Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không nôn được do đâu?

Ngày 19/04/2023
Kích thước chữ

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không thể nôn chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Nếu như tình trạng này kéo dài, nó có thể là hồi chuông cảnh báo sức khỏe bạn đang gặp vấn đề. Vậy, do đâu mà bạn có cảm giác này?

Thường xuyên có cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không thể nôn được có thể do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Người bệnh không nên chủ quan nếu như cơ thể có dấu hiệu này. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu xem vì sao nhé!

Biểu hiện của các bệnh lý gây cảm giác buồn nôn ở cổ họng 

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng gây khó chịu, chán ăn thậm chí là nôn mửa sẽ khiến cho cơ thể bị suy nhược, giảm sức đề kháng. 

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không nôn được do đâu?1
Cảm giác buồn nôn nhưng không nôn được gây khó chịu cho cơ thể

Để điều trị được tình trạng này, bạn cần biết nguyên nhân là do đâu. Cảm giác này có thể do một số nguyên nhân như sau:

  • Lo âu, căng thẳng quá mức: Việc căng thẳng và lo âu kéo dài, cơ thể bị stress có thể dẫn tới tình trạng rối loạn hoạt động của hệ thần kinh gây buồn nôn, khiến cho bạn gặp ảo giác muốn nôn. Không chỉ thế, việc stress còn khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, dạ dày bị quặn sẽ đi kèm theo cảm giác buồn nôn kéo dài cả ngày.
  • Rối loạn tiền đình: Bệnh rối loạn tiền đình khiến cho người bệnh bị chóng mặt và buồn nôn khi thay đổi tư thế đột ngột, đi kèm theo đó là các triệu chứng khác như ù tai, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu.
  • Một số các bệnh về đường tiêu hóa: Viêm dạ dày và tá tràng, tắc ruột, trào ngược dạ dày, viêm đại tràng cấp và mạn tính,... là các căn bệnh ở đường tiêu hóa gây biểu hiện buồn nôn. Ngoài ra, các căn bệnh này còn khiến cho cơ thể bị mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sức khỏe sa sút. Bệnh viêm tụy, viêm ruột thừa cũng khiến bạn có cảm giác buồn nôn nhưng không thể nôn. Bệnh viêm túi mật khiến bạn có cảm giác no, không muốn ăn và thậm chí là buồn nôn ngay cả khi đang ăn, đi kèm theo là triệu chứng ợ nóng, đầy hơi và đau bụng phía bên phải.
  • Các bệnh viêm hầu họng: Viêm họng, viêm xoang gây cho người bệnh cảm giác buồn nôn, khô ngứa mũi họng,...
  • Các bệnh tim mạch, huyết áp, suy thận lúc ban đầu cũng gây cảm giác buồn nôn.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số các loại thuốc dùng để điều trị bệnh loãng xương, bệnh tiểu đường, thuốc kháng sinh,... có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn. 
  • Mang thai: Dấu hiệu mang thai cũng gây cho bạn cảm giác buồn nôn nhưng không nôn được. Ngoài ốm nghén, các mẹ bầu sẽ có thêm các biểu hiện như chán ăn, nôn mửa,...
  • Cơ thể thiếu nước: Có thể bạn không biết nhưng cơ thể thiếu nước cũng có thể khiến bạn buồn nôn bởi nước là yếu tố duy trì hoạt động của các tế bào bên trong cơ thể, khi cơ thể mất nước, nồng độ điện giải thường có xu hướng mất cân bằng và giảm hoạt động của các cơ quan.
  • Uống quá nhiều rượu bia: Khi uống quá nhiều rượu bia, cơ thể sẽ phát sinh ra một số triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, tăng tiết nước bọt, bất an, tăng nhịp tim,... Nguy hiểm hơn cả, một số trường hợp uống quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc và dẫn tới tử vong.

Cách xử lý khi có cảm giác buồn nôn ở cổ họng

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng có thể do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau gây ra, chính vì thế mà để có thể xử lý tình trạng này một cách triệt để và an toàn nhất, bạn hãy chủ động đến thăm khám để được các bác sĩ can thiệp và điều trị kịp thời. Tránh chủ quan, để tình trạng này kéo dài có thể khiến cho cơ thể gặp các biến chứng nguy hiểm hơn.

Cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không nôn được do đâu?2
Thăm khám kịp thời khi cơ thể có dấu hiệu buồn nôn

Cách giảm buồn nôn tại nhà

Dưới đây sẽ là một số cách giúp bạn cải thiện chứng buồn nôn ngay tại nhà, giúp bạn giảm cảm giác khó chịu:

  • Tinh chất beta-zingiberene trong gừng được chứng minh là có khả năng giảm buồn nôn và hạn chế ói mửa. Chính vì thế, khi buồn nôn bạn có thể ngậm 1 - 2 lát gừng.
  • Nếu bạn bị buồn nôn do hạ đường huyết có thể uống một ly trà mật ong ấm. Trà mật ong còn giúp làm dịu niêm mạc thực quản, giảm nghẹn vướng và đau rát khi nuốt.
  • Uống thật nhiều nước, tránh để cơ thể mất nước và giúp cân bằng nồng độ điện giải, trung hòa acid dịch vị và giúp loại bỏ lượng acid trào ngược.
  • Ăn các loại trái cây như quýt, cam, dâu,... có thể cải thiện cảm giác buồn nôn do say tàu xe hoặc mang thai. Tuy nhiên những người gặp vấn đề về thực quản và dạ dày không nên áp dụng cách này.
  • Bánh mì tươi cũng làm giảm cảm giác buồn nôn và hút dịch vị dư thừa rất tốt.
  • Có thể sử dụng các loại tinh dầu như tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh,... giúp đem lại cảm giác dễ chịu, thư thái, giảm cảm giác buồn nôn.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc chống nôn nếu như tình trạng này kéo dài không thuyên giảm.
Cảm giác buồn nôn ở cổ họng nhưng không nôn được do đâu?3
Có thể ngậm 1 - 2 lát gừng để giảm cảm giác buồn nôn

Cảm giác buồn nôn nhưng không nôn được không phải là tình trạng hiếm gặp. Khi cơ thể có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh chủ quan khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ. 

Phương Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin