Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn chạy thận hay ghép thận khi điều trị

Ngày 27/11/2022
Kích thước chữ

Suy thận mạn tính ở giai đoạn cuối hiện nay có 3 phương pháp điều trị. Đó là ghép thận, chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Dựa vào tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế của gia đình mà người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Vậy chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn phương pháp nào?

Chạy thận và ghép thận là những phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh bị suy thận mạn tính. Tuy nhiên, mỗi phương pháp điều trị sẽ đem lại chất lượng khác nhau. Nếu người bệnh ghép thận thì đời sống có chất lượng tốt hơn hay người bệnh chạy thận được kéo dài cơ hội sống. Vậy lựa chọn phương pháp nào là phù hợp? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay nhé!

Chạy thận và ghép thận là gì?

Cả 2 phương pháp điều trị này đều có khả năng cải thiện sức khỏe của người bệnh bị suy thận mạn ở giai đoạn cuối.

Chạy thận 

Đây là phương pháp điều trị được áp dụng trên người bệnh suy thận cấp do ngộ độc hoặc suy thận mạn ở giai đoạn cuối. Lúc này, thận không còn hoặc đã mất gần hết chức năng loại bỏ chất cặn bã. Phương pháp sử dụng máy lọc máu nhân tạo để lọc máu bên ngoài đưa vào trong cơ thể. 

Chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn chạy thận hay ghép thận khi điều trị 1 Chạy thận cần được thực hiện theo định kỳ

Khi tiến hành điều trị, người bệnh được gắn hai cây kim vào cánh tay. Trong đó, mỗi kim gắn với ống mềm, nối với máy lọc máu. Máy lọc máu nhân tạo sẽ đưa máu qua bộ lọc rồi mang máu trở lại cơ thể người bệnh. Trong quá trình thực hiện, máy lọc máu sẽ theo dõi huyết áp, kiểm soát tốc độ máu chảy qua bộ lọc và lượng chất lỏng loại bỏ ra khỏi cơ thể.

Ghép thận

Ghép thận là phương pháp điều trị giúp khôi phục chức năng của thận, đáp ứng khả năng loại bỏ và đào thải các chất ra khỏi cơ thể. Phương pháp được thực hiện bằng cách ghép quả thận mới, hoạt động tốt vào cơ thể người bệnh để thay thế quả thận cũ với chức năng đã suy yếu.

Chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn chạy thận hay ghép thận khi điều trị 2 Ghép thận cần được theo dõi thật kỹ sau phẫu thuật

Trong phẫu thuật, bác sĩ thường giữ lại quả thận cũ, trừ trường hợp cần thiết sẽ đưa ra chỉ định cắt bỏ. Quả thận mới được ghép sẽ nằm ở vùng hố chậu phía trước bên của cơ thể. Bình thường, người bệnh chỉ được ghép một quả thận mới. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người bệnh phải ghép hai quả thận. 

Để đảm bảo hoạt động của thận mới, người bệnh cần lưu ý những thay đổi trước và sau khi thực hiện phương pháp điều trị này như dùng thuốc ức chế miễn dịch để phòng ngừa cơ thể thải ghép, đào thải mô mới… 

Nên chạy thận hay ghép thận khi điều trị?

Phương pháp chạy thận được chỉ định cho người bệnh nào?

Bác sĩ thường dựa trên tình trạng sức khỏe, chức năng hoạt động của thận, những dấu hiệu và triệu chứng bệnh, kinh tế của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị. Đôi khi, người bệnh cũng có thể lựa chọn có nên chạy thận không.

Thông thường, chạy thận được chỉ định cho người bệnh suy thận mạn tính ở giai đoạn cuối với mức lọc cầu thận giảm xuống rất thấp (dưới 15 ml/ph/1.73 m2) hay người bệnh suy thận cấp do ngộ độc với triệu chứng kèm theo: Buồn nôn, mệt mỏi, sưng tấy. 

Lúc này, bác sĩ có thể dựa vào chỉ số tỷ lệ lọc cầu thận ước tính (eGFR) nhằm đánh giá chức năng thận. Nhờ đó, bác sĩ có thể lập kế hoạch điều trị từ khi bắt đầu chạy thận.

Điều kiện để chỉ định phương pháp ghép thận

Phương pháp ghép thận thường được chỉ định cho người bị bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối (ESRD). Lúc này, chức năng hoạt động của thận đã giảm xuống dưới 10%. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng phương pháp này. Để có thể lựa chọn, người bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Quả thận được hiến tặng phải phù hợp với người bệnh.
  • Sức khỏe của người bệnh đảm bảo để thực hiện ghép thận.
  • Người bệnh chấp nhận duy trì chế độ dùng thuốc nghiêm ngặt và suốt đời.
  • Kinh tế gia đình ổn định có thể chi trả chi phí phẫu thuật cũng như thuốc dùng sau này.

Ngoài ra, người bệnh mang một trong những bệnh nền nào sau đây sẽ được bác sĩ kiểm tra và đánh giá, tránh ảnh hưởng đến kết quả khi phẫu thuật ghép thận

  • Ung thư đang điều trị hoặc tiên lượng sống ngắn.
  • Nhiễm khuẩn nặng như lao, nhiễm trùng xương, viêm gan… Tuy nhiên, nếu sau khi điều trị khỏi và sức khỏe ổn định thì vẫn có thể ghép thận.
  • Những bệnh về tim mạch, gan như suy tim nặng, xơ gan, ung thư gan.

Lợi ích của phương pháp chạy thận và ghép thận

Mỗi phương pháp sẽ đem lại những lợi ích khác nhau đối với mỗi người bệnh.

Chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn chạy thận hay ghép thận khi điều trị 3 Chạy thận và ghép thận giúp người bệnh kéo dài thời gian sống

Lợi ích đối với người bệnh chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo giúp cơ thể người bệnh kiểm soát huyết áp, duy trì sự cân bằng của các khoáng chất khác nhau như natri, kali trong cơ thể. Thực tế, phương pháp chạy thận nhân tạo tốt nhất nên bắt đầu thực hiện trước khi thận ngừng hoạt động và gây ra những biến chứng, hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.

Lợi ích khi ghép thận 

Hiện nay, ghép thận có thể xem là phương pháp tối ưu nhất cho người bệnh suy thận nặng, đem lại thời gian sống lâu hơn. Người bệnh sau khi ghép thận không phải đến bệnh viện thường xuyên để lọc máu theo định kỳ, đồng thời chế độ ăn cũng không nghiêm ngặt như người chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị khá phức tạp với nhiều quy định chặt chẽ, yêu cầu người bệnh tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, thận mới được ghép vào cơ thể vẫn có nguy cơ bị bệnh. Do đó, cần chăm sóc tốt người bệnh ngay sau khi ghép bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

Những lưu ý dành cho người bệnh sau khi ghép thận hoặc chạy thận

Lưu ý đối với người bệnh chạy thận

Bên cạnh các biến chứng như: Tắc nghẽn mạch máu, mất máu, hạ huyết áp… thì người bệnh cũng gặp phải những tác dụng không mong muốn trong quá trình chạy thận. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần phải uống thuốc đúng, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt đã được xây dựng.

Người bệnh cần đảm bảo sự cân bằng lượng nước bổ sung vào cơ thể. Các thực phẩm dành cho người chạy thận cần hạn chế trong khi điều trị: Muối, thực phẩm giàu sắt… 

Người bệnh cần vệ sinh những dụng cụ như lỗ rò, mảnh ghép và ống thông theo chỉ dẫn từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trong quá trình chạy thận.

Khi chạy thận, nếu có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe hay vị trí lỗ rò, ống thông, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám kịp thời. 

Lưu ý dành cho người bệnh ghép thận

Người ghép thận cần thời gian để phục hồi cơ thể hoàn toàn khoảng một vài tháng đến nửa năm. Mặc dù đời sống của người bệnh sau khi ghép thận được cải thiện nhiều nhưng vẫn cần lưu ý:

  • Mặc dù chế độ ăn uống không chặt chẽ như người chạy thận nhưng người bệnh đã ghép thận vẫn cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng của mình.
  • Thường xuyên rèn luyện thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, người đã ghép thận có thể lựa chọn các bài tập đơn giản như đi bộ, bơi lội, đạp xe… Tuy nhiên, người ghép thận cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi luyện tập.
Chạy thận và ghép thận là gì? Nên lựa chọn chạy thận hay ghép thận khi điều trị 4 Dành thời gian để cơ thể phục hồi sau khi ghép thận

Trên đây là những thông tin hữu ích về chạy thận và ghép thận. Mỗi phương pháp điều trị đều có những lợi ích và chỉ định điều trị riêng biệt. Tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, kinh tế bản thân mà người bệnh sẽ được chỉ định điều trị phương pháp chạy thận hay ghép thận.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm