Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các phương pháp tầm soát ung thư tai mũi họng phổ biến hiện nay

Ngày 17/03/2024
Kích thước chữ

Ung thư tai mũi họng là một trong những bệnh phổ biến ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, rất ít người hiểu rõ về căn bệnh này, việc khám cũng mang tính chủ quan, có thể dẫn đến giảm hiệu quả điều trị nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc tầm soát ung thư tai mũi họng là rất quan trọng và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Ung thư tai mũi họng là một trong 5 vị trí ung thư phổ biến nhất, đặc biệt ở nam giới. Trong mười năm qua, hơn 80% số ca bệnh ở Việt Nam được phát hiện quá muộn, điều trị bệnh ở giai đoạn này rất khó khăn và kết quả không mấy khả quan. Ngày này, các phương tiện chẩn đoán và điều trị ung thư không ngừng phát triển, giúp cho tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện sớm ngày càng tăng và kết quả điều trị khả quan.

Tầm soát ung thư tai mũi họng là gì?

Ung thư tai mũi họng là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng đầu cổ với tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Ung thư tai mũi họng có thể bắt đầu ở: Xoang, hốc mũi, miệng hoặc lưỡi và nướu, thanh quản, hầu họng, tuyến nước bọt, đáy hộp sọ...

cac-phuong-phap-tam-soat-ung-thu-tai-mui-hong-pho-bien-hien-nay 1.jpg
Ung thư tai mũi họng là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng đầu cổ

Tầm soát ung thư tai mũi họng là quá trình kết hợp khám lâm sàng và các xét nghiệm tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và chưa gây ra các triệu chứng rõ ràng trên lâm sàng. Việc chủ động đến bệnh viện khám, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư tai mũi họng có thể giúp bác sĩ kịp thời can thiệp, đưa ra phương án điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Khi nào bạn cần tầm soát ung thư tai mũi họng?

Ung thư tai mũi họng rất nguy hiểm vì những triệu chứng ban đầu rất khó nhận thấy và dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp thông thường. Hầu hết bệnh nhân chỉ đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng điển hình như nhức đầu, chảy máu cam, khàn giọng, ho ra máu… Khi đó bệnh có thể đã tiến triển nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kém hiệu quả. Vì vậy, việc tầm soát sớm ung thư tai mũi họng sẽ giúp phát hiện bệnh sớm hơn và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Đặc biệt, nhóm nguy cơ cao mắc ung thư tai mũi họng bao gồm: Người nghiện thuốc lá nặng, người thường xuyên hít phải khói thuốc lá, người nghiện rượu nặng, người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tai mũi họng, người già, nam giới…, thì việc tầm soát định kỳ nên được thực hiện 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần.

Ngoài ra, khi phát hiện một số triệu chứng ban đầu và nghi ngờ ung thư tai mũi họng, bạn cần đến bệnh viện để khám càng sớm càng tốt:

  • Vết loét lưỡi hoặc miệng không lành.
  • Xuất hiện các mảng trắng hoặc đỏ trên nướu, lưỡi hoặc bên trong miệng.
  • Khàn giọng.
  • Đau đầu thường xuyên.
  • Khó nuốt.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng xoang không đáp ứng với điều trị.
  • Đau tai dai dẳng.
  • Đau ở hàm trên miệng.
  • Sưng mặt.
  • Trong nước bọt có máu hoặc chảy máu từ mũi hoặc miệng.
  • Đau họng dai dẳng.
cac-phuong-phap-tam-soat-ung-thu-tai-mui-hong-pho-bien-hien-nay 2.jpg
Đau họng dai dẳng là một trong những triệu chứng nghi ngờ ung thư tai mũi họng

Chi tiết phương pháp tầm soát ung thư tai mũi họng

Khám tai mũi họng

Khi tiến hành tầm soát ung thư tai mũi họng, bác sĩ sẽ kiểm tra tất cả các vấn đề liên quan đến phần đầu, cổ và tai, mũi họng của bệnh nhân trước tiên, bao gồm: Khám nội soi cấu trúc tai mũi họng thanh quản, đo các chức năng về thính giác, tiền đình, thanh học và dùng tay sờ có hạch cổ bệnh lý không.

Đồng thời, bác sĩ sẽ khoanh vùng khu vực tổn thương, nghi ngờ mắc ung thư dựa trên các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân rồi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng.

Thực hiện siêu âm Doppler u tuyến, hạch vùng cổ

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh cấu trúc bên trong của cổ. Siêu âm cổ được thực hiện bằng cách di chuyển đầu dò của máy lên vùng cổ thông qua một lớp gel chuyên dụng. Sóng âm được phát ra ở đầu dò siêu âm và đi vào mô bên trong. Khi gặp chướng ngại vật, các sóng này sẽ bị phản xạ và hiển thị rõ ràng trên hình ảnh siêu âm. Vì vậy, siêu âm phản ánh những tổn thương hoặc bất thường bên trong cổ tương đối chính xác.

Siêu âm Doppler u tuyến và hạch vùng cổ để chẩn đoán khối u bất thường ở cổ, bệnh nhân sưng đau vùng cổ, theo dõi, chẩn đoán kích thước khối u, nang vùng cổ, hướng dẫn thực hiện chọc hút sinh thiết FNA các khối u vùng cổ, sàng lọc ung thư tai mũi họng có di căn hạch vùng cổ.

Đây là phương pháp chẩn đoán an toàn, không xâm lấn, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian và chi phí nên phù hợp với nhiều bệnh nhân.

Nội soi tai mũi họng tầm soát có tương phản quang phổ mạch máu

Phương pháp nội soi tai mũi họng sẽ giúp bác sĩ quan sát vòm họng để phát hiện những bất thường. Hiện nay, nội soi tai mũi họng ống mềm được phổ biến hơn ống cứng vì ống nội soi mềm dễ uốn cong, không gây đau, không làm người bệnh khó chịu.

cac-phuong-phap-tam-soat-ung-thu-tai-mui-hong-pho-bien-hien-nay 3.jpg
Nội soi tai mũi họng sẽ giúp bác sĩ quan sát vòm họng để phát hiện những bất thường

Phương pháp này sử dụng máy nội soi có trang bị camera và kính chuyên dụng để kiểm tra niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng, quan sát rõ các tổn thương bất thường tại vùng đó.

Các xét nghiệm tầm soát ung thư tai mũi họng

  • Xét nghiệm EBV-VCA IgA.
  • Xét nghiệm định lượng SCC (squamous cell carcinoma antigen).
  • Xét nghiệm định lượng Calcitonin.
  • Xét nghiệm định lượng Anti-Tg (Antibody – Thyroglobulin).
  • Xét nghiệm định lượng CEA (Carcinoembryonic Antigen).

Nên chuẩn bị những gì khi tầm soát ung thư tai mũi họng?

  • Người bệnh nên nhịn ăn 2 giờ trước khi đến khám, xét nghiệm sàng lọc để tránh nôn mửa, trào ngược khi nội soi họng.
  • Không uống các đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga, nước trái cây…, tốt nhất chỉ nên uống nước lọc trước khi đi khám bệnh.
  • Đừng hút thuốc trước khi khám.
  • Nên chọn quần áo thoải mái, thuận tiện để di chuyển và khám.
  • Bạn nên đi cùng người thân để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
  • Giữ tâm lý thoải mái khi đi khám.
  • Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định hạng mục tầm soát ung thư tai mũi họng phù hợp cho từng trường hợp dựa trên tiền sử bệnh và triệu chứng.

Với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp tầm soát ung thư tai mũi họng ngày càng hiện đại, mang lại kết quả chẩn đoán chính xác và giúp phát hiện bệnh sớm. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp giúp bệnh nhân nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị.

Xem thêm: Tầm soát ung thư vòm họng hết bao nhiêu tiền?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin