Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bỏ túi những cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà

Ngày 15/10/2022
Kích thước chữ

Cơn hen suyễn thường xuất hiện đột ngột và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nên người bệnh cần được xử lý kịp thời. Để đối phó khẩn cấp tình trạng này bạn hãy ghi nhớ một số cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà.

Để chuẩn bị cho việc xử lý cơn hen suyễn kịp thời, ngoài việc trang bị một bình xịt định liều khẩn cấp bên mình, bạn có thể thực hiện những cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà được gợi ý trong bài viết sau nhé.

Dấu hiệu cảnh báo cơn hen suyễn tấn công

Bỏ túi những cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà 1 Ho là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn khó thở do hen suyễn sắp xuất hiện

Các dấu hiệu đặc trưng của cơn hen suyễn là khó thở (hơi thở ngắn), khò khè, ho, đau hoặc nặng ngực. Dấu hiệu hen suyễn xuất hiện đột ngột sau khi gặp một trong những yếu tố gây kích thích như tiếp xúc với các chất gây dị ứng (ví dụ thuốc, thức ăn…), thời tiết thay đổi, nhiễm virus hô hấp, gắng sức quá mức...

Những dấu hiệu sau cảnh báo bạn sắp bị khó thở do hen suyễn gồm ngứa họng, ho, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt… Sau những dấu hiệu đó, cơn hen suyễn xuất hiện với các triệu chứng: Khi người bệnh hít vào lẫn thở ra đều nghe khò khè, thở rất nhanh, ho liên tục.

Nếu nhận biết bệnh sớm và có cách xử lý kịp thời, triệu chứng khó thở sẽ được cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng nặng hơn như nặng ngực, đau ngực, nói khó, cảm giác bất an, mặt nhợt nhạt, tím môi và đầu ngón tay, vã mồ hôi. Nếu để tình trạng trên kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy máu, gây thiếu máu não, bị ngất xỉu, mất ý thức… thậm chí có thể tử vong.

Vậy khi lên cơn hen suyễn, người bệnh nên làm gì và áp dụng cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà ra sao?

Cách xử lý khi lên cơn hen suyễn khẩn cấp tại nhà

Biện pháp dùng thuốc

Khi các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen suyễn xuất hiện, việc quan trọng đầu tiên là tránh xa những yếu tố gây hen suyễn như lông thú vật, phấn hoa, khói thuốc lá, mùi hoá chất… và tìm một chỗ thoáng để nghỉ.

Sau đó người bệnh dùng thuốc để cắt cơn khó thở cấp. Để cắt cơn khó thở, bác sĩ thường chỉ định dùng những thuốc giãn phế quản, có tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual.

Cơn hen phế quản nhẹ 

Người bệnh dùng thuốc như sau:

  • Xịt và hít 2 nhát/lần.
  • 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt và hít thêm 2 nhát.
  • 20 phút nữa, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt và hít thêm 2 nhát nữa và đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

Cơn hen phế quản nặng

Triệu chứng dễ nhận biết khi bị hen nặng là thở dốc, lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu. Người bệnh xịt và hít thuốc cắt cơn và cần được đưa đến bệnh viện gần nhất.

Cơn hen phế quản đe doạ tính mạng

Triệu chứng là gây tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được. Người thân gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến bệnh viện ngay, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc để cắt cơn.

Ở những bệnh nhi hoặc những bệnh nhân lớn tuổi, việc hít dụng cụ khó thành công nên có thể sử dụng buồng đệm hỗ trợ.

Bỏ túi những cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà 2 Cách xử lý khi lên cơn hen suyễn là dùng thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh 

Mẹo chữa trị hen suyễn tại nhà

Trà hay cà phê có caffeine

Caffeine trong trà xanh, trà đen và cà phê có tác dụng ngăn ngừa cơn hen suyễn xuất hiện và làm dịu triệu chứng của bệnh. Chất này hoạt động tương tự thuốc trị hen phổ biến Theophylline. Các loại thức uống chứa caffeine có tác dụng mở rộng đường thở hay ống khí quản, thậm chí caffeine còn có khả năng cải thiện chức năng thở lên đến 4 giờ.

Khi lên cơn hen suyễn cấp, nếu không có bình xịt định liều bên cạnh, bạn có thể dùng cà phê hay trà ấm để xử lý nhanh và hiệu quả hơn.

Dầu khuynh diệp

Dầu khuynh diệp từ lâu được dùng để điều trị rất nhiều bệnh. Khi hít dầu, các triệu chứng của bệnh về hô hấp như hen suyễn hay viêm phế quản sẽ được giảm nhẹ. Do đó, dùng dầu khuynh diệp là cách xử lý khi lên cơn hen suyễn hiệu quả.

Để sử dụng dầu khuynh diệp chữa hen suyễn đúng cách, bạn hãy đổ vài giọt dầu vào máy xông hơi, hương dầu sẽ dễ khuếch tán xung quanh, ngồi gần và hít một hơi thật sâu. Nếu không có máy khuếch tán dầu, bạn đổ vài giọt dầu vào một chén nước ấm và hít từ từ.

Bạn cũng có thể sử dụng các tinh dầu khác như oải hương và húng quế để thay dầu khuynh diệp. 

Dầu mù tạt

Bạn có thể dùng dầu mù tạt để chữa trị cơn hen suyễn khẩn cấp tại nhà. Đây là loại dầu béo được làm từ hạt mù tạt chứa isothiocyanate. Chúng không phải tinh dầu mù tạt mà là một loại dầu dược phẩm nên không được thoa trực tiếp lên da.

Dầu hạt mù tạt giúp giảm triệu chứng của cơn hen suyễn, giúp mở rộng đường thở, cải thiện chức năng phổi. Ngoài ra, bạn có thể dùng hỗn hợp dầu mù tạt ấm và muối để massage lên ngực nhiều lần trong ngày cho đến khi triệu chứng tan biến. Bạn cũng có thể dùng cao mù tạt được làm từ hạt mù tạt.

Ngồi thẳng lưng

Để giúp mở rộng ống khí quản, việc ngồi thẳng lưng một cách thoải mái có thể giúp bạn hít được nhiều không khí hơn. Nằm sẽ gây khó thở hơn. Khi cơn hen suyễn tấn công, bạn có thể dùng ghế có lưng tựa để dựa vào.

Từ từ, hít thở sâu

Khi bạn lên cơn suyễn, sẽ rất khó để bạn hít thở sâu, tư từ, tuy nhiên, nếu bạn thực hiện được, hoạt động này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Các tác dụng có lợi bao gồm ngăn ngừa thở gấp, tình trạng khó hít thở, dẫn đến thiếu oxy. Thở sâu còn giúp bạn giữ tâm trạng bình tĩnh, thư giãn cơ và ngăn ngừa các cơn co thắt ở ngực.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Nếu không thể tự kiểm soát triệu chứng của cơn hen, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Đặc biệt khi bạn có các triệu chứng sau: 

  • Khó thở nặng và thở khò khè, đặc biệt là vào buổi sáng hay tối muộn. Khi thở phải căng cơ ngực.
  • Sau khi dùng các phương pháp chữa trị tại nhà hay dùng bình xịt định liều khẩn cấp nhưng các triệu chứng không biến mất.
  • Thở dốc làm mất khả năng nói các cụm từ dài.
Bỏ túi những cách xử lý khi lên cơn hen suyễn tại nhà 3 Nếu bạn bị khó thở nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện ngay để kiểm soát cơn hen

Cách ngăn ngừa hen suyễn tấn công 

Tránh tiếp xúc các tác nhân kích thích là cách tốt nhất để ngăn ngừa hen suyễn. Các tác nhân tồn tại rất nhiều trong môi trường sống xung quanh bao gồm bụi, không khí lạnh, mạt bụi, lông của vật nuôi…

Bạn nên tiêm vắc xin phòng viêm phổi và cúm hàng năm để ngăn ngừa virus gây hen suyễn. Ngoài ra, bạn nên dùng các loại dược phẩm được kê đơn liên tục dưới chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi bạn cảm thấy ổn và không lên cơn hen.

Trong quá trình điều trị, bạn có thể cần sự hỗ trợ của máy xông khí dung để tăng hiệu quả. Đây là thiết bị truyền dẫn thuốc, có tác dụng chuyển hóa thuốc điều trị từ dạng lỏng sang những hạt sương nhỏ để thuốc có thể đi sâu vào hệ hô hấp dễ dàng, từ đó, giúp kiểm soát các triệu chứng của hen suyễn và ngăn ngừa cơn hen suyễn.

Nhìn chung, khi bạn gặp cơn hen suyễn nhẹ, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng hen bằng những giải pháp kể trên. Nhưng nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bạn nên đến ngay bệnh viện gần nhất để kịp thời xử lý.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin