Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cảnh giác khi nước mũi có mùi hôi

Ngày 23/10/2023
Kích thước chữ

Nước mũi là dịch nhầy được tiết ra từ lớp niêm mạc mũi có tác dụng làm ẩm và làm ấm không khí, ngăn cản các tác nhân gây hại xâm nhập vào đường thở. Bình thường, nước mũi ít, trong, không mùi. Vậy khi nước mũi có mùi hôi chúng ta có cần phải lo lắng không?

Trong điều kiện sức khỏe bình thường, nước mũi là chất nhầy có màu trong suốt, không mùi. Nước mũi sẽ giữ lại các vi khuẩn, virus, bụi bẩn trong không khí, ngăn không cho chúng đi vào cơ thể. Dịch mũi có thể có nhiều màu sắc khác nhau, có thể không mùi hoặc có mùi hôi tanh khó chịu. Và chính màu sắc cùng mùi của dịch mũi cũng tiết lộ ít nhiều về tình trạng sức khỏe của chúng ta. Vậy nước mũi có mùi hôi cảnh báo bệnh gì?

Nguyên nhân khiến dịch mũi có mùi hôi

Thông thường, mỗi ngày cơ thể tiết ra khoảng 300ml dịch mũi để làm ẩm niêm mạc mũi xoang và đảm nhận các chức năng như kể trên. Dịch tiết này được tạo ra từ nước, muối, kháng thể và protein. Dịch tiết này sẽ được vận chuyển theo đường sinh lý: Làm sạch mũi xoang rồi chảy xuống dạ dày và được hòa tan ở đây.

Dịch mũi “bắt giữ” vi khuẩn, virus, nấm, phấn hoa, bụi bẩn,… để chúng không xâm nhập vào phổi. Nếu thiếu dịch mũi, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ tăng lên và làm suy giảm chức năng của cơ quan hô hấp. 

Khi trong đường hô hấp có bất thường, ví dụ viêm xoang, viêm mũi,… dịch mũi có thể bị biến đổi về thành phần, màu sắc, số lượng và có mùi hôi. Nếu các vấn đề này không được khắc phục kịp thời thì dịch mũi sẽ ngày càng hôi, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

nuoc-mui-co-mui-hoi-1.jpg
Màu sắc, mùi, tính chất của dịch mũi cũng phản ánh tình trạng sức khỏe

Nước mũi có mùi hôi là triệu chứng bệnh gì?

Nước mũi có mùi hôi có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như:

Viêm xoang

Khi lớp niêm mạc bên trong các hốc xoang bị viêm sẽ tăng tiết dịch nhầy đồng thời hốc xoang bị phù nề. Chính điều này khiến dịch nhầy mũi bị ứ đọng. Các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm bị giữ lại và chính dịch mũi không được dẫn lưu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chúng sinh sôi phát triển càng gây viêm. Dịch mũi ứ đọng lâu không được dẫn lưu và làm sạch sẽ có mùi hôi khó chịu.

Viêm mũi

Niêm mạc mũi bị vi khuẩn, virus tấn công nên bị phù nề dẫn đến tình trạng viêm mũi. Viêm mũi làm tăng sinh nhiều dịch nhầy, trong khi đó mũi phù nề không thể dẫn lưu dịch mũi khiến dịch mũi tích tụ, có màu vàng xanh và mùi hôi. Nếu viêm mũi không được điều trị kịp thời và triệt để, nhiễm trùng sẽ lan rộng đến các hốc xoang gây viêm xoang hoặc viêm đa xoang.

Polyp mũi

Niêm mạc mũi bị tăng sinh quá mức dẫn đến sự hình thành của polyp mũi. Polyp mũi là khối u lành tính, không phải ung thư. Polyp khi còn nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến mũi. Nhưng khi đã phát triển lớn hơn sẽ cản trở đường thở và gây đau nhức mũi. 

Polyp mũi cũng cản trở đường dẫn lưu của dịch mũi khiến dịch bị ứ đọng trong xoang mũi. Nếu ứ đọng lâu ngày, nước mũi có mùi hôi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Những người bị hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng xoang thường xuyên nguy cơ bị polyp mũi sẽ tăng lên.

nuoc-mui-co-mui-hoi-2.jpg
Các bệnh lý liên quan đến mũi là nguyên nhân trực tiếp khiến nước mũi bị hôi

Viêm mũi teo

Hơi thở từ mũi có mùi hôi là một trong những triệu chứng khá điển hình của bệnh viêm mũi teo. Đây là một bệnh mãn tính, xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong mũi bị teo lại, hốc mũi nở rộng, bị khô và đóng vảy. Khi đó, các vi sinh vật sinh sôi gây mùi hôi khó chịu. Đồng thời, người bệnh cũng bị suy giảm khứu giác, ảnh hưởng đến chức năng ngửi.

Hội chứng chảy dịch mũi sau

Hội chứng chảy dịch mũi sau là tình trạng dịch mũi chảy từ xoang qua mũi sau xuống thành họng gây ho, ngứa họng, vướng họng. Hội chứng này có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, nước mũi chảy ít, không có mùi hôi và không ảnh hưởng đến hô hấp. 

Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nước mũi chuyển sang màu vàng hoặc xanh và có mùi hôi trầm trọng. Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở hơn. Ở một số người bệnh, dịch nhầy tích tụ trong tai giữa gây viêm tai giữa.

Ung thư xoang mũi

Nước mũi có mùi hôi cũng có thể là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư xoang mũi. Ung thư xoang mũi xảy ra khi có khối u ác tính hình thành trong niêm mạc mũi hay trong xoang mũi. Ung thư xoang mũi thường có các triệu chứng điển hình như dịch mũi có mùi hôi, nặng mặt, đau nhức vùng xoang mũi và lan rộng ra khắp mặt, đau đầu, ù tai,...

Các vấn đề khác về sức khỏe

Các vấn đề về tiêu hóa hay các vấn đề sức khỏe khác như: Trào ngược dạ dày thực quản, bệnh gan, bệnh thận cũng có thể khiến hơi thở từ mũi có mùi và nước mũi hôi khó chịu. Ở những bệnh nhân mắc bệnh gan, mũi và dịch mũi có thể có mùi mốc mạnh. Ở bệnh nhân mắc bệnh thận, dịch mũi có mùi giống amoniac.

nuoc-mui-co-mui-hoi-3.jpg
Nước mũi có mùi hôi có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng

Cần làm gì khi dịch mũi có mùi hôi?

Khi thấy dịch mũi có mùi hôi mà trước đó chưa từng xảy ra, việc đầu tiên bạn cần làm là vệ sinh mũi sạch sẽ. Hãy rửa mũi nhiều lần mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Tốt nhất bạn nên dùng các loại bình rửa mũi chuyên dụng. Bằng cách này, các vị trí sưng tấy, phù nề trong mũi sẽ được làm sạch, sát khuẩn và hạn chế sưng viêm. Dịch nhầy ứ đọng sẽ được làm loãng và được loại bỏ dễ dàng hơn. 

Khi rửa mũi và loại bỏ bớt dịch mũi thường xuyên, vi khuẩn, virus, nấm và các tác nhân gây viêm cũng sẽ được loại bỏ và xoang mũi dần phục hồi. Kiên trì rửa mũi nhiều lần trong ngày, dịch mũi sẽ giảm bớt, loãng hơn, trong hơn và giảm mùi hôi.

Bạn cần lưu ý, khi chưa biết chính xác nguyên nhân khiến nước mũi bị hôi, bạn không nên tự ý mua thuốc về uống. Trong một số trường hợp, người bệnh tự ý mua thuốc về uống có thể chữa khỏi triệu chứng tạm thời. Nhưng sau đó tình trạng chảy dịch mũi hôi tái đi tái lại và ngày càng nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là bệnh lý căn nguyên gây chảy dịch mũi hôi không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi dịch mũi chảy từ lỗ mũi có mùi hôi xuất hiện trên 5 ngày và không cải thiện khi vệ sinh mũi tại nhà, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám chuyên khoa tai - mũi - họng. Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân gây nước mũi hôi và tư vấn cho bạn cách điều trị phù hợp. Điều quan trọng hơn cả, việc thăm khám sớm giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý nguy hiểm, tăng khả năng chữa khỏi và phục hồi.

Nước mũi có mùi hôi là tình trạng khá nhiều người gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể chỉ là một vấn đề liên quan đến tai mũi họng thông thường nhưng cũng có thể do một bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Vì vậy, đừng chủ quan khi thấy nước mũi có màu và mùi bất thường bạn nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin