Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa cột sống thắt lưng liên quan đến sự suy yếu theo tiến trình lão hóa của cột sống thắt lưng, hệ thống đĩa đệm và các khớp. Bệnh lý này thường xảy ra trên người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa dần. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp bạn có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cấu tạo và chức năng cột sống thắt lưng

Cơ thể con người gồm năm đốt sống thắt lưng được kí hiệu từ L1 đến L5. Cấu tạo cột sống thắt lưng gồm các đặc trưng như sau:

  • Thân đốt sống lớn và có bề ngang rộng.
  • Lỗ sống (cho tủy và thần kinh đốt sống đi qua) có hình tam giác, nhỏ hơn đốt sống đoạn cổ và rộng hơn đốt sống đoạn ngực.
  • Lỗ liên hợp giữa đốt sống phía trên và phía dưới là đường đi ra của rễ thần kinh cột sống thắt lưng.
  • Các mỏm xương gồm mỏm ngang, mỏm phụ, mỏm gai, mỏm khớp trên và dưới.

Cột sống thắt lưng giúp chống đỡ sức nặng của cơ thể trong tư thế đứng và hỗ trợ trong quá trình chuyển động. Ngoài ra, cột sống thắt lưng giúp bảo vệ tủy sống - là cơ quan thần kinh trung ương quan trọng trong chi phối các hoạt động của nửa thân dưới và tạo sự liên kết với xương sườn, tạo thành bộ khung bảo vệ cơ quan nội tạng. Vì áp lực lên vùng cột sống thắt lưng rất lớn, do vậy các đốt sống tại đây sẽ nhanh vào tiến trình thoái hóa.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Thoái hóa cột sống thắt lưng là một trong những bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về cơ xương khớp. Đây là một bệnh phức tạp, đặc điểm chính là tổn thương toàn bộ cấu trúc xương khớp, bao gồm tổn thương sụn là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, đĩa đệm, các cơ cạnh sống và màng hoạt dịch. Tổn thương diễn biến chậm tại sụn đầu xương, kèm theo các biến đổi hình thái, biểu hiện bởi hiện tượng hẹp khe khớp, tân tạo xương (gai xương), xơ xương dưới sụn và thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý xương khớp mạn tính, có tốc độ diễn tiến chậm, với những biểu hiện khá mơ hồ và người bệnh có thể không chú ý. Mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có những triệu chứng nhận biết khác nhau, bao gồm:

  • Đau kiểu mỏi vùng thắt lưng do sụn khớp còn ở giai đoạn đầu của sự bào mòn.
  • Đau âm ỉ, tăng khi hoạt động và đi lại, giảm khi nghỉ ngơi, đặc biệt khi nằm trên giường hoặc nền cứng.
  • Cứng khớp vùng cột sống thắt lưng vào buổi sáng, có thể nghe tiếng lục cục khi cử động, xoay người.
  • Cường độ đau có thể tăng lên kèm co cứng cơ hai bên cột sống thắt lưng.
  • Cơn đau khởi phát từ thắt lưng lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân nếu thoái hóa cột sống thắt lưng có chèn ép rễ dây thần kinh tọa gây đau thần kinh tọa.
  • Một số triệu chứng khác như: Cảm giác tê bì vùng mông và chân, yếu hai chân, giảm hoặc mất cảm giác vùng tầng sinh môn, mất kiểm soát tiểu tiện,...
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau thắt lưng

Biến chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Biến dạng cột sống thắt lưng: Người bệnh có thể bị mất đường cong sinh lý của cột sống như gù lưng, cong vẹo cột sống, ưỡn cột sống quá mức.
  • Chèn ép rễ thần kinh: Thoái hóa cột sống thắt lưng dẫn đến hẹp các lỗ liên hợp đốt sống hoặc gai xương chèn ép, dẫn đến tổn thương các rễ thần kinh vùng thắt lưng gây ra đau hoặc tê lan theo đường đi thần kinh tọa.
  • Chèn ép tủy hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa: Người bệnh đau thắt lưng dữ dội kém đáp ứng với thuốc giảm đau, yếu hoặc liệt các cơ chi dưới, giảm hoặc mất cảm giác vùng tầng sinh môn và 2 chân, rối loạn tiêu tiểu, rối loạn chức năng sinh dục,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng đã kể trên, hoặc các triệu chứng không đáp ứng sau 1 tuần điều trị với các loại thuốc giảm đau, hãy đến gặp bác sĩ để được theo dõi diễn tiến bệnh và được phát hiện sớm các biến chứng của bệnh, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống thắt lưng

Mối liên hệ giữa lão hóa và thoái hóa cột sống thắt lưng bao gồm:

  • Lão hóa tác động lên chức năng khớp: Giảm khối cơ, giảm nhận cảm và thăng bằng, khớp mất vững.
  • Lão hóa tác động mô học của khớp: Sụn giòn hơn, tế bào sụn giảm đồng hóa, tăng dị hóa, mất cấu trúc bình thường của xương, tăng độ cứng của dây chằng và gân cơ.

Các cơ chế gây tổn thương sụn trong thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Bước 1: Hiện tượng sinh cơ học, quá trình này sản xuất nhiều men tiêu hủy protein làm phá hủy chất căn bản của sụn (collagen, proteoglycan,…).
  • Bước 2: Hiện tượng ăn mòn bề mặt sụn, quá trình này phóng thích các sản phẩm phân hủy vào trong dịch khớp (các mảnh vụn collagen, proteoglycan,…).
  • Bước 3: Quá trình viêm màng hoạt dịch bắt đầu, các tế bào màng hoạt dịch tiêu hóa các sản phẩm phân hủy thông qua đại thực bào phóng thích ra men protease và cytokine tiền viêm chủ yếu là IL-1, TNF và NO.

Cơ chế gây đau trong thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Tăng sinh mạch máu trong đĩa đệm, thấm nhập tế bào viêm;
  • Nứt hoặc rách vòng xơ của đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm;
  • Chèn ép các cấu trúc mô mềm và thần kinh quanh đốt sống.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Lão hóa là nguyên nhân chính của thoái hóa cột sống thắt lưng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hóa cột sống thắt lưng?

Một số đối tượng sau có nguy cơ cao mắc thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Thừa cân, béo phì;
  • Người lao động nặng, thường xuyên khuân vác;
  • Người có tiền căn chấn thương vùng cột sống thắt lưng;
  • Hoạt động thể lực quá mức và sai tư thế thường xuyên;
  • Suy dinh dưỡng.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Người béo phì có nguy cơ cao thoái hóa cột sống thắt lưng

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hóa cột sống thắt lưng

Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Tuổi và giới: Cơ chế hiện chưa rõ, chủ yếu được giải thích dựa trên quá trình lão hóa tế bào, sự giảm khả năng đáp ứng của khớp với thay đổi sinh cơ học, sự giảm khối cơ cả về số lượng và chất lượng và tăng quá trình chu chuyển xương.
  • Suy giảm hormone: Nữ mãn kinh có tần suất mắc thoái hóa cột sống thắt lưng cao hơn.
  • Gia đình và di truyền: Thoái hóa khớp được ghi nhận có tính gia đình và di truyền.
  • Gene: Liên quan 40 - 60% sinh bệnh học của thoái hóa khớp tùy vào vị trí. Có nhiều gene liên quan như VDR, ILGF, collagen type II, GDF5.
  • Chủng tộc: Một số loại thoái hóa khớp có tỉ lệ người châu Á lớn hơn người da trắng tuy nhiên thoái hóa khớp háng có tỉ lệ người da trắng lớn hơn người châu Á.
  • Sức cơ: Tăng sức cơ cạnh cột sống sẽ làm giảm nguy cơ thoái hóa cột sống thắt lưng 48%.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm thoái hóa cột sống thắt lưng

Chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng thường có thể được thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng, khám thực thể kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử, tiền căn bệnh lý liên quan. Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định bao gồm:

  • X-quang cột sống thắt lưng thẳng - nghiêng: Quan sát hình ảnh biến dạng cột sống, hẹp khe khớp, xơ xương dưới sụn, gai xương, hẹp lỗ liên hợp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể được yêu cầu để xác định mức độ tổn thương ở cột sống. MRI có thể cho kết quả đĩa đệm, dây chằng hoặc các mô mềm quanh đốt sống bị tổn thương, hẹp khe khớp hoặc gai xương hoặc chèn ép rễ thần kinh.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
X-quang cho thấy hình ảnh gai xương

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng hiệu quả

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật là chỉ định đầu tay trong quản lý thoái hóa cột sống thắt lưng.

Thuốc chống viêm

Phổ biến nhất là ibuprofen hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDs), được sử dụng để giảm sưng và giảm đau. Hầu hết các cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc không kê toa, nhưng nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau kê toa.

Tiêm steroid ngoài màng cứng

Có thể được chỉ định để giúp kháng viêm, giảm đau, giảm sưng. Phương pháp điều trị này thường giúp giảm đau tạm thời, có thể kéo dài vài tháng.

Vật lý trị liệu và các bài tập

Có thể giúp ổn định cột sống, tạo sức bền cho cơ canh sống và tăng tính linh hoạt cho cột sống thắt lưng. Trị liệu có thể giúp khôi phục lại biên độ hoạt động bình thường.

Yoga có thể có hiệu quả đối với một số người bệnh trong việc giúp kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, cần có chuyên gia yoga đưa ra các bài tập thích hợp, không làm nặng thêm tình trạng bệnh của bạn.

Châm cứu, chườm thuốc và xoa bóp bấm huyệt

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền đạt được hiệu quả tương tự thuốc giảm đau trong điều trị các triệu chứng ở người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Lựa chọn các cơ sở y tế uy tín có triển khai điều trị đau bằng Y học cổ truyền có thể cải thiện tình trạng bệnh của bạn.

Phẫu thuật

Điều trị bằng phẫu thuật cho bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng thường không phổ biến, trừ khi bệnh lý diễn tiến dẫn đến hẹp ống sống nghiêm trọng, chèn ép tủy có thể gây ra tình trạng tổn thương thần kinh, như yếu cơ hoặc đau và tê.

Phẫu thuật có thể được khuyến nghị nếu các lựa chọn điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) không làm giảm hoặc chấm dứt cơn đau hoàn toàn và nếu cơn đau làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật khác, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và các vấn đề bệnh lý nền của người bệnh đều được xem xét kĩ lưỡng trước khi chưa ra chiến lược điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hóa cột sống thắt lưng

Chế độ sinh hoạt:

  • Giảm cân nếu bạn đang có tình trạng thừa cân béo phì;
  • Bổ sung dưỡng chất và tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng nếu bạn đang suy dinh dưỡng;
  • Tập luyện thể dục thể thao cường độ vừa sức, khởi động các khớp trước các buổi tập;
  • Không khuân vác nặng trong và sau thời gian điều trị bệnh;
  • Xây dựng thời gian biểu lao động và nghỉ ngơi phù hợp giúp bồi hoàn thể lực.

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh vừa duy trì cân nặng lý tưởng vừa giúp bệnh hạn chế diễn tiến. Bạn có thể bổ sung một số nhóm chất sau:

  • Thực phẩm giàu calci: Giúp duy trì mật độ xương, khiến xương chắc khỏe. Calci có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại rau lá có màu xanh đậm như cải ngọt, rau muống, súp lơ, các loại đậu, tôm cua cá nhỏ,...
  • Thực giảm giàu omega 3: Acid béo tốt có thể thúc đẩy quá trình hình thành tế bào, phát triển mô và xương, kháng viêm. Omega 3 có nhiều trong các loại hạt, quả bơ, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ,...
  • Glucosamin: Giúp tổng hợp glycosaminoglycan cấu tạo nên mô sụn, gân cơ, dây chằng, dịch khớp. Các loại thực phẩm chức năng chứa glucosamin nên được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.
  • Vitamin D: Loại vitamin này rất quan trọng trong chuyển hóa calci cho xương. Có thể bổ sung vitamin D qua các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Bổ sung calci đối với người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Phòng ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng

Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng hiệu quả:

  • Theo dõi và phát hiện sớm các biến dạng cột sống để điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng.
  • Luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức cơ cạnh cột sống thắt lưng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh các động tác sai tư thế, gây tổn thương vùng cột sống thắt lưng như khuân vác, cúi người bê đồ nặng,...

Các câu hỏi thường gặp về thoái hóa cột sống thắt lưng

Ai có thể mắc thoái hóa cột sống thắt lưng?

Bệnh lý này phổ biến nhất ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) do tiến trình lão hóa hệ cơ xương khớp. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, do các hoạt động đời sống tác động nhiều đến cột sống.

Thoái hóa cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?

Bệnh lý này thuộc nhóm bệnh lý mạn tính, với diễn tiến bệnh âm thầm và ít triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như đau thần kinh tọa, biến dạng cột sống, chèn ép tủy sống,...

Thoái hóa cột sống thắt lưng có chữa hết hoàn toàn không?

Không. Vì bệnh lý này là tình trạng thoái hóa mạn tính của đốt sống và các tổ chức mô mềm xung quanh. Do đó không thể điều trị để đảo ngược tình trạng thoái hóa, chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

Tôi nên tránh làm gì nếu bị thoái hóa cột sống thắt lưng?

Điều quan trọng là bạn phải duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện các bài tập giúp mạnh các cơ vùng thắt lưng. Tránh các động tác sai tư thế như khuân vác hoặc cúi người bê vật nặng.

Thoái hóa cột sống thắt lưng có giống với hẹp ống sống không?

Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể xuất hiện gai xương, chèn ép lên các cấu trúc xung quanh cột sống bao gồm cả việc làm hẹp ống sống, khiến tủy sống và các rễ thần kinh bị tổn thương.

Nguồn tham khảo
  1. Lumbar and Cervical Spondylosis: Symptoms & Treatments: https://www.hss.edu/conditions_spondylosis-overview.asp
  2. Cervical & Lumbar Spondylosis: https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/spondylosis/symptoms-causes
  3. Lumbar Spondylosis: https://www.physio-pedia.com/Lumbar_Spondylosis
  4. Middleton K, Fish DE. Lumbar spondylosis: clinical presentation and treatment approaches. Curr Rev Musculoskelet Med. 2009 Jun;2(2):94-104. doi: 10.1007/s12178-009-9051-x.
  5. Weinstein JN, Lurie JD, Tosteson TD, et al. Surgical versus nonsurgical treatment for lumbar degenerative spondylolisthesis. N Engl J Med. 2007 May 31;356(22):2257-70. doi: 10.1056/NEJMoa070302. 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm bao hoạt dịch khớp gối

  2. U tủy sống

  3. Thoái hóa khớp cổ chân

  4. Bệnh Scheuermann

  5. Viêm khớp mạn tính

  6. Hội chứng lối thoát lồng ngực

  7. U xương

  8. Thoái hóa đốt sống cổ

  9. Đau cột sống

  10. Lõm ngực bẩm sinh