Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cần làm gì khi gặp chứng đau khớp ở tuổi dậy thì?

Ngày 16/03/2022
Kích thước chữ

Đau khớp ở tuổi dậy thì có phải là bệnh không? Trẻ cần được chăm sóc thế nào để cải thiện tình trạng này?

Độ tuổi dậy thì cũng là lúc cơ thể phát triển với tốc độ nhanh, có thể khiến trẻ gặp phải tình trạng đau khớp ở tuổi dậy thì. Để biết trẻ đang mắc phải một số bệnh lý hay chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, hãy theo dõi một số thông tin từ bài viết sau.

Nguyên nhân gây nên đau khớp ở tuổi dậy thì 

Bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc cơ thể bắt đầu phát triển các đặc tính sinh dục. Với trẻ gái, quá trình này thường rơi vào độ tuổi khoảng từ 8 - 13, còn với trẻ trai sẽ khoảng từ 9 - 14 tuổi. Khi đến thời kỳ này, thể chất trẻ sẽ tăng trưởng rất nhanh và có thể nhận thấy bằng mắt thường. Vấn đề thường xuất hiện khi trẻ cao lớn nhanh nhưng tốc độ phát triển của cơ bắp không theo kịp. Chính yếu tố này khiến nhiều trẻ bị đau khớp tuổi dậy thì, nhưng cũng không mang tính chất quá nghiêm trọng.

dau-khop-o-tuoi-day-thi-1 Đau khớp ở tuổi dậy thì hầu hết đều liên quan đến quá trình phát triển sinh lý

Bên cạnh sự phát triển về mặt sinh lý, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh xương khớp khi bước vào tuổi dậy thì, điển hình là căn bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát, gồm các thể sau:

Thể đa khớp: Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 16 tuổi. Các khớp bị phá hủy và tổn thương nặng và có khả năng phải tháo khớp về sau. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh kèm theo như viêm cơ tim, viêm hệ thống mô liên kết, tràn dịch màng phổi,... 

Thể viêm khớp vảy nến: Ổ viêm thường gặp ở những khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân hoặc đầu gối, cột sống,.... Một số trường hợp tiến triển nặng, khớp có thể bị phá hủy và gây tàn phế. Ngoài ra, trẻ còn chịu những tổn thương ở ngoài da, móng và bệnh viêm mắt kèm theo.

Thể hệ thống: Triệu chứng viêm khớp có biểu hiện nhẹ, nhưng các tổn thương nội tạng thường nặng nề và lan tỏa mạnh, như nhiễm trùng huyết, viêm đa cơ, lupus ban đỏ hệ thống,... khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao.

Thể viêm cột sống dính khớp: Bệnh nhi thường là trẻ sau 6 tuổi và đột tuổi thiếu niên. Triệu chứng điển hình là những cơn đau từ đêm muộn đến sáng, sau đó xuất hiện tình trạng cứng khớp. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây biến dạng tư thế, tăng nguy cơ gãy xương, hạn chế khả năng vận động,...

dau-khop-o-tuoi-day-thi-2 Căn bệnh viêm khớp không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà còn có thể xuất hiện ở lứa tuổi thiếu niên

Ngoài căn bệnh nêu trên, trẻ vẫn có nguy cơ mắc các vấn đề về xương khớp khác như gãy xương, còi xương, cong vẹo cột sống do sai tư thế,.... Vì vậy, bố mẹ nên lưu tâm, theo dõi khi trẻ có biểu hiện đau khớp ở tuổi dậy thì. Nếu trẻ có biểu hiện đau kéo dài qua nhiều tuần không thuyên giảm, hãy đưa trẻ đi thăm khám trong thời gian sớm nhất.

Làm gì khi trẻ gặp chứng đau khớp tuổi dậy thì?

Trường hợp đau khớp tuổi dậy thì do ảnh hưởng của sự phát triển sinh lý, triệu chứng đau ở mức nhẹ, không tiến triển kéo dài, trẻ có thể áp dụng một số phương pháp giúp giảm đau tại nhà như sau:

  • Nghỉ ngơi: Trẻ cần dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh khi bị đau như chạy, đi bộ xa, leo trèo,....
  • Chườm giảm đau: Chườm nóng, chườm lạnh hoặc kết hợp cả hai, áp dụng xen kẽ. 
  • Duy trì chế độ vận động: Khuyến khích trẻ kiên trì tập thể dục, tối thiểu 30 phút/ngày.
  • Dinh dưỡng: Chú ý bổ sung đầy đủ, cân bằng các thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của trẻ.
  • Phơi nắng: Cho trẻ phơi nắng vào lúc sáng sớm, tốt nhất là trước 8 giờ, khoảng 1 tiếng/ngày để cơ thể hấp thu vitamin D.
  • Tránh mang giày cao: Trẻ không nên mang giày có độn gót nếu vị trí đau ở chân.
  • Giúp trẻ điều chỉnh tư thế nếu bắt gặp trẻ ngồi cong, vẹo, lưng gù, đi dáng chân vịt,...
  • Nếu cơn đau trở nên dữ dội, không thuyên giảm sau nhiều tuần. Bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp. Không nên tự mua thuốc cho trẻ để tránh những tác dụng không mong muốn.

Với trẻ được thăm khám và chẩn đoán mắc bệnh lý, để đảm bảo đièu trị đau khớp hiệu quả, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong việc chăm sóc và tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị cho trẻ. Không nên tự ý bổ sung thuốc hay ngừng thuốc trước thời gian sử dụng. Ngoài ra, trẻ sẽ được hướng dẫn chế độ ăn uống và các bài tập trị liệu giúp phục hồi chức năng vận động.

dau-khop-o-tuoi-day-thi-3 Trẻ chỉ nên vận động nhẹ nhàng khi gặp các cơn đau

Sức khỏe của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh. Để giúp trẻ vượt qua các nguy cơ bệnh tật, luôn chú ý các dấu hiệu bất thường và chủ động phòng tránh chính là biện pháp hữu hiệu nhất. Ngoài việc chăm sóc tại nhà, trẻ nên được kiểm tra sức khỏe tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh lý ngay từ sớm. Mong rằng những thông tin về đau khớp ở tuổi dậy thì từ bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết, cùng một số lời khuyên hữu ích trong việc chăm sóc trẻ.

Hằng Lê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Đau khớp