Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chàm bàn tay: Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh

Ngày 16/04/2022
Kích thước chữ

Bàn tay thường là mục tiêu chính của các tác nhân gây bệnh chàm. Những vùng da bị bệnh chàm sẽ thường ngứa, đỏ rát và rất đau nếu như người bệnh không điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn đọc một số phương pháp chăm sóc tay khi mắc phải bệnh chàm.

Bệnh chàm có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên da và gây đau khó chịu, nhưng chàm bàn tay lại có vấn đề phức tạp hơn nhiều vì nó làm cho tay bị bong tróc, nứt nẻ kèm ngứa ngáy âm ỉ dữ dội. Vậy chàm bàn tay là gì? Làm thế nào để chữa khỏi chàm bàn tay? Mời bạn cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.

Chàm bàn tay là gì?

Bệnh chàm bàn tay là một loại bệnh thường gặp của chàm khô, xảy ra khi tay thường xuyên phải tiếp xúc lâu với các chất dễ gây kích ứng da như xà phòng, hóa chất, mỹ phẩm,... Điều này làm cho lớp sừng của da bị tổn hại, mất đi lớp hàng rào để bảo vệ cho da, là cơ sở để dị nguyên xâm nhập và gây ra những tổn thương dạng chàm, điển hình là bong tróc, dày sừng, khô ráp,...

Chàm bàn tay: Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh 1

Chàm bàn tay là hiện tượng da bị đỏ ửng, sưng tấy và đau ẩm ỉ kéo dài

Bệnh chàm ở tay tương đối lành tính và không gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát nhiều lần, phát triển thành bệnh mãn tính và tình trạng ngứa ngáy kéo dài. Vì vậy người bệnh cần chủ động điều trị bệnh càng sớm càng tốt để tay có thể thoải mái làm việc trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Những dấu hiệu của bệnh chàm bàn tay

Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh mà bạn có thể nhận biết như:

  • Vùng da bị chàm sẽ xuất hiện các mảng da hồng hoặc đỏ, có sự khác biệt rõ ràng so với những vùng da lành xung quanh.
  • Tay thường bị ngứa và đau âm ỉ.
  • Các vùng da bị chàm có các nốt mụn nước mọc rải rác và tập trung ở rìa ngón tay hoặc kẽ tay. Mụn nước thường tự vỡ, chảy dịch và khi khô sẽ đóng thành vảy.
  • Về lâu dài thì da càng khô và bong tróc càng nhiều, làm cho lớp da ngày càng mỏng, dát đỏ và nhẵn bóng.
  • Khi gãi nhiều do ngứa, da thường có hiện tượng lichen hóa làm cho da nhiễm cộm, dày sừng và hình thành nên các vết nứt hoặc vết hằn.
  • Trong một số trường hợp, da tay có thể bị ăn mòn và gây tổn hại cho móng.

Chàm bàn tay: Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh 2 Những người bị bệnh thường có dấu hiệu bong tróc da và nổi mụn nước

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm bàn tay

Chàm tay có cơ chế hoạt động rất phức tạp. Vì thế mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, qua các thống kê của những trường hợp mắc bệnh, các bác sĩ da liễu cho thấy bệnh có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

  • Yếu tố di truyền: Người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn nếu như người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh.
  • Rối loạn quá trình trao đổi chất: Quá trình trao đổi chất ảnh hưởng đến mọi cơ quan và cơ chế hoạt động trong cơ thể. Nếu quá trình này bị rối loạn thì lớp màng lipid trên da sẽ bị suy yếu, làm cho cơ thể bị mất nước và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố thời tiết: Bệnh thường phát triển mạnh mẽ vào mùa đông do thời tiết lạnh làm da bị khô và dễ mất nước.
  • Tiếp xúc với dị nguyên: Đa số các trường hợp mắc bệnh đều là do để tay tiếp xúc lâu dài với các chất kích ứng như hóa chất, xà phòng, mỹ phẩm, dung môi công nghiệp,...
  • Nhiễm nấm: Tay là nơi có vị trí dễ nhiễm nấm nhất do có hoạt động bài tiết dầu và mật độ tiếp xúc cao, làm suy giảm hàng rào bảo vệ khiến cho da bị khô và kích thích bệnh chàm bùng phát.
  • Các yếu tố khác: Một số nhân tố như ô nhiễm môi trường, tâm lý không ổn định, vệ sinh da kém, rối loạn nội tiết,... cũng làm cho người bệnh mắc bệnh chàm và làm suy giảm khả năng của hệ miễn dịch.

Các phương pháp điều trị bệnh chàm bàn tay

Loại bệnh này có tính chất là dai dẳng kéo dài và dễ tái phát lại. Vì vậy bạn cần phải tích cực điều trị để làn da được nhanh chóng cải thiện và phục hồi. Một số biện pháp điều trị chàm bàn tay được sử dụng phổ biến như:

Điều trị ngay tại nhà

Chăm sóc da đúng cách là phương pháp nhằm tái tạo lại hàng rào bảo vệ da và hạn chế quá trình thoát hơi nước. Khi làn da được cung cấp đủ độ ẩm thì triệu chứng chàm sẽ thuyên giảm đáng kể. Một số cách điều trị tại nhà như:

  • Sử dụng dung dịch vệ sinh da tay có thành phần dịu nhẹ và độ pH cân bằng. Không nên sử dụng sản phẩm chứa nhiều xà phòng, hương liệu và các thành phần tổng hợp.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm da từ 2-4 lần/ngày tùy thuộc vào mức độ hấp thụ của da, từ đó hiện tượng da khô sẽ được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, người bệnh nên lựa chọn những loại kem dưỡng ẩm có kết cấu đặc hoặc dạng mỡ để da không bị mất hơi nước.
  • Nên đeo bao tay khi thời tiết lạnh để giữ ấm.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây ra bệnh chàm.
  • Nên đeo bao tay khi phải tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích hoặc dị ứng.
  • Có thể rửa tay với nước mát hoặc chườm đá lạnh để giảm viêm và ngứa ngáy.
  • Tránh cào gãi lên vùng da bị chàm để không làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Luôn trong trạng thái thoải mái bằng cách tập yoga, thiền, thể dục thể thao đều đặn.

Chàm bàn tay: Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh 3

Luôn đeo bao tay khi phải tiếp xúc với các yếu tố chứa nhiều lượng hóa chất hoặc dễ gây kích ứng da

Điều trị bằng phương pháp dân gian

Phương pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp da bị tổn thương nhẹ và ít ngứa. Một số mẹo dân gian như:

  • Dầu dừa: Có chứa vitamin E nên khả năng dưỡng ẩm tốt, hạn chế khô da và nứt nẻ. Có thể sử dụng dầu dừa thay cho kem dưỡng ẩm hằng ngày.
  • Lá ổi: Có tác dụng khử trùng, khử khuẩn, làm sạch da, giảm triệu chứng ngứa.
  • Lá trà xanh: Có chứa hoạt chất Epigallocatechin gallate (EGCG) có tác dụng làm sạch da, làm chậm quá trình lão hóa và tái tạo lại vùng da bị chàm.

Chàm bàn tay: Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh 4

Dầu dừa là sản phẩm làm đẹp tự nhiên vừa an toàn lại vừa hiệu quả cao

Điều trị bằng thuốc

Khi bệnh có chuyển biến nặng hơn thì bạn nên tìm đến một số loại thuốc chuyên sâu để điều trị và ngăn ngừa biến chứng của bệnh:

  • Thuốc bôi ngoài da: Kem dưỡng ẩm, thuốc bôi chứa corticoid, thuốc kháng nấm, thuốc chứa axit salicylic, dung dịch sát trùng,...
  • Thuốc uống: Thuốc kháng sinh, corticoid đường uống, thuốc kháng sinh histamine H1,... Ngoài ra có thể sử dụng kết hợp cả thuốc uống lẫn thuốc bôi.

Chàm bàn tay tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nó lại ảnh hưởng về tính thẩm mỹ cũng như tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh cũng cần phải có sự kiên nhẫn và thời gian thì bệnh mới có dấu hiệu thuyên giảm. Trong trường hợp thấy bệnh có dấu hiệu nặng hơn thì bạn hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức để có những lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp nhé.

Tạ Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.