Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ? Bị chó cắn nhẹ có nguy hiểm không?

Ngày 05/04/2024
Kích thước chữ

Bị chó cắn là một tình huống mà không ít người gặp phải, nhưng việc xử lý vết thương bị chó cắn như thế nào thì nhiều người vẫn chưa rõ. Việc xử lý vết thương không đúng cách cũng như không tiêm phòng vắc xin sẽ khiến người bị chó cắn gặp nguy hiểm. Vậy cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?

Khi bị chó cắn nhẹ, vết trầy xước sẽ khiến nhiều người chủ quan vì không nghiêm trọng. Thực thế, khi bị chó cắn nhẹ, nếu không xử lý vết thương đúng cách, người bệnh sẽ rất dễ bị bệnh dại. Vì vậy, qua bài viết dưới đây, nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu cần phải làm gì khi bị chó cắn nhẹ và có cách xử lý đúng đắn.

Mức độ tổn thương khi bị chó cắn

Cấp độ tổn thương do chó cắn thường được phân loại thành bốn cấp độ:

  • Cấp độ I: Chó có hành vi hung hăng, như nhẹ răng, gầm gừ, có thể cắn vào quần áo nhưng không tiếp xúc với da của nạn nhân.
  • Cấp độ II: Thường gặp ở những người chủ nuôi chó, bác sĩ thú y, nhân viên chăm sóc thú cưng. Khi bị cắn, có thể để lại những vết xước trên da nhưng không chảy máu.
  • Cấp độ III: Vết thương có chảy máu nhưng chỉ có một vết thương và chưa có nguy cơ cao.
  • Cấp độ IV: Bao gồm những vết thương có nguy cơ cao, như vết thương nằm gần vùng thần kinh trung ương, tại vùng đầu – mặt – cổ.

Nguy cơ mắc bệnh dại tùy thuộc vào mức độ tổn thương do chó cắn, cũng như lượng virus đi vào cơ thể. Đối với những tổn thương từ cấp độ II trở lên, nạn nhân cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám vết thương. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn sử dụng vắc xin hoặc huyết thanh trung hòa độc tố dại.

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?-1
Mức độ tổn thương khi bị chó cắn

Mức độ tổn thương khi bị chó cắn nhẹ

Mặc dù các vết thương khi bị chó cắn nhẹ ở cấp độ I và II, vết thương có vẻ nhỏ và không gây chảy máu nhiều, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng không nên chủ quan với chúng. Nguyên nhân là vì các vết thương này vẫn có thể tạo điều kiện cho virus dại xâm nhập vào cơ thể, đe dọa tính mạng của người bị cắn. Thực tế, đã có không ít trường hợp nghiêm trọng khi người bệnh bị cắn chỉ với những vết thương nhỏ, và sau đó không chủ động vệ sinh và điều trị kịp thời, dẫn đến tử vong chỉ sau một thời gian ngắn.

Do đó, bất kể vết thương từ chó cắn có nhỏ đến đâu, việc vệ sinh và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng. Người bị cắn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị phù hợp.

Bị chó cắn nhẹ có nguy hiểm không?

Nguy cơ từ vết cắn của chó, dù nhẹ và không gây ra nhiều chảy máu, vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Virus dại có thể lây lan từ nước bọt của chó qua vết cắn và sau đó di chuyển trong cơ thể của nạn nhân theo dòng máu, tiếp tục xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Một khi đã xâm nhập, virus này chờ đợi cơ hội để bùng phát, có thể gây tử vong.

Hiện nay, không có loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào cho bệnh dại. 100% các trường hợp đã lên cơn dại đều kết thúc bằng tử vong. Thời gian ủ bệnh dại khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ sâu và nông của vết cắn, khoảng cách từ vết cắn đến hệ thần kinh trung ương,... Do đó, virus có thể ủ bệnh trong khoảng vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm.

Triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm sốt, đau đầu, chán ăn và kiệt sức. Sau đó, người bệnh sẽ phát triển các triệu chứng đặc trưng như sợ nước, sợ gió, không chịu được ánh sáng và tiếng ồn, tăng động, bứt rứt và đau đớn. Điều này làm cho bệnh dại trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và khó chữa trị nhất.

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?-2
Bị chó cắn nhẹ có nguy hiểm không?

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?

Vậy cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ? Khi bị chó cắn, dù vết thương nhẹ hoặc nặng, việc sơ cứu khi bị chó cắn nhẹ ngay lập tức là rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm trùng. Dưới đây là cách vệ sinh và sơ cứu vết thương khi bị chó cắn nhẹ:

Xử lý vết thương không rách da

  • Bước 1: Rửa sạch vết cắn với xà phòng và nước ấm.
  • Bước 2: Sử dụng dung dịch sát khuẩn như cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone để vệ sinh vùng vết thương.
  • Bước 3: Điều trị tại trung tâm y tế gần nhất để tiêm vắc xin dại và/hoặc vắc xin uốn ván, cũng như huyết thanh kháng dại.

Xử lý vết thương rách da

Nếu vết thương là vết rách da nhưng không chảy máu nhiều, bạn cần làm những bước sau:

  • Rửa kỹ vết thương dưới vòi nước trong ít nhất 15 phút, sử dụng xà phòng.
  • Sử dụng dung dịch sát khuẩn để giảm tải lượng virus tại vị trí vết cắn.
  • Thấm khô vết thương bằng vải sạch và băng lại bằng gạt. Tránh làm tổn thương nặng hơn và không khâu kín vết thương ngay lập tức.

Lưu ý rằng việc khâu vết thương cần phải thực hiện một cách cẩn thận và không nên khâu quá chật. Nếu cần thiết, việc khâu có thể được hoãn lại vài giờ hoặc đến 3 ngày. Bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và xử trí đúng cách.

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?-3
Cần xử lý vết thương khi bị chó cắn nhẹ

Xử lý vết thương có chảy máu

Nếu vết thương đang chảy máu, bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Cầm máu vết thương bằng cách dùng khăn sạch để che vết thương và áp lực lên vết thương bằng lòng bàn tay trong khoảng 15 phút.
  • Sử dụng miếng đệm cuộn lại và băng ép lên vị trí tổn thương.
  • Sử dụng băng thun quấn quanh miếng đệm để cố định, nhưng không quấn quá chặt để không làm cản trở lưu thông máu.

Xử lý trường hợp máu chảy quá nhiều

  • Nếu máu chảy quá nhiều và thấm ướt băng, hãy thêm một cuộn băng thứ hai để che phủ cuộn đệm đầu tiên.
  • Khi băng và miếng đệm đã thấm ướt bằng máu, hãy đổi băng.
  • Luôn theo dõi vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu cần thiết.

Tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về tiêm huyết thanh trung hòa độc tố dại và số lượng mũi vắc xin phòng dại. Điều này rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus dại trong cơ thể và bảo vệ sức khỏe của nạn nhân. Đừng ngần ngại hỏi ý kiến ​​bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp nhất cho trường hợp của bạn.

Theo dõi sức khỏe bản thân và của con chó

Sau khi đã sơ cứu và tiêm vắc xin phòng dại và/hoặc huyết thanh kháng dại, quan trọng là bạn cần tiếp tục theo dõi tình trạng vết thương và sức khỏe của con vật đã cắn trong khoảng thời gian 10 ngày.

Kiểm tra vết thương hàng ngày để xem xét có tiếp tục sưng, đỏ hoặc tiết dịch bất thường không. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào không bình thường, bạn cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn.

Quan sát dấu hiệu và triệu chứng của con chó như thay đổi về hành vi, sự xuất hiện của triệu chứng dại. Nếu không thể theo dõi tình trạng của con vật (ví dụ: Chó hoang, chó xổng chuồng) hoặc nếu chó bắt đầu biểu hiện triệu chứng dại, bạn cũng cần đưa chó đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tư vấn và điều trị.

Ngoài các trường hợp bị cắn bởi vật nuôi như chó, mèo, các loài động vật có vú hoặc động vật có lông ngoài hoang dã như chồn, cáo, dơi,... đều có nguy cơ mắc bệnh dại. Vì vậy, nếu bạn là một người thường xuyên tiếp xúc với các loài động vật hoặc hay đi du lịch, hãy tự chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại trước khi có nguy cơ tiếp xúc với các loại động vật này. Điều này giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm bệnh dại và đảm bảo sức khỏe của mình.

Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?-4
Cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ?

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc có thêm thông tin về nội dung cần làm gì khi bị chó cắn nhẹ. Ngay cả những vết thương nhẹ cũng đều cần được xử lý và chăm sóc một cách cẩn thận. Việc này không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cho con vật. Trong mọi trường hợp, sự cẩn thận và chu đáo là chìa khóa để đảm bảo sức khỏe và an toàn của bản thân. Đừng chủ quan với những vết thương nhỏ, hãy xử lý chúng một cách nghiêm túc và kịp thời để tránh những biến chứng không mong muốn.

Xem thêm: Bị chó cắn lần 2 có cần chích ngừa không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin