ESRD được gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn. Khi đạt đến giai đoạn này, chức năng thận của người bệnh đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về ESRD là gì và biến chứng của ESRD trong bài viết dưới đây.
ESRD là bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối. Bệnh thận mạn tính khiến toàn bộ chức năng của người bệnh suy giảm, ở giai đoạn này chức năng thận chỉ còn lại dưới 15%. Người bệnh phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Trước khi tìm hiểu những thông tin về biến chứng của bệnh thận mạn giai đoạn cuối thì chúng ta sẽ điểm qua đôi chút thông tin về ESRD là gì ngay sau đây.
ESRD là gì?
End stage renal disease (ESRD) được gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối, hay còn gọi là suy thận mạn giai đoạn 5, là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn (BTM). Khi đạt đến giai đoạn này, chức năng thận của bạn đã bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn dưới 15% so với bình thường.
Đặc điểm của ESRD:
Mức lọc cầu thận (GFR) thấp: GFR là chỉ số đánh giá khả năng lọc máu của thận. Ở người bệnh ESRD, GFR < 15mL/ph/1,73 m2.
Hội chứng urê máu: Do chức năng lọc suy giảm, các chất thải và độc tố trong máu không được đào thải hiệu quả, tích tụ lại trong cơ thể gây ra hội chứng urê máu. Biểu hiện của hội chứng này bao gồm: Buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, phù nề, ngứa da, hơi thở có mùi hôi, co giật, lú lẫn, hôn mê...
Tình trạng đe dọa tính mạng: Nếu không được điều trị thay thế thận, người bệnh ESRD sẽ tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận giai đoạn 5:
Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, khiến chức năng lọc suy giảm dần theo thời gian. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ESRD.
Đái tháo đường: Nồng độ đường cao trong máu lâu dài cũng gây tổn thương các mạch máu thận và dẫn đến suy giảm chức năng.
Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi thận, khối u hoặc tăng sinh tuyến tiền liệt cản trở dòng chảy của nước tiểu, gây áp lực lên thận và dẫn đến suy giảm chức năng.
Viêm cầu thận mạn: Đây là nhóm bệnh lý tự miễn ảnh tấn công các cầu thận, là đơn vị lọc của thận, dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng.
Lupus ban đỏ hệ thống: Một bệnh lý tự miễn khác cũng có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến ESRD.
Trào ngược bàng quang - niệu quản: Nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào thận do khiếm khuyết van niệu quản, gây tổn thương thận và suy giảm chức năng.
Bất thường bẩm sinh ở ổ bụng: Một số trẻ em sinh ra với các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, ảnh hưởng đến chức năng thận và có thể dẫn đến ESRD.
Biến chứng của ESRD là gì?
Sau khi tìm hiểu về ESRD là gì, chắc hẳn thông tin biến chứng của ESRD là gì cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Một số biến chứng của ESRD này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh bao gồm:
Nhiễm trùng da: Do da khô và nứt nẻ, người bệnh ESRD dễ bị vi khuẩn và nấm xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng da. Biểu hiện thường gặp là ngứa ngáy, mẩn đỏ, sưng tấy, thậm chí là loét da.
Nhiễm trùng trong cơ thể: Hệ miễn dịch của người bệnh ESRD suy yếu do tích tụ độc tố trong máu, khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn, bao gồm: Nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng da và mô mềm, viêm màng trong tim.
Xương yếu: Do suy giảm chức năng thận, cơ thể người bệnh ESRD không sản xuất đủ hormone parathyroid, dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi và photpho. Điều này khiến xương yếu đi, dễ gãy, tăng nguy cơ loãng xương.
Tổn thương thần kinh: Do tích tụ độc tố trong máu, các dây thần kinh bị tổn thương, dẫn đến các triệu chứng như: Tê bì, châm chích, ngứa ran; đau nhức, yếu cơ, khó khăn khi đi lại.
Thay đổi nồng độ đường huyết: Người bệnh ESRD có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường hoặc bị rối loạn kiểm soát đường huyết nếu đã mắc tiểu đường.
Nồng độ chất điện giải bất thường: Suy thận ảnh hưởng đến khả năng cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, bao gồm natri, kali, canxi, photpho... Rối loạn điện giải có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút cơ, nhịp tim bất thường, bất tỉnh.
Đau cơ xương khớp: Do tích tụ độc tố và rối loạn điện giải, người bệnh ESRD thường xuyên bị đau nhức cơ và khớp.
Đặc biệt, một số biến chứng đặc biệt nghiêm trọng có thể xuất hiện ở người bệnh thận giai đoạn cuối, tuy nhiên thường ít phổ biến như: Co giật, suy gan, chứng năng tuyến cận giáp, rối loạn xương khớp, dễ bị gãy xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, gặp các vấn đề về tim mạch, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ,...
Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Suy thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) là một bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong y học hiện đại, người bệnh ESRD hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên không thể trả lời chính xác “Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu?” bởi vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố sau:
Tuổi tác: Người trẻ tuổi thường có tuổi thọ cao hơn sau khi mắc ESRD.
Sức khỏe tổng thể: Người bệnh có sức khỏe tốt, ít mắc các bệnh lý kèm theo sẽ có tuổi thọ cao hơn.
Phương pháp điều trị: Ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp người bệnh có thể hồi phục chức năng thận hoàn toàn và kéo dài tuổi thọ đáng kể. Lọc máu và lọc màng bụng cũng có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh ESRD, tuy nhiên hiệu quả sẽ thấp hơn so với ghép thận.
Tuân thủ điều trị: Người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, chăm sóc sức khỏe tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ có tuổi thọ cao hơn.
Thông thường đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn 5 có thể được chỉ định điều trị bằng một số phương pháp dưới đây:
Ghép thận: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp người bệnh có thể hồi phục chức năng thận hoàn toàn và sống cuộc sống gần như bình thường. Tuy nhiên, nguồn thận hiến tặng còn hạn chế và chi phí cho phẫu thuật cao.
Lọc máu: Phương pháp này sử dụng máy móc để lọc các chất thải và độc tố ra khỏi máu, thay thế cho chức năng lọc của thận đã mất. Người bệnh ESRD cần đến bệnh viện thực hiện chạy thận nhân tạo từ 2 - 4 lần mỗi tuần.
Lọc màng bụng: Màng bụng là một màng bán thấm cho các chất hòa tan và nước đi qua. Với cơ chế này, bác sĩ sẽ tiến hành lọc các chất cặn bã ra khỏi cơ thể người bệnh. Phương pháp này có thể thực hiện tại nhà của bệnh nhân.
Ngoài ra, người bệnh ESRD cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân để cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ:
Chế độ ăn uống: Hạn chế protein, phốt pho, kali và natri, đồng thời bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.
Theo dõi cân nặng: Tránh tăng cân quá mức.
Kiểm soát huyết áp: Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Nếu mắc đái tháo đường, cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ.
Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng của ESRD.
Tập thể dục thường xuyên: Giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng.
Uống đủ nước: Tuy nhiên, cần lưu ý lượng nước nạp vào theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn có những thông tin hữu ích về "ESRD là gì?". Phát hiện sớm bệnh suy thận và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh có cơ hội kéo dài tuổi thọ của bản thân. Vì vậy, mỗi người nên chủ động trang bị kiến thức về bệnh, đi khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm