Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị đau thắt lưng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì?

Ngày 10/05/2024
Kích thước chữ

Đau thắt lưng bên trái là tình trạng rất nhiều người gặp phải, có thể do chấn thương, lao động quá sức hoặc bệnh lý. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng quý bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng đau thắt lưng bên trái.

Cảm giác đau thắt lưng bên trái gây cảm giác khó chịu, bất tiện trong cuộc sống, công việc,… của người bệnh. Để biết tình trạng này liên quan đến bệnh lý nào và cách điều trị ra sao, Nhà thuốc Long Châu mời bạn theo dõi những thông tin dưới đây.

Thế nào là đau thắt lưng bên trái?

Tình trạng đau thắt lưng bên trái không hề hiếm gặp, thậm chí còn rất phổ biến ở cả người trẻ và người lớn tuổi. Vậy đau thắt lưng bên trái là gì? Đây là những cơn đau xuất hiện từ phần lưng dưới vùng thắt lưng, có thể lan rộng xuống chân hoặc lan đến vùng cột sống lưng rất khó chịu. Tùy vào nguyên nhân cụ thể là tình trạng đau thắt lưng bên trái có những biểu hiện khác nhau.

Những triệu chứng đau thắt lưng bên trái thường gặp nhất là:

  • Cảm giác đau âm ỉ, râm ran ở vùng thắt lưng;
  • Triệu chứng đau thắt lưng bên trái lan dần xuống vùng chân trái và mông;
  • Người bệnh bị đau nhức cả khi ngồi hoặc đổi tư thế;
  • Tình trạng đau nhức nhối xuất hiện ở vùng thắt lưng bên trái khiến người bệnh khó có thể ngồi lâu hoặc đi đứng trong thời gian dài.
Bị đau thắt lưng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì? 1
Bị đau thắt lưng bên trái gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh

Những bệnh lý gây đau thắt lưng bên trái

Theo các chuyên gia, cơn đau thắt lưng bên trái có thể do chấn thương, té ngã, va đập, lao động quá sức,… hoặc thậm chí là bệnh lý. Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp có thể biểu hiện thông qua cảm giác đau thắt lưng bên trái.

Đau dây thần kinh tọa: Đau thần kinh tọa là nguyên nhân rất phổ biến gây đau thắt lưng bên trái. Bệnh lý này thường khiến người bệnh đau nhức từ lưng đến chân, tập trung nhiều ở một phía của cơ thể. Những cơn đau dây thần kinh tọa bắt đầu từ vùng lưng dưới, kéo dài đến mông, đùi và lan xuống bắp chân.

Thoát vị đĩa đệm: Đây là bệnh lý làm cho rễ dây thần kinh vùng lưng, hông, chân bị chèn ép do phần dịch trong đĩa đệm tràn ra ngoài. Tình trạng thoát vị đĩa đệm gây ra những cơn đau thắt lưng bên trái, làm người bệnh hạn chế vận động, cảm giác đau nhức thường xuyên, đặc biệt là khi thay đổi tư thế.

Gai cột sống lưng: Nếu bạn thường xuyên bị đau thắt lưng bên trái, có thể đây chính là dấu hiệu của bệnh gai cột sống. Bệnh lý này là hiện tượng gai xương hình thành tại vị trí các đốt sống, gây ma sát, chạm vào các dây thần kinh tạo cảm giác đau nhức, cột sống co cứng và cảm giác khó chịu tại vùng thắt lưng trái hoặc phải. Kèm theo cảm giác đau thắt lưng bên trái có thể là hiện tượng tê vùng mông, đùi, bắp chân, bàn chân,…

Bị đau thắt lưng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì? 2
Bệnh gai cột sống với triệu chứng là các cơn đau thắt lưng bên trái hoặc phải

Thoái hóa cột sống thắt lưng: Theo các bác sĩ, tình trạng đau thắt lưng bên trái cũng là một trong những dấu hiệu đáng báo động ở người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Đây là hiện tượng cột sống bị oxy hóa, bị bào mòn dẫn đến tình trạng cột sống chèn ép vào các rễ dây thần kinh. Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng thường có cảm giác đau nhức lưng vùng bên trái hoặc bên phải, tùy theo vị trí đốt sống bị thoái hóa. Hiện tượng thoái hóa cột sống thắt lưng phần lớn xuất hiện ở người lớn tuổi hoặc những người tập luyện cường độ cao, đặc trưng công việc nặng nhọc, gây nhiều áp lực lên cột sống,…

Bệnh về thận: Các bệnh về thận có thể dẫn đến các cơn đau thắt lưng bên trái, điển hình có thể kể đến như bệnh suy thận, sỏi thận, viêm thận,… Khi gặp tình trạng đau thắt lưng bên trái kèm theo các biểu hiện như đi tiểu nhiều, mệt mỏi, đau buốt lan dần xuống phần bụng dưới hoặc phía trước bụng,… bạn nên đi khám, phát hiện và điều trị vấn đề từ sớm.

Bị đau thắt lưng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì? 3
Các bệnh về thận như sỏi thận, viêm thận,... có thể khiến bạn bị đau thắt lưng

Làm thế nào khi bị đau thắt lưng bên trái?

Tùy theo nguyên nhân gây đau thắt lưng bên trái mà người bệnh cần áp dụng các cách chữa trị khác nhau. Theo đó, có 2 phương án cải thiện các cơn đau thắt lưng bên trái gồm điều trị tại nhà và điều trị nội khoa.

Chữa trị đau thắt lưng bên trái tại nhà

Nếu bạn đang gặp các cơn đau thắt lưng bên trái gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày nhưng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, hãy áp dụng một số cách giảm đau dưới đây.

  • Hạn chế các hoạt động nặng nhọc, đặc biệt là tập luyện với cường độ cao, các vận động kích thích vị trí bị đau.
  • Nên nghỉ ngơi nhiều hơn, đặt cơ thể ở trạng thái thư giãn nhằm giảm tình trạng căng thẳng, đau thắt lưng bên trái.
  • Tập các bài tập giãn cơ hoặc vận động nhẹ nhàng với các bài tập dành riêng cho người bị đau lưng hoặc các bài tập yoga đơn giản.
  • Trường hợp bị đau thắt lưng bên trái kèm theo sưng tấy hoặc căng cứng cơ, người bệnh có thể sử dụng biện pháp chườm nóng, chườm lạnh để giảm sưng.
  • Có thể sử dụng thêm các liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt giảm đau,…
  • Nếu cơn đau nhiều hơn, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu,… và các loại hải sản như tôm, cua,…
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ từ rau củ quả, tránh hoàn toàn hoặc hạn chế tối đa rượu bia, chất kích thích, thuốc lá,…
Bị đau thắt lưng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì? 4
Người bị đau thắt lưng bên trái nên thay đổi chế độ ăn ít thịt, tăng cường rau xanh

Điều trị nội khoa tình trạng đau thắt lưng bên trái

Nếu tình trạng đau thắt lưng bên trái không thuyên giảm khi áp dụng cách điều trị tại nhà, người bệnh cần đến gặp bác sĩ, tiến hành thăm khám và điều trị nội khoa.

  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh nhằm giảm cảm giác đau nhức tùy theo nguyên nhân gây đau thắt lưng bên trái và phác đồ điều trị bệnh phù hợp.
  • Thực hiện chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI,…
  • Tiêm tê màng cứng để giảm đau cho bệnh nhân trong trường hợp cơn đau xuất phát từ các vấn đề xương khớp.
  • Đeo đai vật lý trị liệu để định hình lại cột sống, tránh những ảnh hưởng từ việc sai tư thế gây cản trở quá trình phục hồi tổn thương.
  • Tập luyện vật lý trị liệu với các bài tập phù hợp với tình trạng mỗi bệnh nhân khác nhau.

Nhìn chung, đau thắt lưng bên trái không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có liên quan đến nhiều bệnh lý về xương khớp, thận,… nên người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Nếu nhận thấy các cơn đau thắt lưng bên trái ngày một nặng, bạn hãy đi khám sức khỏe và tiến hành điều trị theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin