Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Biến chứng sau thay khớp háng và những điều cần lưu ý

Ngày 26/11/2023
Kích thước chữ

Thay khớp háng là phương pháp được dùng để điều trị cho những tổn thương khớp háng không thể điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, phẫu thuật này khá phức tạp và vẫn có nguy cơ gây ra các biến chứng sau thay khớp háng không mong muốn.

Phẫu thuật thay khớp háng được chỉ định đối với trường hợp người bệnh không đáp ứng các biện pháp điều trị bảo tồn và chức năng vận động không thể cải thiện. Sau khi thực hiện phẫu thuật điều trị, người bệnh có thể vận động sớm hơn. Ngoài những lợi ích mà phương pháp điều trị này mang lại thì vẫn có một tỷ lệ thấp các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, việc hiểu rõ các biến chứng sau thay khớp háng sẽ giúp người bệnh có phương án dự phòng và điều trị tốt hơn.

Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật thay khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng được thực hiện để cắt bỏ khớp háng bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thông thường, phương pháp này chỉ được chỉ định đối với những trường hợp bị tổn thương khớp háng nghiêm trọng và không thể điều trị bảo tồn. Ở Việt Nam, kỹ thuật này đã phát triển được hơn 40 năm và đã có hàng nghìn ca bệnh được thay khớp háng thành công mỗi năm. Giúp người bệnh thoát khỏi đau và khó chịu, tái khôi phục khả năng vận động và mở ra cuộc sống mới.

Biến chứng sau thay khớp háng và những điều cần lưu ý 1
Phẫu thuật thay khớp háng được chỉ định khi khớp háng bị tổn thương không thể phục hồi

Phẫu thuật thay khớp vùng háng được xem là một thành tựu to lớn trong lịch sử phát triển ngành chấn thương chỉnh hình. Kỹ thuật y khoa này thường được thực hiện ở những bệnh viện lớn với đội ngũ chuyên gia và thiết bị hiện đại, cho tỷ lệ thành công cao.

Những biến chứng sau thay khớp háng thường gặp

Trên thực tế, có khoảng dưới 2% các ca bệnh gặp phải các biến chứng sau mổ thay khớp háng. Các biến chứng này có thể xảy ra trong phẫu thuật hoặc sau vài tuần, vài tháng hay thậm chí là vài năm sau khi thực hiện phẫu thuật. Một số các biến chứng thường gặp như:

Hình thành cục máu đông

Sau khi thực hiện phẫu thuật, cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch. Nguyên nhân có thể do người bệnh nằm hoặc ngồi trong thời gian dài khiến quá trình lưu thông máu trong cơ thể bị chậm lại và hình thành cục máu đông. Nếu những cục máu đông này di chuyển lên phổi, tim hoặc não có thể gây nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Để phòng ngừa, các bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc chống đông máu cho người bệnh trước và sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng vớ y khoa hoặc vớ cơ học và thực hiện các bài vận động phù hợp để giúp cải thiện lưu thông máu.

Biến chứng sau thay khớp háng và những điều cần lưu ý 2
Cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch sau phẫu thuật

Nhiễm trùng sau khi phẫu thuật

Nhiễm trùng cũng là một biến chứng sau thay khớp háng thường gặp do vi khuẩn staphylococcus aureus gây ra. Tình trạng này có thể xảy ra tại vị trí vết mổ hoặc trong các mô sâu gần khớp nhân tạo. Đa số các trường hợp nhiễm trùng đều sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng nếu bị nhiễm trùng ở khớp nhân tạo, người bệnh có thể phải thực hiện phẫu thuật lần hai để thay thế khớp nhân tạo mới.

Trong thời gian bị nhiễm trùng, người bệnh cần hạn chế phẫu thuật hoặc điều trị nha khoa. Nếu bắt buộc phải thực hiện, hãy báo với bác sĩ và nha sĩ về tình trạng nhiễm trùng để có biện pháp khắc phục phù hợp.

Thay đổi chiều dài chân

Khi chiều dài chân không đồng đều, người bệnh có thể trải qua cảm giác đau và mệt mỏi do dây thần kinh bị căng đến mức bị tê bì, gây đau đớn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc khớp nhân tạo được thay mới dài hơn hoặc ngắn hơn chân còn lại. Hoặc cũng có thể do tình trạng thoái hóa lâu năm khiến xương bị biến dạng hay các bất thường do bẩm sinh.

Sau phẫu thuật thay khớp, bác sĩ cố gắng giảm thiểu khả năng chênh lệch chiều dài giữa hai chân. Trong trường hợp chênh lệch nhỏ khoảng 0.5cm, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp để cải thiện. Tuy nhiên, nếu sự chênh lệch giữa hai chân khoảng 2cm hoặc lớn hơn có thể thì người bệnh có thể cần phải thực hiện phẫu thuật thay khớp háng một lần nữa để tránh gây ra những ảnh hưởng nặng nề.

Gãy xương

Trong quá trình phẫu thuật thay khớp háng, có thể xảy ra tình trạng gãy xương ở các bộ phận gần khớp do tác động của quá trình mổ. Đôi khi, đó chỉ là những vết nứt nhỏ và tế bào xương vẫn có thể tự phục hồi. Nhưng khi tình trạng gãy xương trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần phải được điều trị bằng các biện pháp y khoa.

Biến chứng sau thay khớp háng và những điều cần lưu ý 3
Gãy xương là biến chứng xảy ra trong quá trình phẫu thuật thay khớp háng

Nguy cơ gãy xương thường sẽ cao hơn đối với những người mắc bệnh loãng xương. Vì vậy việc bổ sung vitamin và canxi trước phẫu thuật là điều rất cần thiết để giúp làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng sau thay khớp háng này.

Trật khớp háng sau phẫu thuật

Trật khớp háng là biến chứng sau mổ thay khớp háng thường gặp trong những tháng đầu tiên sau khi thực hiện phẫu thuật. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ có thể sẽ dùng nẹp để giữ cho phần hông cố định. Hoặc người bệnh có thể phải thực hiện phẫu thuật định hình lại khớp nếu bị trật khớp nghiêm trọng.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gặp phải biến chứng trật khớp sau phẫu thuật như nữ giới, người trên 80 tuổi, người uống nhiều rượu bia, người có khớp háng yếu hoặc đã từng phẫu thuật khớp háng. Tuy nhiên, biến chứng này đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây nhờ vào việc cải thiện vật liệu và kỹ thuật trong phẫu thuật thay khớp háng.

Lỏng khớp

Mặc dù biến chứng sau thay khớp háng này thường rất ít khi xảy ra sau khi phẫu thuật. Đôi khi, có thể do khớp háng nhân tạo không được cố định vào xương. Hoặc cũng có thể do khớp háng bị bào mòn và lỏng lẻo theo thời gian. Đối với những trường hợp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến người bệnh, các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện phẫu thuật lần hai hoặc phẫu thuật cố định ổ khớp.

Biến chứng sau thay khớp háng và những điều cần lưu ý 4
Khớp háng nhân tạo có thể bị bào mòn và lỏng lẻo theo thời gian

Những điều cần lưu ý trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật

Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên chăm sóc cụ thể tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhưng nhìn chung, người bệnh cần phải tuân thủ theo các khuyến nghị sau đây để nhanh chóng phục hồi chức năng sau thay khớp háng:

  • Chế độ vận động hợp lý: Người bệnh có thể bắt đầu đi lại ngay sau phẫu thuật và quay trở lại hoạt động thường ngày trong khoảng 3 - 6 tuần. Cần tuân thủ thực hiện đúng các bài tập vật lý theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với đi bộ nhẹ để thúc đẩy tuần hoàn máu.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng và cân nặng: Cân nặng tăng quá mức có thể gây áp lực lên khớp háng nhân tạo, làm mòn và tăng nguy cơ biến chứng. Vì vậy, người bệnh cần duy trì cân nặng ổn định và chế độ ăn uống cân bằng để hồi phục nhanh chóng.
  • Sắp xếp hỗ trợ từ người thân: Việc giảm vận động sau phẫu thuật có thể làm ảnh hưởng đến một số công việc hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên nhờ người thân sắp xếp hỗ trợ chăm sóc trong những ngày đầu mới phẫu thuật.

Phẫu thuật khớp háng được xem là phương pháp hiệu quả để khắc phục những trường hợp bị tổn thương nặng nề và không thể phục hồi. Để hạn chế các biến chứng sau thay khớp háng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trước và sau khi phẫu thuật.

Xem thêm:

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng

Thay khớp háng bảo hiểm chi trả bao nhiêu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin