Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chạy thận là gì? Quy trình chạy thận nhân tạo có thể bạn chưa biết

Ngày 27/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chạy thận là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến với người suy thận. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chạy thận là gì? Quy trình chạy thận nhân tạo như thế nào? Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin xoay quanh chủ đề này. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây bạn nhé!

Khi chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng thì chạy thận là chỉ định bắt buộc. Phương pháp này hỗ trợ cơ thể người bệnh đào thải các chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể. Và việc chạy thận thường xuyên giúp người bệnh duy trì sức khỏe và sự sống. Để hiểu rõ về quy trình chạy thận nhân tạo, trước hết hãy cùng nhà thuốc tìm hiểu chạy thận là gì bạn nhé!

Chạy thận là gì? Cơ chế chạy thận nhân tạo như thế nào?

Có nhiều người thắc mắc chạy thận nhân tạo là gì? Chạy thận nhân tạo một trong 2 phương pháp lọc máu đang được áp dụng rộng rãi hiện nay nhằm hỗ trợ việc điều trị suy thận cấp (do ngộ độc) hoặc suy thận giai đoạn cuối khi thân đã gần như mất hết hoặc mất hoàn toàn chức năng.

Ở phương pháp này, người bệnh cần được thiết lập một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể và máu của người bệnh sẽ được dẫn vào bộ lọc của máy chạy thận, được làm sạch thông qua một bộ lọ và sau cùng máu được đưa trở lại cơ thể người bệnh.

Chạy thận nhân tạo bao gồm 3 cơ chế:

  • Cơ chế siêu lọc: Áp lực thủy tĩnh của khoang máu cao hơn áp lực của khoang dịch do áp lực của bơm máu cao hơn bơm dịch. Khi này, nước từ khoang máu sẽ di chuyển sang khoang dịch và kèm theo đó là các chất hòa tan.
  • Cơ chế khuếch tán riêng: Các chất hòa tan như creatinin, ure cùng với các chất có trọng lượng phân tử nhỏ khác có nồng độ cao trong máu dưới sự chênh lệch nồng độ sẽ khuếch tán từ máu sang khoang dịch.
  • Cơ chế dòng đối lưu: Quá trình khuếch tán sẽ giảm hiệu lực khi chất tan ở khoang dịch lọc và ở khoang máy cân bằng nhau.
Chạy thận là gì? Chạy thận nhân tạo là phương pháp hỗ trợ chức năng thận cho người suy thận

Khi nào cần tiến hành chạy thận nhân tạo?

Thận đóng một vai trò quan trọng đối với cơ thể với chức năng chính là loại bỏ chất độc và chất thải trong máu cùng với dịch dư thừa ra ngoài cơ thể để hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các cơ quan.

Khi chức năng thận bị suy giảm, khả năng lọc máu cũng giảm khiến cho các chất độc hại và dịch dư thừa tích tụ trong cơ thể gây ra các rối loạn chức năng của các cơ quan, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng hướng có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Căn cứ vào một số yếu tố như: Sức khỏe tổng quát, chức năng thận, các dấu hiệu và triệu chứng, mong muốn của bản thân mà bác sĩ sẽ xác định khi nào bạn nên tiến hành chạy thận, tần suất chạy thận. Tuy nhiên, đa số người bệnh suy thận đều phải duy trì chạy thận thường xuyên cho đến khi kiểm soát được bệnh.

Khi chức năng thận bị suy giảm cần được chạy thận kịp thời Khi nào cần tiến hành chạy thận nhân tạo?

Quy trình chạy thận nhân tạo được áp dụng hiện nay

Tùy vào tình trạng sức khỏe cũng như thể chất mà khi chạy thận nhân tạo người bệnh có thể ngồi hoặc nằm trên ghế trong quá trình lọc máu. Các bước được thực hiện trong quá trình chạy thận nhân tạo bao gồm:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi tiến hành chạy thận nhân tạo

Chuẩn bị người bệnh:

  • Người bệnh cần được giải thích rõ tình trạng bệnh cũng như toàn bộ quá trình chạy thận nhân tạo, những phản ứng có thể xảy ra sau chạy thận…
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo người bệnh có đủ sức khỏe để tiến hành lọc máu.
  • Tư vấn và lựa chọn một trong 3 phương pháp tiếp cận mạch máu bao gồm Catheter TMTT, lỗ dò động tĩnh mạch (FAV) hoặc AV ghép và tiến hành đặt và cố định đường vào mạch máu cho người bệnh.
  • Tiến hành đo dấu hiệu sinh tồn và ghi chép đầy đủ vào phiếu lọc máu của người bệnh.

Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị và các dung dịch cần thiết cho quá trình chạy thận nhân tạo:

  • Chuẩn bị nước RO: Kiểm soát chất lượng của nước RO đảm bảo đủ tiêu chuẩn sử dụng trong công tác chạy thận nhân tạo.
  • Pha dịch lọc máu đậm đặc cho thận nhân tạo và pha một số hóa chất trong thận nhân tạo đúng quy trình kỹ thuật.
  • Chuẩn bị máy thận nhân tạo.

Bước 2: Tiến hành quá trình chạy thận nhân tạo

  • Kết nối người bệnh với máy nhân tạo thông qua các dây truyền nối giữa vòng tuần hoàn ngoài cơ thể với máy lọc thận.
  • Tiến hành chọn chế độ lọc, lưu lượng dịch lọc, profile (dịch lọc, UF), thời gian lọc… trên máy thận nhân tạo và khởi động máy và bắt đầu quá trình lọc.
  • Trong suốt quá trình lọc cần liên tục theo dõi dấu hiệu sinh tồn và một số thông số quan trọng khác như AP, VP, TMP… và ghi chép đầy đủ vào phiếu theo dõi.

Bước 3: Kết thúc quá trình chạy thận nhân tạo

  • Vào chế độ kết thúc và dồn máu về người bệnh.
  • Làm sạch máu trong khoang máu.
  • Rút kim và lưu ý người bệnh ép băng điểm chọc vừa đủ. Băng ép.
  • Đưa máy chạy thận nhân tạo về chương trình khử khuẩn sau đó vệ sinh máy bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Thu dọn và ghi chép hồ sơ.
  • Kiểm tra lại huyết áp cho người bệnh sau khi kết thúc quá trình chạy thận.
Quy trình chạy thận nhân tạo Theo dõi sát các chỉ số trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo là điều cần thiết

Những lưu ý khi chạy thận nhân tạo là gì?

Một số biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh chạy thận đó là: Chuột rút cơ bắp, hạ áp, nhiễm trùng, hình thành máu đông bất thường trong ống thông tĩnh mạch… Bên cạnh đó, những trường hợp người bệnh chạy thận trong thời gian dài cũng có thể đối mặt với một vài biến chứng nghiêm trọng khác do chưa lọc hết các chất độc hại phải kể đến như bệnh mạch máu, đột quỵ, bệnh tim…

Để hạn chế nguy cơ mắc các biến chứng cũng như giúp cho việc chạy thận nhân tạo đạt được hiệu quả cao người bệnh cần nắm được một vài lưu ý:

  • Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn giàu calo, nhiều chất đạm, ăn nhạt, hạn chế ăn quá nhiều muối, thường xuyên bổ sung vitamin và muối khoáng…
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cafein, chất kích thích như: Cà phê, rượu, bia, thuốc lá…
  • Người bệnh cần vận động nhẹ nhàng, tránh tập luyện quá sức.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi.
  • Dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi.
  • Người bệnh cũng cần thực hiện y lệnh thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả trong việc điều trị.
  • Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay với nhân viên y tế để được khám và xử lý kịp thời (nếu cần).
Lưu ý khi chạy thận nhân tạo là gì? Tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ giúp việc điều trị của người bệnh suy thận đạt hiệu quả tốt hơn

Trên đây là toàn bộ thông tin Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp xoay quanh chủ đề chạy thận nhân tạo để chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng, qua bài viết này, người bệnh có thể hiểu rõ: Chạy thận là gì? Khi nào cần tiến hành chạy thận? Quy trình chạy thận nhân tạo như thế nào? Một vài lưu ý đối với người chạy thận nhân tạo. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc để cập nhật những thông tin mới nhất bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm