Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cây bồ đề và tác dụng chữa bệnh trong y học

Ngày 11/01/2023
Kích thước chữ

Cây bồ đề được cả y học cổ truyền và y học hiện đại công nhận về hiệu quả chữa bệnh. Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu về tác dụng chữa bệnh của loài thực vật này.

Trong tâm thức người Việt, bồ đề là loài cây linh thiêng, thường được trồng nhiều ở đền chùa. Ít người biết rằng, đây còn là một loại cây thuốc có tác dụng chữa bệnh. Cây bồ đề được sử dụng trong y học cổ truyền từ xa xưa và đến nay y học hiện đại cũng thừa nhận những công dụng chữa bệnh của loài thực vật này. 

Đặc điểm cây bồ đề

Bồ đề (tên khoa học là Ficus religiosa) còn có tên gọi khác là cây cánh kiến trắng, an tức bắc, săng trắng, bồ đề trắng hay hu món theo cách gọi của người Tày. Loài thực vật này có nguồn gốc từ Ấn Độ và Tây Nam Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, cây được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. 

Trong phong thủy, bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ, thức tỉnh và thông suốt. Loài cây này cũng được cho rằng có tác dụng thanh tẩy ô uế, trừ tà ma nên được trồng nhiều ở các đình, chùa, miếu. Ở Việt Nam, bồ đề vẫn được coi là loài cây mang tính tâm linh.

cây bồ đề 1
Cây bồ đề được trồng nhiều trong các công trình tâm linh

Cây bồ đề là loài thân gỗ, có thể cao đến 30m và đường kính thân có thể lên đến 3m. Lá cây to, dài có thể lên đến 15cm, rộng đến 10cm, hình tim và cuống dài 6 - 10cm. Mặt trên của lá nhẵn, màu xanh. Mặt dưới màu trắng, có gân nổi lên. Hoa mọc ở nách, thơm nhẹ. Quả nhỏ, có lông, hình trứng. 

Bộ phận được dùng để làm thuốc là là và nhựa cây. Nhựa bồ đề hay còn gọi là an tức hương có tính bình, vị cay, đắng. Nhựa tốt thường có màu vàng nhạt hoặc trắng đục, thơm mùi vani. Nhựa kém hơn ít thơm hơn, màu nâu đỏ. Nhựa bồ đề thường được thu hái vào mùa hè hoặc mùa thu bằng cách rạch thân cây. Sau khi thu hái, nhựa được mang phơi trong bóng mát cho đến khi khô.

Nhiều tài liệu cổ ghi chép lại, nhựa bồ đề có tác dụng an thần, hoạt huyết, hành khí, khai khiếu. Đông y ứng dụng nhựa bồ đề để điều trị các bệnh tả, đau bụng, viêm phế quản mãn tính, phong hàn, vết thương... Những nghiên cứu khoa học hiện đại cũng công nhận tác dụng chữa bệnh của bồ đề. Vì vậy, nhựa bồ đề hiện đang được khai thác và thu mua với số lượng lớn.

cây bồ đề 2
Nhựa cây bồ đề được thu hoạch từ thân cây

Bài thuốc chữa bệnh từ cây bồ đề

Các thành phần của cây bồ đề từ lá, nhựa đến chồi non đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Một số bài thuốc từ bồ đề vẫn thường được áp dụng như: 

  • Bài thuốc trị ho: Dùng 0,5g nhựa bồ đề mài với mật ong, uống ngày 2 - 4 lần sẽ giảm ngứa họng và ho. 
  • Bài thuốc trị đau nhức răng: Lá bồ đề rửa sạch, mang giã nát, vắt lấy nước cốt để ngậm hoặc súc miệng hàng ngày. 
  • Khử trùng vết thương: Nếu có vết thương hở, ta có thể dùng chồi non bồ đề rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt để chấm lên miệng vết thương. Làm như vậy ngày 3 lần vết thương sẽ được khử trùng, phòng viêm nhiễm và nhanh lành hơn.
  • Bài thuốc chữa tức ngực, đau bụng do đầy hơi: Dùng đinh hương, trầm hương mỗi loại 6g; đại hồi, hoắc hương, cánh kiến trắng, hương phụ, sa nhân, mộc hương, cam thảo mỗi vị 9g. Mang tất cả nguyên liệu tán thành bột mịn, thêm một lượng mật ong vừa đủ. Mỗi lần dùng 4g uống cùng nước tía tô.
cây bồ đề 3
Nhựa bồ đề sau khi được phơi khô
  • Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp: Dùng 80g nhựa bồ đề đun nóng chảy rồi trộn cùng 160g thịt heo thái miếng. Sau đó cho thịt trộn nhựa bồ đề vào ống tre, nướng trên bếp lửa lớn. Miệng ống hướng về phía khớp xương bị đau để hơi nóng xông lên xoa dịu khớp xương. 
  • Bài thuốc chữa phụ nữ sau sinh bị huyết trường hoặc cấm khẩu: Dùng 4g nhựa cây bồ đề cùng 20g thủy phi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng nấu một chút nước gừng pha cùng 4g bột để uống.
  • Bài thuốc chữa viêm phế quản mạn tính: Dùng 5g nhựa bồ đề tán thành bột, trộn thêm 1 ít rượu trắng và 100ml siro đường. Ngày uống 2 lần mỗi lần 10 - 20g sẽ khỏi. 
  • Bài thuốc chữa lành vết thương: Dùng 20g nhựa bồ đề vào bình thủy tinh, thêm 100ml cồn 80 độ sao cho nhựa bồ đề ngập trong cồn. Đậy kín hũ ngâm trong 10 - 15 ngày, sau đó dùng để vệ sinh vùng da bị thương. Nếu bị viêm chân răng có thể dùng để ngậm khoảng 5 phút mỗi ngày. Mỗi nhà nên ngâm sẵn một lọ dung dịch này để có thể sử dụng ngay khi cần thiết. 
  • Bài thuốc chữa tim đập nhanh, hay hồi hộp: Dùng nhựa bồ đề tán thành một mịn, mỗi ngày dùng 2g hòa tan với nước sôi để uống. 
  • Bài thuốc chữa trúng phong, đau bụng, tả: Dùng 3g nhựa bồ đề sắc trên lửa nhỏ đến khi nóng chảy, chia làm 2 để uống 2 lần trong ngày. 
cây bồ đề 4
Lá bồ đề cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh

Lưu ý khi dùng cây bồ đề chữa bệnh

Khi dùng cây bồ đề chữa bệnh, chúng ta cần lưu ý những điều sau đây:

  • Một số người có thể bị dị ứng với các hoạt chất có trong nhựa cây bồ đề. Nếu dùng lần đầu, bạn nên thử một lượng nhỏ. Sau khi chắc chắn không có phản ứng phụ mới sử dụng nhiều hơn.
  • Theo Đông y, những người có khí hư, chán ăn, hỏa vượng không phù hợp để dùng loại dược liệu này.
  • Nếu sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng, nhựa bồ đề có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, phát ban ngoài da, ảnh hưởng đến thận. Vì vậy, không nên lạm dụng sử dụng quá nhiều nhựa bồ đề dù là dưới dạng uống hay bôi.
  • Bất cứ ai khi muốn chữa bệnh bằng loại dược liệu này đều nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên môn. Không nên tự ý dùng thuốc chữa bệnh để tránh gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe.
cây bồ đề 5
Chồi non bồ đề dùng làm thuốc chữa bệnh

Kho tàng dược liệu dân gian của Việt Nam vô cùng phong phú. Có những loài thực vật chúng ta đều thấy quen thuộc nhưng lại không hề biết về công dụng chữa bệnh của nó. Hy vọng qua bài viết này, Long Châu đã giúp bạn hiểu thêm về tác dụng của cây bồ đề trong lĩnh vực y học. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin