Cách làm món vịt tiềm thuốc bắc thực chất không quá khó, ngược lại còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Hương vị của món ăn này thơm ngon, thịt mềm mọng nước lại giàu dinh dưỡng, phù hợp với cả người lớn và trẻ em.
Dinh dưỡng trong món vịt tiềm thuốc bắc
Món vịt tiềm thuốc bắc được kết hợp từ 2 nguyên liệu chính là thịt vịt tươi ngon và một số loại thuốc bắc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng. Giá trị dinh dưỡng có trong món vịt tiềm thuốc bắc gồm:
- Protein: Thịt vịt là loại thịt gia cầm có lớp mỡ và da khá mỏng, chiếm chủ yếu là thịt nạc nên rất giàu protein, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Khi ăn vịt tiềm thuốc bắc thường xuyên, bạn sẽ giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, các khối cơ cũng hoạt động và phát triển tốt hơn, cơ thể săn chắc, khỏe mạnh hơn.
Vịt tiềm thuốc bắc giàu dinh dưỡng, thích hợp bồi bổ cho mọi đối tượng
- Omega 3, 6: Đây là 2 loại omega rất có ích đối với sự phát triển toàn diện của não bộ. Cũng vì vậy mà món vịt tiềm thuốc bắc thường xuyên có mặt trong thực đơn của bà bầu, nuôi mẹ, dưỡng con khỏe mạnh, thông minh. Trong 100g thịt vịt có đến hơn 290mg omega 3 và hơn 3360 mg omega 6, bổ sung đầy đủ axit amin cho cơ thể.
- Các loại vitamin: Các loại vitamin mà món vịt tiềm thuốc bắc cung cấp cho cơ thể rất đa dạng, trong đó có vitamin nhóm B, vitamin K, A, E,... cùng hàm lượng axid folic dồi dào, hạn chế tình trạng dị tật bẩm sinh, tăng cường hệ miễn dịch cho bà bầu và trẻ nhỏ.
- Canxi: Canxi có trong vịt tiềm thuốc bắc cần thiết cho quá trình phát triển, phục hồi cũng như tái tạo tế bào xương mới cứng cáp, khỏe mạnh hơn. Với phụ nữ mang bầu, ăn vịt tiềm thuốc bắc giúp thai nhi phát triển chiều cao còn với người bị gãy xương có công dụng mau lành xương hơn.
- Sắt: Đây là nguyên tố khoáng rất cần trong quá trình tạo máu ở tủy xương. Khi thiếu hụt sắt sẽ dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu cao. Ăn vịt tiềm thuốc bắc giúp bổ sung hàm lượng sắt cao, hỗ trợ phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Vịt tiềm thuốc bắc đem lại lợi ích gì cho sức khỏe?
Ngoài những thành phần dinh dưỡng có trong thịt vịt, món vịt tiềm thuốc bắc còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe nhờ những vị thuốc bắc như:
- Kỷ tử: Là vị thuốc bắc rất giàu vitamin A và C có công dụng trong việc chống lão hóa, cải thiện khả năng chuyển hóa dinh dưỡng. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có trong kỷ tử như zeaxanthin, betaine, phenolics, flavonoid,... Theo Đông y, dùng kỷ tử trong món ăn có thể hỗ trợ thị lực, sáng mắt, giảm cân, kiểm soát mỡ thừa, tăng cường khả năng tình dục, thanh lọc, thải độc gan,...
- Táo đỏ: Trong Đông y, táo đỏ có chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên cùng hàm lượng cao vitamin A, B, C, E,... và nhiều loại khoáng chất khác. Nhờ vị thuốc này mà món vịt tiềm thuốc bắc giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ hệ thần kinh khỏe mạnh, phòng ngừa các chứng bệnh về thần kinh, ngủ ngon, tăng sức đề kháng.
- Cam thảo: Cam thảo được thêm vào hầu hết các bài thuốc bắc, trong đó có món vịt tiềm thuốc bắc để làm dịu, trung hòa các vị thuốc còn lại, làm dịu hệ tiêu hóa, ngăn chặn ung thư và chống viêm nhiễm.
- La hán quả: Làm hương vị món vịt tiềm thuốc bắc thêm thơm ngon, hấp dẫn hơn và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chống lão hoá, giải nhiệt, chống viêm,...
Các vị thuốc bắc giúp phục hồi sức khỏe và tăng hương vị cho món ăn
Cách làm món vịt tiềm thuốc bắc thơm ngon nhất
Món vịt tiềm thuốc bắc sẽ ngon và dễ ăn hơn, thích hợp cho mọi đối tượng khi có cách nấu đúng, hoà quyện được hương vị ngọt mềm của thịt vịt và thơm dịu của thuốc bắc. Dưới đây là công thức nấu vịt tiềm thuốc bắc cho 4 người ăn:
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Các nguyên liệu làm món vịt tiềm thuốc bắc bạn có thể mua tại các tiệm thuốc bắc. Ngoài ra, nếu khẩu phần ăn đông người hơn, bạn hãy nhân lên từ công thức chuẩn với các nguyên liệu dưới đây:
- Đùi vịt góc tư: 4 cái, khoảng 1kg thịt vịt tươi ngon.
- Gia vị để khử mùi thịt vịt gồm: 200ml rượu gạo hoặc rượu nấu ăn, 1 củ gừng giã nhuyễn.
- Gia vị ướp thịt vịt gồm có: 2 thìa canh nước tương (hắc xì dầu), 1 thìa canh dầu hào, 4 tép tỏi băm nhuyễn, 4 củ hành tím băm nhuyễn, 1 thìa cà phê nước cốt gừng, 1 thìa cà phê ngũ vị hương.
- Các loại thuốc bắc tổng hợp: Kỷ tử, cam thảo, la hán quả, táo đỏ, kim châm, hạt sen, tổng cộng 100g.
- Nấm đông cô tươi: 200g.
- Cải thìa: 250g.
- Cà rốt: 1 củ khoảng 200g.
- Hành tây: 1 củ.
- Gừng tươi: 1 củ nhỏ.
- Tỏi: 1 củ.
- Các loại gia vị nêm nếm cho món ăn như: muối, hạt nêm, nước mắm, dầu mè,...
Cách làm món vịt tiềm thuốc bắc
- Bước 1: Sơ chế thịt vịt bằng cách đem thịt bóp rửa sạch với rượu gạo và gừng băm nhuyễn đã chuẩn bị. Sau khi để thịt vịt ráo nước, bạn dùng dụng cụ xăm thịt để giúp thịt vịt thấm gia vị hơn.
- Bước 2: Ướp thịt vịt với các gia vị ướp gồm nước tương, dầu hào, tỏi băm, hành tím băm, nước cốt gừng, ngũ vị hương và để yên trong 20 - 30 phút cho thịt vịt ngấm.
Thịt vịt được sơ chế sạch sẽ và ướp gia vị trước sẽ thấm và ngon hơn
- Bước 3: Khi đã ướp xong, bạn gạt bỏ phần hành tỏi băm trên mặt thịt rồi đem đi rán ngập dầu cho thịt vàng, chín đều. Nếu có nồi chiên không dầu, bạn có thể dùng để chiên thịt vịt, hạn chế dầu mỡ.
- Bước 4: Ngâm các loại thuốc bắc và nấm đông cô với nước cho nở đều, mềm hơn, rửa sạch bụi bẩn. Sau đó, bạn cho hết những nguyên liệu này vào túi lưới đựng gia vị nấu phở.
- Bước 5: Sơ chế các loại rau củ tươi khác. Cải thìa bạn nhặt rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh cho màu tươi, cà rốt cạo sạch vỏ cắt khúc, hành tây lột sạch vỏ, cắt đôi, gừng cạo vỏ rồi nướng thơm.
- Bước 6: Cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế cùng với thịt vịt và các loại thuốc bắc vào nồi, thêm nước dừa hoặc nước hầm xương và bắt đầu hầm trong 80 - 90 phút, trong khi hầm cần thường xuyên hớt bỏ bọt để nước được trong.
- Bước 7: Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thêm hành lá là có thể thưởng thức. Món vịt tiềm thuốc bắc nên ăn nóng sẽ ngon hơn.
Hy vọng những bước hướng dẫn làm vịt tiềm thuốc bắc trên đây đã giúp bạn có thêm một món ăn giàu dinh dưỡng trong thực đơn cho gia đình. Với món ăn này, bạn có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún, mì hay ăn không đều thơm ngon, bổ dưỡng.
Hồng Nhung
Nguồn tham khảo: Tổng hợp