Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Cách chữa bệnh quai bị và chế độ dinh dưỡng an toàn cho bệnh nhân

Ngày 27/03/2023
Kích thước chữ

Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ do virus Mumps gây ra. Dù tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp nhưng bệnh lại có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ và cuộc sống sau này.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp khi người khoẻ mạnh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Bệnh quai bị chủ yếu gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt nằm gần tai khiến khu vực này bị sưng, đau. Má của người bệnh bị phồng ra và gây biến dạng khuôn mặt.

Nhìn chung, quai bị không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây từ người sang người và có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc trị cho bệnh lý này. Vậy làm thế nào để điều trị bệnh quai bị?

Cách chữa bệnh quai bị

Như đã đề cập ở trên, bệnh quai bị, tính đến hiện tại, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc trị. Bởi nguyên nhân gây ra tình trạng này là virus nên các thuốc kháng sinh sẽ không mang lại tác dụng. 

Cách chữa bệnh quai bị an toàn, mau khỏi tại nhà 01

Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh quai bị

Cách chữa bệnh quai bị được các bác sĩ áp dụng phổ biến hiện nay là áp dụng chế độ ăn uống - nghỉ ngơi hợp lý cho người bệnh, đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng chống viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não, viêm màng não hoặc viêm tuỵ để hạn chế biến chứng xảy ra. Với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sẽ phải sử dụng cả globulin miễn dịch.

Một số cách chữa bệnh quai bị tại nhà

Do quai bị không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nên phần đa các trường hợp đều có thể tự điều trị tại nhà. Dưới đây là một số biện pháp điều trị quai bị ngay tại nhà:

  • Cách ly tuyệt đối người bệnh với những thành viên khác trong gia đình để ngăn ngừa virus gây bệnh có thể lây lan.
  • Sử dụng những loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen, paracetamol,.... để giảm bớt các triệu chứng đau nhức, khó chịu.
  • Ở khu vực bị sưng, hãy thử chườm ấm hoặc chườm mát. Điều này có khả năng làm giảm bớt sưng, đau.

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh quai bị

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng nhiều tới tốc độ hồi phục của người bệnh. Đặc biệt là giai đoạn bùng phát bệnh có thể khiến cho người bệnh đau đớn, mệt mỏi, chán ăn rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể không đủ kháng thể để đấu chọi với virus gây bệnh và các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Vậy người bệnh quai bị nên ăn gì và cần phải kiêng gì? Hãy đọc tiếp bài viết này nhé!

Bệnh nhân quai bị nên ăn gì?

Người bệnh quai bị nên bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày của mình những loại thực phẩm sau:

Đậu, thực phẩm làm từ đậu và các loại ngũ cốc

Đây là những thực phẩm lành tính, hàm lượng dinh dưỡng cao mà người bệnh quai bị nên sử dụng. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, đậu và ngũ cốc có chứa các chất có tác dụng tăng sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh hồi phục và chống lại bệnh tật.

Thức ăn lỏng

Khi bị nhiễm virus quai bị, tuyến nước bọt mang tai của người bệnh sẽ vô cùng đau nhức, khó chịu, cơ thể mệt mỏi và không còn cảm giác muốn ăn. Lúc này, những thực phẩm dai, cứng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Bởi vậy, bệnh nhân mắc quai bị nên sử dụng những thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo, soup, canh hầm, nước ép rau củ,... Ngoài ra, cũng nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để người bệnh không phải hấp thụ một lượng đồ ăn quá lớn.

Cách chữa bệnh quai bị an toàn, mau khỏi tại nhà 02

Người bệnh quai bị nên ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt

Rau xanh, trái cây giàu vitamin C

Chất xơ và vitamin, nhất là vitamin C có trong rau xanh và các loại quả có múi giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và lấy lại sức khoẻ. Người bệnh quai bị, việc bổ sung thêm rau quả vào bữa ăn hằng ngày cũng giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Một số loại rau củ quả người mắc quai bị nên ưu tiên là cam, bưởi, quýt, kiwi, cải bó xôi, bí đỏ,...

Uống nhiều nước

Người mắc quai bị thường bị sốt và mất nước. Bởi vậy, để bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất đi cho cơ thể cũng như tránh khô miệng, người bệnh cần uống nhiều nước từ 2-3l/ngày. Ngoài ra, người bị quai bị không nên uống nước quá nóng hoặc nước quá lạnh. Người bệnh cũng nên súc miệng nước muối pha loãng thường xuyên để hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn trong khoang miệng.

Người bệnh quai bị không nên ăn gì?

Ở trên chúng ta đã nói đến những loại thực phẩm bệnh nhân quai bị nên sử dụng. Dưới đây sẽ là danh sách các loại thực phẩm người bệnh cần tránh xa.

Thực phẩm chua, cay

Những thực phẩm cay nóng hoặc có vị chua có thể khiến tình trạng bệnh quai bị trở nên trầm trọng hơn, thời gian hồi phục của người bệnh cũng vì thế kéo dài hơn. Lý do là bởi những loại thực phẩm này khiến tuyến nước bọt của người bệnh phải làm việc nhiều hơn, tăng tiết dịch. Từ đó, khiến chỗ bị sưng sưng to và đau nhức hơn.

Các loại đồ ăn làm từ nếp

Những đồ ăn làm từ nếp như xôi, bánh chưng,... cũng là những đồ ăn người bệnh quai bị không nên ăn. Bởi có thể gây trầm trọng hơn tình trạng sưng tuyến nước bọt mang tai và làm cho thời gian hồi phục của người bệnh dài hơn.

Thịt gà

Thịt gà vốn là loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ với hàm lượng dinh dưỡng cao. Thế nhưng thực phẩm này có thể gây ra một vài bất lợi cho người bệnh quai bị như khiến việc ăn uống trở nên khó ăn hơn, tình trạng khó nhai, khó nuốt cũng tồi tệ hơn.

Cách chữa bệnh quai bị an toàn, mau khỏi tại nhà 03

Thịt gà là thực phẩm người bệnh quai bị nên tránh

Bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp các thông tin về cách chữa bệnh quai bị cũng như một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng của người bệnh. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ cho chính bản thân và gia đình của mình như tiêm phòng vacxin quai bị; vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước muối loãng hoặc dung dịch kháng khuẩn thường xuyên; giữ cho môi trường sống luôn thoáng mát sạch sẽ; tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh,...

Tú Anh

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin