Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cận thị đeo kính lồi hay lõm? Ưu và nhược điểm của các loại kính cận hiện nay

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Đeo kính thuốc là cách điều trị phổ biến nhất đối với người bị tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Trong đó, cận thị đeo kính lồi hay lõm là thắc mắc được khá nhiều người quan tâm. Bởi đây cũng là tật khúc xạ phổ biến nhất. Hãy cùng tham khảo ngay kiến thức về thấu kính cận và những ưu - nhược điểm khi sử dụng qua bài viết dưới đây nhé!

Để khắc phục tình trạng nhìn mờ và nhòe vật thể ở xa, đeo kính đúng độ là giải pháp tối ưu nhất dành cho người bị cận thị. Đây cũng là cách cải thiện ít tốn kém so với phẫu thuật mổ cận. Vậy người bị cận thị đeo kính lồi hay lõm? Ưu và nhược điểm của các loại kính cận hiện nay. Nếu cũng đang có những thắc mắc này thì bạn có thể tham khảo qua các thông tin trong bài viết sau.

Thế nào là cận thị?

Trước khi tìm hiểu cận thị đeo kính lồi hay lõm, chúng ta cần biết cơ chế gây tật cận thị. Đây là tật khúc xạ ở mắt mà người bị cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần, nhìn mờ các vật ở xa do ánh sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì trên võng mạc. Khi độ cận càng cao thì khả năng nhìn xa càng giảm.

Cận thị là tật khúc xạ rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em hoặc trẻ vị thành niên, nếu không điều trị có thể tiếp tục nặng dần cho đến khi trưởng thành. Một số nhận biết các vấn đề liên quan đến cận thị như:

  • Bắt đầu thấy mờ khi nhìn vào các vật ở xa;
  • Phải nheo mắt hoặc nhắm một bên mắt để nhìn rõ;
  • Đôi khi nhức đầu do mỏi mắt;
  • Chớp mắt, dụi mắt liên tục.

Cận thị đeo kính lồi hay lõm?

Kính cận còn được gọi là kính thuốc. Đây là một dạng kính chuyên biệt được sử dụng để điều chỉnh khả năng lĩnh hội ánh sáng. Chúng giúp tạo nên khả năng nhìn sắc nét ở cả khoảng cách gần và xa. Hiện tượng cận thị xuất phát từ việc ánh sáng không tập trung đúng vào võng mạc nhãn cầu, mà tập trung ở phía trước. Đối với đôi mắt khỏe mạnh không bị cận, ánh sáng thường sẽ tập trung chính xác lên võng mạc.

can-thi-deo-kinh-loi-hay-lom-nhung-luu-y-khi-do-deo-kinh-can-1.jpg
Bị cận đeo kính lồi hay lõm? Người bị cận thị cần đeo những loại kính có thấu kính lõm

Để khắc phục tình trạng này, người bị cận thị cần đeo những loại kính có thấu kính lõm, hay còn gọi là kính phân kì. Chúng giúp giảm sự hội tụ của ánh sáng, từ đó cho phép hình ảnh được tạo ra tại vị trí chính xác trên võng mạc. Nhờ vậy, khả năng nhìn của người bị cận sẽ được cải thiện. Người bệnh có thể quan sát mọi thứ trong tầm nhìn một cách rõ ràng ở cả khoảng cách gần và xa.

Tùy thuộc vào mức độ cận thị, người bị ảnh hưởng sẽ chọn lựa những thấu kính có tiêu cự khác nhau, miễn sao đảm bảo rằng họ có thể nhìn rõ nhất khi đeo kính. Đối với những người có mức độ cận thị lớn, thấu kính sẽ được thiết kế lõm hơn, với phần trung tâm mỏng hơn và phần viền dày hơn.

Ngày nay, trên thị trường có nhiều loại tròng kính có chỉ số khúc xạ cao, mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng làm mỏng, nhẹ, và hỗ trợ tốt cho tầm nhìn. Nhờ vậy mang lại sự thoải mái cho người đeo, đặc biệt là đối với những người có cận thị nặng.

Chất liệu cấu tạo của kính cận là gì?

Tùy theo mục đích sử dụng, chất liệu của các loại kính cận và lens cận mà chúng ta có cách chọn tròng kính thích hợp nhất và sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Chất liệu cho kính gọng cận

Trên thị trường mắt kính hiện nay, tròng kính cận được phân thành nhiều loại dựa vào cấu tạo:

  • Tròng kính thuỷ tinh: Loại kính này cung cấp tầm nhìn rõ nét, đồng thời có khả năng chống trầy xước tốt. Tuy nhiên, trọng lượng của chúng khá nặng, dễ bị vỡ hoặc nứt.
  • Tròng nhựa: Loại tròng này rất phổ biến vì chúng mang lại tầm nhìn sắc nét tương tự như tròng thuỷ tinh, nhưng có trọng lượng nhẹ hơn và khả năng chống rơi vỡ tốt hơn. Giá thành của tròng nhựa cũng khá hợp lý.
  • Tròng nhựa chỉ số cao: Đây là dạng tròng kính chất lượng cao được ưa chuộng nhất hiện nay. Chúng có khả năng cung cấp tầm nhìn sắc nét, mỏng và nhẹ hơn, vượt trội hơn cả so với tròng kính nhựa thông thường.
  • Tròng Polycarbonate và Trivex: Những chất liệu này thường được sử dụng trong việc sản xuất kính bảo hộ, thể thao và kính cận cho trẻ em. Chúng mang lại cảm giác nhẹ nhàng khi sử dụng, khả năng chống va đập tốt, và giảm thiểu nguy cơ bị trầy xước, nứt hoặc vỡ.
Thông thường bị cận thị đeo kính lồi hay lõm 2
Tùy theo mục đích sử dụng, chất liệu của các loại kính cận sẽ khác nhau

Chất liệu cho lens áp tròng cận

Tương tự như kính cận có gọng, lens cận cũng được phân chia thành nhiều loại:

  • Hema: Đây là chất liệu phổ biến nhất trong các loại lens áp tròng. Chúng có khả năng thấm khí tốt, cho phép mắt "thở", và thời gian đeo từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
  • Silicone hydrogel: Đây là chất liệu lens cao cấp, có khả năng thấm khí vượt trội, cho phép đeo lên đến 12 - 24 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng nên giới hạn thời gian đeo lens áp tròng cận tối đa là 8 tiếng mỗi ngày.

Ưu và nhược điểm của các loại kính cận hiện nay

Trên thị trường hiện nay, hai loại kính quang phổ biến nhất được sử dụng rộng rãi là kính gọng và kính áp tròng. Cả hai loại kính này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, phụ thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của người sử dụng.

Kính gọng

Kính gọng với thiết kế gọn nhẹ thích hợp cho mọi đối tượng, đã trở thành biểu tượng phổ biến của thị trường kính quang:

Ưu điểm:

  • Phù hợp cho mọi đối tượng, có tính ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với mắt, giảm nguy cơ viêm nhiễm và khô mắt.
  • Chi phí thấp, sử dụng lâu dài, bảo quản dễ dàng.
  • Nhiều lựa chọn về loại tròng như chống trầy, chống chói, lọc ánh sáng xanh, siêu mỏng, đổi màu,...

Nhược điểm:

  • Hạn chế tầm nhìn ngoại biên.
  • Không phù hợp với mục tiêu thẩm mỹ.
  • Cản trở trong thể thao, sinh hoạt và khi thời tiết xấu.

Kính áp tròng

Trái ngược với kính gọng, ưu điểm của kính áp tròng là tính thẩm mỹ cao và đa dạng về màu sắc, hoa văn, thu hút nhiều người trẻ. Loại kính áp tròng cứng thường được sử dụng như một phương pháp điều trị không phẫu thuật cho tình trạng tật khúc xạ vào ban đêm, trong khi kính áp tròng mềm giúp khắc phục tạm thời vấn đề thị lực.

Thông thường bị cận thị đeo kính lồi hay lõm 3
Ưu điểm của kính áp tròng là tính thẩm mỹ cao và đa dạng về màu sắc, hoa văn

Việc lựa chọn loại kính áp tròng phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân. Sự thoải mái khi đeo kính áp tròng cho phép người dùng tham gia hoạt động thể thao và trang điểm mà không gặp cản trở.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng kính áp tròng cũng có các nhược điểm như dễ làm khô mắt và kích ứng khi đeo trong thời gian dài. Việc sử dụng và bảo quản kính áp tròng đòi hỏi sự chú ý và thận trọng hơn so với kính gọng. Do nguy cơ viêm nhiễm mắt và trầy xước giác mạc cao khi không tuân theo quy trình đúng cách.

Thông qua những nội dung hữu ích trên, hy vọng bạn đã biết khi bị cận thị đeo kính lồi hay lõm cũng như những ưu nhược điểm của các loại mắt kính hiện nay. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn một chiếc kính vừa phù hợp với bản thân, lại vừa thời trang, cá tính. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy có vấn đề ở mắt, đừng quên thăm khám tại các bệnh viện mắt uy tín để được kiểm tra một cách cẩn thận.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin