Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các phương pháp thực hiện ghép nướu răng hiện nay

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Ghép nướu răng chắc hẳn là một thuật ngữ khá mới lạ đối với chúng ta hiện nay. Phương pháp này là một trong những kỹ thuật được sử dụng trong thẩm mỹ nha khoa khi răng gặp phải một số tình trạng liên quan tới nướu ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Ghép nướu răng là kỹ thuật tạo hình nướu răng được dùng để khắc phục những khuyết điểm và những tổn thương do tụt nướu gây ra. Khi nướu bị tụt sẽ dần teo lại và làm lộ chân răng ảnh hưởng đến nét thẩm mỹ. Do đó, các phương pháp thực hiện ghép nướu hiện nay rất được ưa chuộng.

Ghép nướu răng là gì?

Ghép nướu răng là một phương pháp nha khoa dùng để khắc phục các vấn đề liên quan đến nướu miệng. Kỹ thuật này có thể giải quyết những vấn đề như nướu bị tụt, teo lại, viêm nhiễm hoặc viêm nha chu. Ngoài ra, ghép nướu răng cũng có thể được áp dụng để cải thiện vẻ ngoại hình răng thẩm mỹ nếu gặp tình trạng răng không đều.

Khi được các bác sĩ đề xuất ghép nướu, bạn đừng quá lo lắng. Quá trình phẫu thuật ghép nướu không phức tạp và chỉ mất ít thời gian thường từ 10 đến 20 phút, tùy thuộc vào mức độ tổn thương nướu ở từng vị trí răng.

Một số người chọn ghép nướu vì mục tiêu thẩm mỹ, muốn có một nụ cười đẹp hơn. Trong khi đó, người khác thực hiện ghép nướu để bảo vệ các phần của răng mà bị hở, tránh bị tổn thương do tụt lợi ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Các phương pháp thực hiện ghép nướu răng hiện nay 1
Ghép nướu răng giúp bạn cải thiện tính thẩm mỹ răng miệng

Đối tượng nên ghép nướu răng

Ngoài yếu tố xương hàm, độ dày mỏng của mô nướu cũng đóng vai trò quan trọng đối với kết quả của việc trồng răng implant. Ghép nướu thường được khuyến nghị khi bệnh nhân gặp phải một trong các trường hợp sau:

  • Tụt lợi răng: Khi nướu răng tụt và để lộ phần chân răng ra một khoảng lớn, răng có thể nhô cao lên và trông dài hơn, gây mất thẩm mỹ, đặc biệt ở vùng răng cửa. Tình trạng này có thể dẫn đến tê buốt, sâu răng hoặc mòn cổ răng. Ghép nướu giúp khắc phục tình trạng này và tái tạo lại mô nướu.
  • Teo nhỏ, hao hụt mô nướu: Do mất răng lâu ngày mà không được can thiệp hoặc phục hình, mô nướu có thể bị teo nhỏ và hao hụt. Ghép nướu có thể cải thiện tình trạng này và tái tạo mô nướu.
  • Mô nướu bẩm sinh mỏng: Trường hợp mô nướu bẩm sinh bị mỏng, không đủ diện tích để đặt trụ implant, việc ghép nướu có thể cần thiết để tạo điều kiện tốt trong việc trồng răng implant.
  • Tình trạng tụt nướu gây mất thẩm mỹ: Khi tụt nướu khiến phần chân răng nhô lên và trông dài ra hơn, gây mất thẩm mỹ, ghép nướu có thể là giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Các phương pháp thực hiện ghép nướu răng hiện nay 2
Người bị tụt nướu cần nên tiến hành thực hiện ghép nướu răng

Tình trạng tụt nướu kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khớp cắn và có thể dẫn đến rụng răng. Vì thế nên, ghép nướu răng được coi là một giải pháp hiệu quả để tái tạo lại mô nướu và khắc phục các vấn đề trên.

Các phương pháp thực hiện ghép nướu răng hiện nay

Hiện nay, có 3 phương pháp ghép nướu phổ biến như sau:

  • Ghép mô liên kết: Đây là phương pháp thường được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng ở chân răng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt vạt da từ vùng vòm miệng và mô dưới nắp, được gọi là mô liên kết dưới biểu mô, sau đó lấy ra và khâu vào mô nướu xung quanh gốc tiếp xúc. Mô liên kết được lấy ra từ dưới nắp vòm miệng, sau đó vạt được khâu lại.
  • Ghép lợi tự do tự thân: Phương pháp này tương tự với ghép mô liên kết, áp dụng cho những người có nướu mỏng cần thêm mô để mở rộng diện tích nướu. Một lượng nhỏ mô được lấy trực tiếp từ khu vực vòm miệng, sau đó gắn vào vùng nướu đang được điều trị. Phương pháp này tạo vạt và loại bỏ mô ở dưới lớp thịt trên cùng.
  • Ghép cuống: Phương pháp này được sử dụng cho những người có nhiều mô nướu gần răng. Bác sĩ sẽ sử dụng vùng nướu xung quanh hoặc gần răng cần sửa chữa. Vạt chỉ bị cắt đi một phần và nướu sau phẫu thuật sẽ được kéo xuống để che chân răng bị lộ, sau đó được khâu vào đúng vị trí.

Khi thăm khám tại các cơ sở nha khoa, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và lựa chọn phương pháp ghép nướu phù hợp nhất với tình trạng răng miệng của người bệnh.

Ghép nướu răng có đau không?

Cảm giác đau nhức sau phẫu thuật ghép nướu có thể xuất hiện tùy thuộc vào phương pháp ghép nướu. Trong trường hợp không cần loại bỏ mô nướu nào ra khỏi khoang miệng, cảm giác đau thường ít hoặc không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu quá trình phẫu thuật đòi hỏi loại bỏ mô nướu khỏi vòm miệng, bạn có thể cảm thấy khó chịu trong vài ngày sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cảm giác này thường sẽ giảm dần khi vết thương bắt đầu lành lại. Việc sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giảm cảm giác khó chịu trong thời gian phục hồi. Thời gian để vết thương trong miệng hoàn toàn lành có thể mất từ 1 đến 2 tuần.

Chi phí thực hiện ghép nướu răng

Hiện nay, ghép nướu là một trong những phương pháp điều trị nha khoa được áp dụng rộng rãi và được thực hiện tại hầu hết các bệnh viện và trung tâm nha khoa lớn. Theo một khảo sát, chi phí cho kỹ thuật ghép nướu dao động khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng cho mỗi răng. Tuy nhiên, mức giá này có thể thay đổi tùy thuộc vào một số yếu tố cụ thể.

Các phương pháp thực hiện ghép nướu răng hiện nay 3
Chi phí thực hiện ghép nướu răng dao động khoảng 2 - 3 triệu cho mỗi răng

So với các phương pháp điều trị nha khoa khác như điều trị tủy, cạo vôi răng,... ghép nướu có chi phí cao hơn do đòi hỏi quá trình bóc tách mô từ nướu và vòm miệng trước khi thực hiện việc cấy ghép vào chân răng bị hở. Mặc dù đây là một tiểu phẫu không quá phức tạp, nhưng kỹ thuật này đòi hỏi các bác sĩ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao để đảm bảo mô nướu được ghép vào hoàn chỉnh, cân đối và tránh bị xô lệch.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về các phương pháp thực hiện ghép nướu răng. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích hơn khi cân nhắc thực hiện ghép nướu nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin