Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cây bao báp và lợi ích sức khỏe ít người biết

Ngày 16/01/2023
Kích thước chữ

Cây bao báp là cây thân gỗ lớn có nguồn gốc từ châu Phi. Tên gọi của cây bắt nguồn từ tiếng Pháp là baobab. Bạn xem bài viết dưới đây để biết cây bao báp là cây gì và được sử dụng như thế nào?

Nhắc đến cây baobab, nhiều người cảm thấy xa lạ không biết đây là giống cây gì. Tại Việt Nam, baobab ít phổ biến bởi đây là loại cây quý hiếm, rất khó trồng ở khí hậu nước ta. Baobab có thân hình rất đặc trưng, dễ nhận biết so với các loại cây khác. Không chỉ khai thác lấy gỗ, baobab còn có thể ăn được và cung cấp dược liệu để điều chế thuốc, thực phẩm chức năng.

Cây bao báp là cây gì?

Cây baobab có tên khoa học là Adansonia, thuộc họ cẩm quỳ (dâm bụt). Baobab có thân cây lớn, dáng vẻ bành trướng. Chiều cao của cây từ 5 - 30m, đường kính lên tới 50m và có thể trữ được 120.000 lít nước. Với khả năng chịu nóng và chịu hạn phi thường, nó phát triển tốt ở các vùng sa mạc khắc nghiệt.

Baobab được mệnh danh là “sức mạnh châu Phi”. Ở Việt Nam, baobab như một “báu vật” vì giống cây này rất quý và hiếm. Cây baobab xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1950 tại Huế, do một kỹ sư nông nghiệp mang về trồng từ Pháp. Ngày nay, baobab đã được nhân giống và trồng ở một số tỉnh thành khác như: Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Vỏ cây baobab nhẵn bóng, màu đồng hoặc xám hồng. Lá baobab dạng trơn, màu xanh đậm, mọc trên cuống tạo hình 5 cánh. Hoa baobab rất thơm, quả to như quả dừa. Vào mùa khô, cây rụng lá để lộ ra cành nhánh trông như những chiếc rễ mọc ngược, hướng thẳng lên không trung. Baobab có tuổi thọ đáng kinh ngạc, ở châu Phi có những cây baobab tuổi đời hàng ngàn năm.

Vỏ cây có thể tự “hồi sinh”, dù bị đốt cháy hoặc tước bỏ vỏ thì nó sẽ hình thành lớp vỏ mới, tiếp tục phát triển. Kể cả khi chết đi, dáng vẻ bên ngoài của nó rất lâu mới bị phá hủy, phần gỗ thịt bên trong mục rữa dần dần. Ở châu Phi, có những cây baobab cổ thụ được đục khoét thân để làm hầm cho xe đi xuyên qua. Người dân cũng sử dụng cây như một nhà kho, cửa hàng, nhà ở rất độc đáo.

cây bao báp 2
Cây baobab có thể trồng ở Việt Nam nhưng không phổ biến

Cây bao báp dùng để làm gì?

Là cây hiếm gặp nên nhiều người không biết cây bao báp có tác dụng gì. Cây baobab được người dân bản địa ứng dụng rộng rãi trong nấu ăn, chế biến thực phẩm, làm thuốc… Cây baobab có thể sử dụng được tất cả các bộ phận.

  • Rễ: Sắc nước uống để chữa bệnh.
  • Hoa: Làm dược liệu điều chế thuốc.
  • Lá: Làm rau ăn sống, nấu canh, làm thuốc hoặc điều chế thành bột.
  • Quả: Cùi thịt khô bên trong quả ăn được ngay hoặc trộn với sữa, cháo yến mạch. Phần cùi thịt này cũng có thể phơi khô, đun lấy nước uống, nghiền thành bột.
  • Hạt: Nướng ăn trực tiếp, làm đặc cho các món súp. Hạt giã nhuyễn để chiết xuất dầu thực vật, ủ lên men để làm gia vị, rang và chế biến thành sản phẩm để uống giống như cà phê.
  • Thân: Lấy gỗ, sản xuất bột giấy khô, sợi làm dây thừng, thuốc nhuộm.
cây bao báp 3
Các bộ phận của cây baobab đều có thể sử dụng để ăn, uống hoặc làm thuốc

Lợi ích sức khỏe của cây bao báp

Theo phân tích dinh dưỡng, quả baobab chứa vitamin C, chất chống oxy hóa và các khoáng chất magie, kali, sắt, kẽm. Hạt baobab chứa chất xơ, chất béo, vitamin B1, canxi, sắt. Bột baobab đặc biệt giàu chất xơ, vitamin C, vitamin B3 và B6.

Thống kê trong 20g bột bao báp có: 16g carb, 1g protein, 50g calo, 9g chất xơ. Theo nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng hàng ngày của RDI, 20g bột baobab đáp ứng được:  58% vitamin C, 24% vitamin B3, 20%, vitamin B6, 9% kẽm, 9% sắt, 8% magie, 7% canxi. Giá trị dinh dưỡng phong phú như vậy thì cây bao báp có tác dụng gì?

Bột bao báp giúp giảm cân

Bột baobab giàu chất xơ thúc đẩy cảm giác no, kiềm chế cơn thèm ăn. Bạn sẽ ăn ít hơn vào các bữa chính, hạn chế ăn vặt để kiểm soát cân nặng. Chất xơ, vitamin C trong bột baobao cũng đốt cháy chất béo giúp giảm cân nhanh hơn.

Cải thiện chức năng tiêu hóa

Chế độ ăn giàu chất xơ rất tốt cho người bị táo bón. Chất xơ kích thích co bóp ở nhu động ruột và đào thải cặn bã. Vitamin C kéo nước vào ruột, làm mềm phân để khắc phục tình trạng táo bón. Thường xuyên sử dụng chiết xuất cây baobab giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

cây bao báp 4
Ăn quả baobab hoặc sử dụng bột baobab giúp tăng cường chức năng tiêu hóa

Cân bằng lượng đường trong máu

Chiết xuất cây baobab là thực phẩm lành mạnh cho người bị bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu khoa học, chúng có thể cải thiện chức năng của insulin, làm giảm tốc độ hấp thu đường. Điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa tăng đột ngột lượng đường trong máu.

Chống oxy hóa, giảm viêm

Polyphenol, vitamin C và các chất chống oxy hóa khác trong baobab sẽ chống lại mối nguy từ gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương của quá trình oxy hóa. Nghiên cứu thí nghiệm ở chuột cho thấy chiết xuất baobab ức chế phản ứng viêm.

Bổ sung dưỡng chất chống mệt mỏi

Bột baobab sử dụng rất tiện lợi như một khẩu phần ăn trong ngày. Bạn có thể pha bột baobab với sữa tươi, nước trái cây, trộn với sữa chua hoặc nhiều món ăn khác. Dinh dưỡng phong phú có trong bột baobab sẽ nuôi dưỡng và duy trì các chức năng sống, giảm mệt mỏi, tăng đề kháng.

Tác dụng phụ của cây bao báp

Baobab chứa các chất ức chế hấp thụ dinh dưỡng như: Axit oxalic, phytates, tannins. Tuy nhiên, hàm lượng của chúng rất thấp và không đáng lo ngại. Sau khi chế biến, các chất này cũng bị giảm đi rất nhiều.

Chiết xuất baobab lành tính với hầu hết mọi người, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo thận trọng dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú. Bạn sử dụng các bộ phận tươi hoặc thành phẩm của baobab theo liều lượng được khuyến nghị, không nên lạm dụng.

Bài viết đã giúp bạn có thông tin hữu ích về cây bao báp. Loại cây này được ứng dụng chủ yếu ở châu Phi, Australia, Pháp và Nigeria. Các chế phẩm từ cây baobab cũng được cung cấp ra nhiều nước nhưng không phổ biến ở Việt Nam. Để tham khảo các loại dược liệu và thuốc chữa bệnh khác thay thế cho bột baobab, bạn có thể liên hệ tới Nhà Thuốc Long Châu trên toàn quốc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm