Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?

Ngày 13/12/2023
Kích thước chữ

Bị trĩ khi mang thai là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3. Tình trạng này khiến các bà mẹ cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng thể chất và tâm lý.

Thông thường, bị trĩ khi mang thai sẽ ở mức độ nhẹ và tự khỏi sau sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp mẹ bầu bị trĩ nặng. Liệu tình trạng này có nguy hiểm và việc phẫu thuật có cần thiết hay không?

Nguyên nhân dễ bị trĩ khi mang thai

Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ mắc bệnh trĩ vì những nguyên nhân:

  • Thai nhi ngày càng lớn kéo theo sự tăng dần của kích thước tử cung người mẹ. Lúc này, xương chậu chịu áp lực lớn, đặc biệt là ở tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng làm tĩnh mạch sưng và đau.
  • Nồng độ hormone progesterone tăng lên trong thời kỳ mang thai làm giãn các thành mạch và làm chúng dễ bị sưng hơn.
  • Sự tăng lên của thể tích máu khi mang thai gây giãn tĩnh mạch.
  • Mẹ bị táo bón thường xuyên.
  • Mẹ tăng cân quá nhiều.
  • Ngồi hoặc đứng quá lâu trong khoảng thời gian dài.
Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?
Trĩ mang đến nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày

Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không?

Bị trĩ lúc mang bầu tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và thể trạng của người mẹ:

  • Người mẹ bị mệt mỏi, stress, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Trĩ nếu không được điều trị đúng cách từ giai đoạn đầu có thể trở nặng, làm búi trĩ sa nghẹt hoặc tắc mạch, viêm loét, nhiễm trùng.
  • Mẹ bầu bị trĩ trong lần mang thai đầu tiên rất có thể bị trĩ khi có thai lần 2, đặc biệt đối với những người mẹ sinh thường cần phải rặn mạnh.
  • Trĩ gây ngứa, đau và khó chịu. Nếu bị nặng, mẹ bầu có thể bị chảy máu trực tràng, trong hoặc sau đi vệ sinh.

Bị trĩ nặng khi mang thai có cần phẫu thuật không?

Theo khuyến cáo của các bác sĩ sản phụ khoa, việc chữa trĩ cho bà mẹ mang thai thường dùng thuốc và đặt hậu môn, không nên dùng các biện pháp phẫu thuật. Nguyên nhân bởi việc can thiệp đi kèm nhiều nguy hiểm như: Biến cố khi gây mê / tê, phản ứng thuốc sau phẫu thuật, không cầm máu sau mổ, nhiễm trùng,...

Nếu bệnh nặng và bắt buộc cần phải can thiệp thì chỉ nên tiến hành ít nhất 6 tuần sau sinh. Lúc này, các mô cơ ở hậu môn đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trĩ sưng quá to, gây đau nhiều khiến mẹ bầu không thể đại tiện thì bác sĩ sẽ cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích để có biện pháp can thiệp xử trí phù hợp.

Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?
Tùy vào mức độ bệnh bác sĩ sẽ có hướng xử lý thích hợp

Cách chữa trĩ cho mẹ bầu tại nhà

Với những bà mẹ mang thai bị trĩ ở thể nhẹ có thể áp dụng các cách sau để giảm đau và giảm ngứa tạm thời:

  • Ngâm hậu môn, trực tràng trong nước ấm khoảng 10-15 phút vài lần trong ngày để cảm thấy dễ chịu và kích thích máu lưu thông, giảm đau.
  • Sử dụng túi đá chườm lên vùng trĩ bị sưng để giảm ngứa và giảm đau.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực hậu môn sau mỗi lần đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng búi trĩ. Mẹ bầu nên sử dụng khăn vải hoặc giấy vệ sinh loại mềm, không mùi, không màu.

Nếu đã áp dụng những cách trên mà tình trạng trĩ vẫn không cải thiện và thậm chí trở nên nghiêm trọng đi kèm những biến chứng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn. Mẹ bầu lưu ý tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc, kem bôi trĩ khi chưa có chỉ định.

Làm thế nào để tránh bị trĩ khi mang thai?

Để phòng ngừa bệnh trĩ khi mang bầu, các bà mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc, đậu, rau quả, trái cây để tránh táo bón.
  • Hạn chế ăn nhiều muối và đường.
  • Không sử dụng đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích.
  • Tránh stress vì sẽ dễ bị táo bón và viêm đại tràng.
  • Uống nhiều nước (khoảng 2,5 - 3 lít) mỗi ngày.
  • Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn để thúc đẩy lưu thông máu, tăng cường độ dẻo dai cho các cơ vùng kín.
  • Nên tập thói quen đi đại tiện đều đặn vào một khung giờ nhất định hằng ngày và tránh rặn khi đi vệ sinh.
  • Tránh ngồi quá lâu, nên đứng dậy đi lại sau khoảng 30 phút làm việc để giảm áp lực lên hậu môn.
  • Nên nằm nghiêng về bên trái thay vì nằm ngửa hoặc nằm sấp. Điều này giúp giảm máu ứ tại vùng chậu và hậu môn.
Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?
Mẹ bầu nên bổ sung nhiều chất xơ vào thực đơn hằng ngày

Một số câu hỏi thường gặp về vấn đề bị trĩ khi có thai

Dưới đây là một số câu hỏi các mẹ bầu mắc bệnh trĩ thường thắc mắc và chúng tôi đã tổng hợp để giải đáp.

Bệnh trĩ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bệnh trĩ hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi. Nguyên nhân bởi trĩ xảy ra ở vùng trực tràng và hậu môn, không liên quan đến bộ phận sinh dục và sức khỏe em bé.

Bị trĩ có thể sinh thường được không?

Đa phần bà bầu bị trĩ không ảnh hưởng đến quá trình sinh con và vẫn có thể sinh thường. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị trĩ quá nặng, quá to và gây đau rát nhiều và cản trở sinh nở, bác sĩ sẽ có chỉ định khác.

Bị trĩ khi mang thai liệu có tự khỏi được không?

Trĩ có hai loại: Trĩ triệu chứng và trĩ thực thể. Phụ nữ mang thai thường gặp loại trĩ triệu chứng, xuất hiện do tác nhân phụ của bệnh cảnh hay sinh lý nhất định. Vì thế, đa phần mẹ bầu có thể tự khỏi trĩ hoàn toàn mà không cần điều trị sau sinh khi nồng độ tiết tố, lượng máu và áp lực trong ổ bụng giảm về mức bình thường. 

Nhìn chung, bị trĩ khi mang thai sẽ tự khỏi sau sinh nên mẹ bầu không phải quá lo lắng. Tuy nhiên, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ bị trĩ khi mang thai, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và có phương án giải quyết kịp thời. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin