Cách phối hợp thuốc huyết áp và một số lưu ý khi điều trị
Ngày 23/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến hiện nay. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có tới hơn 1 tỷ người mắc bệnh cao huyết áp. Bệnh thường tiến triển âm thầm, gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc diễn tiến đến một số bệnh lý khác về tim mạch, thận,... Để kiểm soát được huyết áp hiệu quả cần phải có chiến lược và cách phối hợp thuốc huyết áp phù hợp.
Phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp là việc lựa chọn và sử dụng các loại thuốc một cách phù hợp nhất để đạt được mức huyết áp mục tiêu. Có một số cách phối hợp thuốc huyết áp thường được áp dụng để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân đạt mục tiêu.
Tìm hiểu về bệnh lý tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mạn tính khi áp lực máu trong các động mạch tăng cao. Khi áp lực tăng lên khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Bệnh được chẩn đoán khi huyết áp đo tại phòng khám thường xuyên cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính cho các bệnh tim mạch, đột quỵ, và các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác.
Bệnh tăng huyết áp chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, phần lớn không có nguyên nhân rõ ràng, còn gọi là tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát. Khoảng 90% các trường hợp thuộc loại này. Bệnh có tính gia đình, thường thấy ở nhiều người trong gia đình, đặc biệt là khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, và căng thẳng trong cuộc sống.
Tăng huyết áp thứ phát chiếm khoảng 10% các trường hợp và có nguyên nhân rõ ràng. Nếu điều trị đúng nguyên nhân, bệnh có thể được chữa khỏi. Nguyên nhân phổ biến nhất của tăng huyết áp thứ phát là bệnh thận, như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, và hẹp động mạch thận. Bệnh lý tuyến thượng thận cũng có thể gây tăng huyết áp khi u của tuyến này tiết hormone bất thường. Các bệnh lý nội tiết khác như cường giáp, suy giáp, và bệnh Cushing cũng là nguyên nhân. Một số loại thuốc như corticoides, thuốc kháng viêm, giảm đau, hormon thay thế, và thuốc tránh thai có thể gây tăng huyết áp.
Cách phối hợp thuốc huyết áp
Để kiểm soát được huyết áp về mục tiêu điều trị, các bác sĩ cần phải cân nhắc dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân để đưa ra chiến lược điều trị và cách phối hợp thuốc huyết áp. Dưới đây là một số cách phối hợp phổ biến thường được áp dụng:
Cách phối hợp hai thuốc huyết áp
Đối với bệnh nhân cần sử dụng phối hợp hai loại thuốc ngay từ đầu, sự lựa chọn đầu tiên thường là sự kết hợp giữa Thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc Thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin (ARB) với chẹn kênh calcium.
Nếu bệnh nhân đã dùng kết hợp ACEI/ARB với thuốc lợi tiểu mà không đạt hiệu quả, nên ngừng lợi tiểu và chuyển sang chẹn kênh calcium.
Các kết hợp khác thường được sử dụng bao gồm:
Lợi tiểu kết hợp với ARB/ACEI/Chẹn kênh calcium.
Chẹn beta kết hợp với chẹn kênh calci có tác dụng giãn mạch.
Kết hợp lợi tiểu với chẹn beta nên tránh ở bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa và nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, trừ khi có lý do đặc biệt do tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cách phối hợp ba thuốc huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo tiểu đường, bệnh thận mạn, hoặc tăng huyết áp lâu năm có thể cần phối hợp ba loại thuốc trở lên. Hiện nay, có ít dữ liệu về việc sử dụng ba loại thuốc huyết áp trở lên, do đó thường dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ.
Khi hai loại thuốc huyết áp không hiệu quả, có thể tăng liều một trong hai thuốc, thay thế một trong hai thuốc bằng loại khác, hoặc thêm một loại thuốc thứ ba.
Phối hợp ba thuốc thường lựa chọn 5 nhóm: Ức chế men chuyển (ACEI), ức chế thụ thể Angiotensin (ARB), lợi tiểu thiazid, chẹn kênh calci, và chẹn beta giao cảm. Ví dụ, nếu ban đầu kết hợp ACEI/ARB với chẹn kênh calcium:
Thuốc thứ ba thường là lợi tiểu nếu chưa sử dụng trước đó và không có chống chỉ định.
Thuốc thứ ba cũng có thể là chẹn beta nếu có chỉ định bắt buộc hoặc khi nhóm khác chống chỉ định.
Không nên phối hợp ACEI và ARB trên cùng một bệnh nhân.
Cách phối hợp bốn thuốc huyết áp
Nếu ba loại thuốc đã được điều chỉnh liều và thay thế nhưng vẫn không hiệu quả, và bệnh nhân đã được tầm soát kỹ các nguyên nhân gây tăng huyết áp, thuốc thứ tư có thể là:
Thêm lợi tiểu kháng aldosteron (spironolactone hoặc eplerenone).
Thêm thuốc trong nhóm đầu tiên chưa sử dụng, ví dụ: Nếu đang dùng lợi tiểu, ACEI/ARB, và chẹn beta, thì bổ sung chẹn kênh calci; nếu đang dùng lợi tiểu, chẹn kênh calci, và ACEI/ARB, thì thêm chẹn beta.
Nếu không thể thêm thuốc lựa chọn hàng đầu, có thể xem xét thêm các thuốc hàng hai như chẹn alpha, giãn mạch trực tiếp.
Việc phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp đòi hỏi sự đánh giá cẩn thận và điều chỉnh phù hợp cá thể hoá dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Lưu ý khi điều trị thuốc huyết áp
Phối hợp thuốc trong điều trị tăng huyết áp là cần thiết để duy trì huyết áp ổn định và giảm nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, mọi chiến lược điều trị đều cần có sự tư vấn và quyết định của bác sĩ, không tự ý điều chỉnh thuốc mà không có hướng dẫn y khoa.
Tuân thủ chỉ định dùng thuốc: Đảm bảo tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ để đạt được mục tiêu huyết áp mong muốn, không tự ý tăng liều hay bỏ thuốc đột ngột dẫn đến huyết áp không được kiểm soát.
Tái khám đúng hẹn: Khi phối hợp thuốc, bệnh nhân cần được thăm khám và đánh giá định kỳ để phát hiện sớm các bất thường do thuốc gây ra. Khi huyết áp đã ổn định ở mức mục tiêu, bác sĩ có thể xem xét giảm dần liều lượng thuốc để duy trì huyết áp ổn định với liều thuốc thấp nhất có thể.
Nguy cơ hạ áp tư thế: Sử dụng nhiều loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ hạ áp tư thế, do đó cần thay đổi tư thế một cách chậm rãi và thận trọng. Việc hình thành thói quen này rất quan trọng để tránh tình trạng chóng mặt hoặc ngã.
Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống: Đừng bỏ qua việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Tóm lại, trong quá trình điều trị tăng huyết áp, đối với từng cá thể bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám và đưa ra cách phối hợp thuốc huyết áp khác nhau tùy vào tình trạng và giai đoạn của bệnh. Người bệnh cần tuân thủ và uống đủ liều các loại thuốc được kê toa và thăm khám đúng hẹn để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc hợp lý tùy vào tình trạng bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.