận, thận ứ đọng,...

Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn 2
Sỏi thận gây tiểu buốt, tiểu rắt

Phương pháp chẩn đoán sỏi thận chuẩn y khoa

Nếu phát hiện thấy triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì có nguy cơ rất cao đây là dấu hiệu của bệnh sỏi thận và viêm đường tiết niệu. Các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm sau để xác định tình trạng bệnh:

  • Nuôi cấy nước tiểu: Đây là một phương pháp được tiến hành nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xác định loại vi khuẩn hoặc vi trùng gây viêm đường tiết niệu và thuốc điều trị phù hợp nhất.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ phân tích nước tiểu và tìm ra các loại vi khuẩn.
Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn 3
Xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán tình trạng bệnh sỏi thận
  • Xét nghiệm máu: Thông qua các dấu hiệu bất thường của các chỉ số như CRP tăng cao, lượng bạch cầu tăng cao, xuất hiện các rối loạn hay những hội chứng nhiễm trùng máu…
  • Xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh: Các xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng được bác sĩ yêu cầu thực hiện.
  • Nội soi bàng quang: Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một ống sợi quang có kèm đèn vào cơ thể người bệnh để quan sát niệu đạo và bàng quang từ đó giúp chẩn đoán được nguyên nhân và tình trạng bệnh chi tiết hơn.

Biện pháp phòng ngừa

Vì các biểu hiện khi sỏi thận mới hình thành đều không rõ ràng và khó nhận biết. Vậy nên để hạn chế hình thành sỏi thận cũng như ngăn ngừa tình trạng viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu gây tiểu buốt, tiểu rắt, cần chú ý những điểm sau:

  • Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh về sỏi thận cũng như viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Uống đủ nước để giảm khả năng lắng đọng các chất tạo sỏi.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giảm các thực phẩm giàu muối, mỡ, đạm, thực phẩm chức nhiều oxalat,...
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ tránh vi khuẩn có cơ hội vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng.
  • Không nhịn tiểu làm ứ đọng nước tiểu trong bàng quang và thận, điều này rất dễ dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng ngược dòng.
  • Vận động, tập thể dục thường xuyên để tránh sự lắng đọng của các chất tạo sỏi.
Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn 4
Ngăn ngừa sỏi thận hình thành và hạn chế tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu

Phương pháp điều trị

Lập tức khám bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt. Vì khả năng rất cao đó là biểu hiện của tình trạng viêm, nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận để điều trị phù hợp.

Sử dụng kháng sinh để điều trị viêm, nhiễm đường tiết niệu

Bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp bệnh mà chỉ định loại thuốc kháng sinh, liều lượng và thời gian điều trị khác nhau. Đồng thời người bệnh cần giữ vệ sinh đúng cách để tránh bệnh trở nặng hơn và tái phát nhiều lần. Chính vì vậy bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Vì sao sỏi thận gây tiểu buốt Hướng phòng ngừa và điều trị an toàn 5
Bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh theo từng tình trạng bệnh khác nhau

Điều trị sỏi thận

Nguyên tắc điều trị dứt điểm sỏi thận là loại bỏ hoàn toàn sỏi thận, tránh tình trạng viêm nhiễm tái phát nhiều lần. Các biện pháp loại bỏ sỏi thận sẽ được phân loại tùy vào kích thước của viên sỏi:

  • Đối với sỏi thận nhỏ hơn 2 cm có thể áp dụng phương pháp tán sỏi bằng sóng điện từ không phẫu thuật.
  • Đối với sỏi thận lớn hơn 2 cm có thể sử dụng phương pháp tán sỏi bằng laser qua da.
  • Ngoài ra, kỹ thuật tán sỏi tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser có thể áp dụng để điều trị tất cả các kích thước sỏi thận.

Bài viết trên đã phần nào giải đáp cho câu hỏi vì sao sỏi thận gây tiểu buốt đồng thời còn cung cấp cho chúng ta những cách phòng ngừa và phương pháp điều trị sỏi thận an toàn. Hãy thường xuyên khám sức khỏe định kỳ kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện điều độ chính là liệu pháp hiệu quả nhất.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin