Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh ung thư cổ tử cung có lây không? Có di truyền không?

Ngày 19/08/2023
Kích thước chữ

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư khá phổ biến và nguy hiểm, như là cơn ác mộng đối với nữ giới. Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng làm mẹ của người phụ nữ. Vì vậy nhiều người thắc mắc rằng là ung thư cổ tử cung có lây không và lây truyền qua đường nào?

Ung thư là tình trạng phát triển ngoài tầm kiểm soát các tế bào của cơ thể, tên bệnh ung thư sẽ được đặt theo tên của bộ phận cơ thể nơi nó xuất hiện đầu tiên, ngay cả khi nó lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư bắt đầu ở cổ tử cung được gọi là ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân hay gặp nhất của ung thư cổ tử cung là do virus gây u nhú ở người (HPV) gây ra.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Đa số các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều do HPV gây ra. Ngoài ra, những yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Hoạt động tình dục sớm;
  • Nhiều bạn tình;
  • Sinh nhiều lần;
  • Dùng thuốc tránh thai nhiều;
  • Vệ sinh sinh dục kém;
  • Hút thuốc lá;
  • Stress;
  • Nhiễm Human papillomavirus (HPV);
  • Suy giảm miễn dịch (HIV, AIDS): Phụ nữ nhiễm HIV nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với phụ nữ không nhiễm HIV
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs): Giang mai, sùi mào gà, lậu,…
ung thư cổ tử cung có lây không 1
Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có lây không và có di truyền không?

Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, đối với câu hỏi ung thư cổ tử cung có lây không thì câu trả lời là không. Tuy nhiên, virus HPV – loại virus có liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung thì có thể lây nhiễm. Do đó ung thư cổ tử cung không lây truyền khi đã mắc bệnh, nhưng nếu đang là virus HPV thì có thể lây.

Các con đường lây nhiễm của virus HPV như sau:

  • Quan hệ tình dục: Đây là con đường lây nhiễm chủ yếu, bao gồm cả quan hệ bằng đường miệng, đường tiếp xúc da với da ở cả bộ phận sinh dục và hậu môn. Do đó bạn cần quan hệ tình dục an toàn.
  • Từ mẹ sang con: Trong quá trình sinh con qua đường tự nhiên của người phụ nữ, trẻ sơ sinh vô tình tiếp xúc với các tế bào nhiễm virus HPV có ở bộ phận sinh dục của mẹ. Bên cạnh đó, cũng phát hiện sự hiện diện của HPV trong máu cuống rốn, dịch hút mũi họng, niêm mạc miệng của trẻ sơ sinh.
  • Dùng chung đồ lót: Trường hợp đồ lót còn tồn tại dịch nhầy của cơ quan sinh dục chứa virus HPV thì nếu bạn dùng chung đồ lót thì cũng có nguy cơ lây nhiễm.
  • Qua tiếp xúc da với da: Virus HPV trú ẩn dưới lớp biểu bì của mô da, nên việc tiếp xúc da với da cũng là một con đường lây nhiễm bệnh, đặc biệt là khi da có vết cắt, vết xước ngoài da.
ung thư cổ tử cung có lây không 2
Quan hệ tình dục không an toàn dễ làm lây nhiễm virus HPV

Ung thư cổ tử cung không phải là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, như đã thấy ở trên, virus HPV có thể lây từ mẹ sang con trong thai kỳ. Một số ít nghiên cứu cho rằng nếu người mẹ bị ung thư cổ tử cung thì tỉ lệ đứa con mắc bệnh này sẽ cao hơn.

Mối liên hệ giữa virus HPV và ung thư cổ tử cung

Phần lớn ung thư cổ tử cung (hơn 95%) là do virus gây u nhú ở người (HPV) gây ra. Đặc biệt virus HPV type 16 và 18, 2 type này là nguyên nhân gây ra ít nhất 70% ca ung thư cổ tử cung.

HPV chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục và hầu hết mọi người có thể bị nhiễm HPV ngay sau khi bắt đầu hoạt động tình dục và một số người có thể bị nhiễm nhiều lần. Virus HPV gây ảnh hưởng không chỉ ở nữ giới mà còn ở nam giới.

ung thư cổ tử cung có lây không 3
Virus HPV type 16,18 là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung

Mặc dù phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi và hầu hết các tổn thương tiền ung thư tự khỏi, nhưng tất cả phụ nữ nhiễm HPV đều có thể có nguy cơ trở thành mãn tính và các tổn thương tiền ung thư tiến triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.

Vì vậy, tiêm phòng vacxin HPV và sàng lọc, điều trị các tổn thương tiền ung thư là một cách hiệu quả để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Hiện nay, ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vacxin.

Vacxin phòng HPV tại Việt Nam đang được lưu hành giúp phòng ung thư ở cổ tử cung, không chỉ vậy mà vacxin này còn phòng ngừa ung thư ở âm đạo, âm hộ hay các tổn thương tiền ung thư, loạn sản hoặc mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV.

Độ tuổi chủng ngừa khuyến cáo là từ 9 tuổi đến 26 tuổi ở nữ giới, khi chưa lập gia đình và chưa quan hệ tình dục nên đi tiêm vacxin HPV sớm nhất có thể để đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng tốt nhất mà vacxin mang lại. Ngoài ra, hiện nay cũng có vacxin phòng HPV sử dụng cho nam giới. Với những hậu quả mà virus HPV gây ra, thì tiêm phòng HPV là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung.

ung thư cổ tử cung có lây không 4
Vắc xin phòng HPV giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Biện pháp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV

Bên cạnh việc quan hệ tình dục qua đường âm đạo, các hình thức quan hệ tình dục khác như: Quan hệ tình dục bằng miệng, chạm vào bộ phận sinh dục,… cũng có thể là nguyên nhân lây truyền HPV.

Bạn có thể làm để giảm khả năng bị nhiễm HPV như sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su bảo vệ, quan hệ với một bạn tình sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, những vùng bao cao su không che kín được vẫn có thể bị nhiễm virus.
  • Tiêm vaccine HPV: Vaccine được tiêm cho nữ giới trước và trong độ tuổi sinh sản từ 9 - 26 tuổi. Những phụ nữ đã được tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vẫn cần khám và tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn;
  • Khám tầm soát định kỳ: Việc khám tầm soát ung thư cổ tử cung là phát hiện sớm tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn.

Cách phát hiện sớm ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và điều trị đúng, kịp thời.

Kiểm soát ung thư cổ tử cung toàn diện bao gồm:

  • Phòng ngừa ban đầu: Tiêm vacxin ngừa HPV.
  • Phòng ngừa thứ cấp: Sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư.
  • Phòng ngừa cấp ba: Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung xâm lấn và chăm sóc giảm nhẹ.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp được câu hỏi ung thư cổ tử cung có lây không? Tóm lại, mặc dù ung thư cổ tử cung không lây nhiễm nhưng virus HPV - nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung lại có khả năng lây nhiễm. Do đó việc phòng ngừa virus HPV là quan trọng và cần thiết. Không chỉ chủ động tiêm vacxin phòng ngừa HPV mà còn phải tầm soát định kỳ, sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung để kịp thời điều trị và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin