Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Người cao tuổi

Hướng dẫn xử lý đột quỵ đúng cách và những lưu ý trong quá trình thực hiện

Ngày 19/05/2024
Kích thước chữ

Đột quỵ là môt trong những tình huống nguy hiểm. Việc xử lý đột quỵ càng sớm thì khả năng người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong và các di chứng sau đột quỵ càng giảm. Tuy nhiên, kỹ thuật sơ cứu cần được thực hiện nhanh chóng, chính xác theo hướng dẫn.

Mục tiêu hàng đầu của việc xử lý đột quỵ là giảm nguy cơ tử vong và di chứng cho bệnh nhân. Do đó, việc biết cách sơ cứu người bị đột quỵ đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng. Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Nguyên nhân gây đột quỵ

Đột quỵ là một bệnh lý tim mạch. Theo các chuyên gia, đột quỵ xảy ra khi máu vận chuyển lên não bị gián đoạn hoặc chảy máu não. Do đó, dựa vào nguyên nhân gây đột quỵ, đột quỵ được chia thành các nhóm sau: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (thường do các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch đến não) và đột quỵ do xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ, xuất huyết). 

Nếu các cục máu đông hình thành trong các động mạch não thì được gọi là đột quỵ huyết khối, còn nếu nó được hình thành ở một vị trí khác trong cơ thể (từ tim, các mảng xơ vữa,...), sau đó di chuyển đến não gây đột quỵ thuyên tắc.

Hướng dẫn xử lý đột quỵ 1
Đột quỵ xảy ra khi máu vận chuyển lên não bị gián đoạn hoặc chảy máu não

Đột quỵ có thể xảy ra đột ngột khi người bệnh đang sinh hoạt và làm việc bình thường. Các triệu chứng có thể khởi phát đột ngột và đạt mức độ nặng ngay từ khi bắt đầu hoặc tiến triển nặng theo từng nấc.

Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:

  • Chóng mặt, đau đầu dữ dội, rung giật nhãn cầu;
  • Nuốt khó;
  • Rối loạn ngôn ngữ, khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời nói,...
  • Rối loạn thăng bằng;
  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường như mặc quần áo, đánh răng,...
  • Rối loạn ý thức, mất ý thức, rối loạn thần kinh thực vật,...

Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến liệt dây thần kinh, liệt nửa người, liệt đối xứng hoặc thậm chí là tử vong. Thời gian cấp cứu càng lâu thì tổn thương càng lớn và di chứng để lại càng nặng nề.

Một số thống kê cho thấy, có khoảng 90% bệnh nhân gặp phải các di chứng nặng nề sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, sa sút trí tuệ, méo miệng, sống thực vật hoặc gặp phải các vấn đề về tâm lý, thị giác suy giảm, khả năng cử động, giao tiếp gặp cản trở. Kết quả là người bệnh bị suy giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hướng dẫn xử lý đột quỵ

Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, hãy tiến hành sơ cứu càng nhanh càng tốt. Xử lý đột quỵ đúng cách sẽ giảm nguy cơ tử vong và hạn chế các di chứng để lại về sau. Dưới đây là các bước hướng dẫn xử lý đột quỵ mà bạn có thể tham khảo:

  • Bước 1: Gọi xe cấp cứu khẩn cấp. Trong trường hợp bạn là người xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ, hãy nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh.
  • Bước 2: Trong khi đợi xe cấp cứu đến, bạn cần đảm bảo người bệnh mặc quần áo thoải mái, không gian thông thoáng. Bạn nên đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, đầu hơi nâng lên. Nếu bệnh nhân còn ý thức, hãy khuyên nhủ và trấn an bệnh nhân.
  • Bước 3: Kiểm tra xem người bệnh có nhịp thở không. Nếu bệnh nhân cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, tháo khuy cổ áo, cà vạt của bệnh nhân (nếu bệnh nhân đeo cà vạt). Nếu không thấy nhịp thở của bệnh nhân, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tim, bạn cần thực hiện xoa bóp ngoài lồng ngực.
  • Bước 4: Khi xe cấp cứu đến, bạn hãy cung cấp tất cả các triệu chứng trước đó cho bác sĩ để bác sĩ có biện pháp xử lý kịp thời.
Hướng dẫn xử lý đột quỵ 2
Xử lý đột quỵ đúng cách sẽ giảm nguy cơ tử vong và hạn chế các di chứng để lại về sau

Một số lưu ý khi tiến hành xử lý đột quỵ

Dưới đây mà một số lưu ý cần ghi nhớ khi tiến hành xử lý đột quỵ:

  • Ngay khi phát hiện người đột quỵ, cần gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức.
  • Cần thực hiện sơ cứu nhanh chóng trong khi chờ xe cấp cứu. Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 3 đến 4.5 giờ đầu sau khi phát hiện đột quỵ.
  • Không nên để người bệnh nằm ngửa mà nên để bệnh nhân nằm nghiêng một bên. Tư thế này giúp phòng trường hợp bệnh nhân bị nôn, dịch nôn có thể dễ dàng thoát ra ngoài. Nếu nằm ngửa, dịch có thể chảy xuống họng gây tắc nghẽn đường thở.
  • Không được cho bệnh nhân ăn uống hay sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Vì nếu bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê hoặc rối loạn vận động, hành động này có thể khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở.
  • Không thực hiện các hành động như cạo gió, dùng kim chích các đầu ngón tay, ngón chân của người bệnh.
  • Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc.
Hướng dẫn xử lý đột quỵ 3
Không nên để người bệnh nằm ngửa mà nên để bệnh nhân nằm nghiêng một bên

Tóm lại, xử lý đột quỵ càng sớm thì khả năng người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong và các di chứng sau đột quỵ càng giảm. Tuy nhiên, kỹ thuật sơ cứu cần được thực hiện nhanh chóng, chính xác theo hướng dẫn, không tiến hành cạo gió hay cho bệnh nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin