Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngày 07/05/2022
Kích thước chữ

Ở Việt Nam, theo thống kê tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rắn lục đuôi đỏ đứng hàng thứ hai gây ra các vụ tai nạn cho người phải nhập viện. Sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn là bước điều trị đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn hiệu quả điều trị. Vì vậy mỗi chúng ta cần biết cơ bản cách sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Rắn lục đuôi đỏ rất phổ biến ở Việt Nam. Biểu hiện triệu chứng khi rắn lục đuôi đỏ cắn khác nhiều so với các độc tố loài rắn khác, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể về loài rắn này và cách sơ cứu rắn lục đuôi đỏ cắn bạn nhé!

Nhận biết rắn lục đuôi đỏ

Đây là loài có nọc độc nguy hiểm nhất trong các nhóm rắn lục. Nhìn bên ngoài chúng có thân mình xanh lá cây và có một cái đuôi màu nâu đỏ, rất dễ nhận biết. Kích thước thường bé hơn các loài rắn khác, dài chỉ từ 60 đến 80cm, trọng lượng chỉ 100 - 200gram. Nơi sinh sống chủ yếu của chúng là trên các khu vực núi cao và khu rừng sâu như vùng núi Tây Bắc. Nhưng hiện nay rắn lục đuôi đỏ có xu hướng di chuyển đến gần vùng đồng bằng, những năm gần đây xuất hiện nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở Đà Nẵng, Cần Thơ,...

Sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn 1 Hình ảnh rắn lục đuôi đỏ

Chúng chủ yếu sống trên cây, do có màu xanh căng giúp chúng ẩn nấp, ngụy trang tốt. Rắn lục đuôi đỏ nhạy cảm với lửa, ánh sáng lớn nên khi bị lửa kích thích, rắn sẽ tấn công đối phương ngay lập tức. Chúng có đặc điểm sinh đẻ đặc biệt, đẻ con chứ không đẻ trứng. Khi mang thai rắn mẹ rất nhạy cảm, dễ tấn công đối tượng, và cũng có nhiều nọc độc nhất.

Tuy nhỏ bé nhưng độc tố của nó không tầm thường chứa hơn 20 loại chất độc khác nhau. Các chất độc này như mucotoxin A, hemorrhagic,.. gây ly giải tế bào máu, rối loạn đông máu. Chúng còn có chất độc sarafotoxin gây co thắt mạch vành, tổn thương nội mạc mạch máu, tổn thương cơ tim. Vì vậy rắn lục đuôi đỏ cắn gây chảy máu nhiều tại vết thương.

Triệu chứng khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Với các loại chất độc như trên trong nọc, rắn lục đuôi đỏ gây nên các rối loạn trong cơ thể. Do nọc rắn chứa chất độc gây tăng tiêu thụ quá mức các yếu tố đông máu tạo nên các cục máu đông nhỏ dọc lòng mạch, sau đó là quá trình tiêu các cục máu đông hàng loạt gây nên tình trạng thiếu hụt yếu tố đông máu. Hậu quả là người bị rắn sẽ xuất huyết ồ ạt đồng thời thiếu máu nuôi dưỡng tổ chức.

Đây được gọi là bệnh cảnh DIC cấp (đông máu rải rác lòng mạch). Chảy máu diễn ra cùng lúc tại nhiều vị trí trong cơ thể và ở cả vết rắn lục cắn. Do vậy biểu hiện khi bị rắn lục cắn bao gồm cả triệu chứng tại vết cắn và triệu chứng toàn thân.

Tại chỗ vết rắn cắn

Có thể nhận biết được do rắn lục đuôi đỏ cắn thông qua tình trạng vết cắn.

  • Vết cắn do rắn lục thường có hình vòng cung, đều nhau, có hai vết sâu hơn hẳn các vết răng khác, được gọi là dấu móc độc, khoảng cách giữa hai dấu răng này là 1cm.
  • Chỉ mất vài phút ngay sau khi bị rắn lục cắn, vết cắn sưng nề rất nhanh kèm theo hoại tử lan tỏa, gây đau nhức nhiều. Vị trí rắn cắn còn chảy máu liên tục không tự cầm được.
  • Sau đó khoảng 4 - 6 giờ, các chất độc gây phản ứng viêm, tiêu tế bào làm phần tổn thương ngày càng sưng nề và lan rộng, có thể lan từ vết cắn đến tận gốc chi thể, dẫn đến tình trạng toàn chi thể sưng to, tím, đau nhức, chảy máu trong cơ, chảy máu dưới da,…
  • Sau 12 giờ, vết cắn bị hoại tử hoàn toàn, xuất hiện nhiều bọng nước, phỏng rộp. Có thể xuất huyết cả trong bọng nước. Do chảy máu trong cơ nhiều, có thể gây hội chứng khoang gây chèn ép các thanh phần trong chi thể, thường gặp nhất vết cắn ở cẳng chân, cổ tay.
  • Tổ chức phía trên và quanh vùng hoại tử thường phù cứng, đỏ tím, đau. Hoại tử và phù nề sẽ lan lên phía trên (theo đường đi của bạch mạch).
Sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn 2 Vết cắn do rắn lục đuôi đỏ

Triệu chứng toàn thân

 Chủ yếu do tình trạng mất máu cấp:

  • Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, lo lắng,… do mất máu nhiều.
  • Tuần hoàn: Mạch nhanh, huyết áp tụt, nặng hơn dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn, gây tử vong.
  • Chảy máu: Có thể ở mọi cơ quan trong cơ thể.
  • Chảy máu dưới da: Xuất hiện các nốt, mảng bầm tím trên da.
  • Chảy máu chân răng, các vết tiêm, rạch,…
  • Đi tiểu ra máu hoặc nước tiểu có màu sẫm.
  • Chảy máu tiêu hóa gây nên nôn ra máu, đi ngoài phân máu, phân đen.
  • Hầu như không có dấu hiệu liệt cơ như rắn hổ mang cắn.

Cách sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Với những triệu chứng, diễn biến nhanh chóng như trên, việc điều trị không được chậm trễ, mà bước đầu là bước sơ cứu rắn cắn cần được thực hiện nhanh và chính xác nhất có thể.

Dưới đây là các bước để sơ cứu khi bị rắn lục cắn:

  • Bước 1: Đưa người bệnh tránh xa tác nhân ở đây là rắn lục đuôi đỏ. Không cần cố gắng bắt được rắn. Sau đó động viên, trấn an giúp người bị rắn cắn bình tĩnh, bớt lo lắng.
  • Bước 2: Bộc lộ và rửa vết thương rắn cắn. Nới lỏng quần áo, hoặc cắt bỏ phần quần áo của chi thể bị rắn cắn. Đồng thời tháo bỏ bớt đồ trang sức như vòng tay, nhẫn để giảm tình trạng bị chèn ép khi phù nề tăng. Rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý là tốt nhất, nếu không có rửa bằng xà phòng hoặc bất kỳ nguồn nước sạch nào.
  • Bước 3: Tiến hành băng ép tại chỗ cắn bằng băng gạc hoặc quần áo sạch, băng bản rộng trên chỗ cắn 5 - 10cm giúp hạn chế tốc độ di chuyển của nọc rắn qua đường bạch huyết mà không làm tổn thương thêm tại chỗ. Rắn lục đuôi đỏ cắn còn gây chảy máu nhiều, nên cần băng ép chặt để hạn chế chảy máu. Dùng nẹp bất động chi thể. Không nên garo trên chỗ cắn vì làm cản trở tuần hoàn động mạch và tĩnh mạch làm nặng thêm tình trạng hoại tử, chèn ép khoang.
  • Bước 4: Chuyển nạn nhân đến có sở y tế gần nhất căng sớm càng tốt. Không để bệnh nhân tự ý đi lại.
Sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn 4 Sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Trong quá trình sơ cứu, và chờ chuyển đến cơ sở y tế, bạn hãy chú ý theo dõi nạn nhân những dấu hiệu sau:

  • Tình trạng ý thức lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng chậm, không trả lời.
  • Không bắt được mạch (bắt các mạch lớn vùng bẹn, vùng cổ,…).
  • Quan sát lồng ngực không thấy di động.

Đó là những dấu hiệu nguy hiểm, tình trạng ngừng tim phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, khi đó cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân trong khi chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Rắn cắn là một tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, nắm chắc cách sơ cứu ban đầu sẽ góp một phần không nhỏ trong việc điều trị cứu sống các nạn nhân bị rắn cắn. Kĩ thuật sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn là vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt với người dân sống ở địa hình địa thế nhiều rừng cây như Việt Nam.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin