Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chỉ số ALT là gì? Lưu ý trước khi xét nghiệm nồng độ ALT mà bạn nên biết

Ngày 23/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chỉ số ALT và AST là các chỉ số thường quy được bác sĩ chỉ định trong quy trình xét nghiệm để đánh giá sức khỏe tổng quát. Nhiều người thắc mắc rằng chỉ số ALT là gì? Hay nồng độ này tăng cao có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về xét nghiệm ALT nhé!

Vậy chỉ số ALT là gì? Đây là enzym có trong tế bào gan. Khi tế bào gan bị hủy hoại, enzym ALT sẽ thoát ra máu, phản ánh dựa trên kết quả xét nghiệm ALT tăng. Khi nồng độ ALT tăng cao gấp 2 đến 4 lần so với chỉ số bình thường báo hiệu bệnh lý gan cần được điều trị.

Chỉ số ALT là gì?

Nhiều người thắc mắc chỉ số ALT là gì khi nhận được kết quả khám sức khỏe. ALT (alanine aminotransferase) còn được gọi là SGPT (serum glutamate pyruvate transaminase), là một chỉ số men gan quan trọng được sử dụng trong các xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan.

ALT là một loại enzyme có mặt trong tế bào gan. Chức năng chính của ALT là tham gia vào quá trình chuyển hóa axit amin alanine, giúp tổng hợp các chất cần thiết cho cơ bắp và các tế bào khác trong cơ thể.

Khi tế bào gan bị tổn thương hoặc bị phá hủy, enzyme này sẽ được giải phóng vào máu, dẫn đến tăng cao nồng độ ALT trong huyết thanh. Do đó, đo lường nồng độ ALT trong máu có thể cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng của gan.

Mức độ tăng cao của ALT trong máu có thể là một dấu hiệu cho thấy có sự tổn thương gan, bao gồm các bệnh như viêm gan, viêm gan B hoặc C, xơ gan hay suy giảm chức năng gan do sử dụng rượu, dùng thuốc gây độc cho gan.

Tuy nhiên, chỉ số ALT không chỉ đánh giá chức năng gan mà còn có thể phản ánh tổn thương gan do các nguyên nhân khác như bệnh tim hoặc bệnh lý cơ xương khớp. Do đó, kết quả xét nghiệm ALT thường được đánh giá kết hợp với các chỉ số khác, đồng thời khám triệu chứng lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Chỉ số ALT là gì? Lưu ý trước khi xét nghiệm nồng độ ALT mà bạn nên biết 1
Chỉ số ALT là gì là câu hỏi nhiều người quan tâm

Yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số ALT

Vậy những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số ALT là gì? Đây là một chỉ số quan trọng được sử dụng để đánh giá chức năng gan. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số ALT trong máu. Một số yếu tố thường gặp tác động đến kết quả ALT bao gồm:

  • Bệnh gan: Yếu tố chính ảnh hưởng đến chỉ số ALT là các bệnh liên quan đến gan. Viêm gan, xơ gan, viêm gan siêu vi B hoặc C… thường gây tăng cao nồng độ ALT trong máu. Khi gan bị tổn thương, các tế bào gan bị phá hủy và enzyme ALT được giải phóng vào máu.
  • Thuốc, chất độc: Sử dụng một số loại thuốc có thể gây tăng cao chỉ số ALT. Các loại thuốc như paracetamol, kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), allopurinol hay một số loại thuốc chữa bệnh lý tim mạch có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, tác động tới nồng độ ALT. Ngoài ra, sử dụng các chất độc như thuốc lá, lạm dụng đồ uống chứa cồn hay hoá chất độc hại cũng có thể gây tổn thương gan, tăng cao chỉ số ALT.
  • Bệnh tim: Một số bệnh về tim mạch có thể ảnh hưởng đến chỉ số ALT như suy tim, cơn đau thắt ngực có thể làm tăng nồng độ ALT. Điều này xảy ra khi sự tổn thương tim dẫn đến giảm cung cấp oxy cho gan và làm tăng nồng độ ALT trong máu.
  • Thể trạng: Một số yếu tố khác như thể trạng cũng có thể ảnh hưởng đến chỉ số ALT. Ví dụ như mức độ cơ bắp hay phần trăm mỡ trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nồng độ ALT.
  • Bệnh lý khác: Một số bệnh như chấn thương cơ, sốc nhiễm khuẩn, sốc nhiệt hay tổn thương tế bào hồng cầu có thể khiến nồng độ ALT vượt qua ngưỡng bình thường. Bởi vậy, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh lý hay triệu chứng mình đang gặp phải để bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Chỉ số ALT là gì? Lưu ý trước khi xét nghiệm nồng độ ALT mà bạn nên biết 2
Thuốc có thể là yếu tố gây tăng chỉ số ALT tạm thời

Chỉ số ALT bao nhiêu là nguy hiểm?

Ngoài câu hỏi chỉ số ALT là gì thì băn khoăn chỉ số ALT cao bao nhiêu là nguy hiểm cho gan cũng được nhiều người quan tâm. Thông thường, giá trị bình thường của ALT trong máu dao động trong khoảng từ 0 đến 40 đơn vị quốc tế/lít (IU/L) đối với người lớn.

Tuy nhiên, giá trị bình thường có thể khác nhau tùy theo phương pháp xét nghiệm được sử dụng, cũng như tác động bởi các yếu tố khác nhau. Do đó, việc xác định mức độ nguy hiểm của chỉ số ALT cần được đánh giá kết hợp với các yếu tố khác như triệu chứng lâm sàng, kết quả cận lâm sàng tổng thể và tiền sử bệnh lý.

Chỉ số ALT tăng nhẹ tới trung bình có thể chỉ ra sự tổn thương gan trong như viêm gan nhẹ hay tác động của thuốc, rượu. Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan mà cần theo dõi nồng độ ALT thường xuyên.

Ngược lại, nếu xét nghiệm ALT ra kết quả tăng cao vượt ngưỡng (gấp 2 đến 4 lần so với chỉ số bình thường) cho thấy dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm về bệnh lý gan như viêm gan virus cấp, hoại tử tế bào gan hay trụy mạch kéo dài.

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ xem xét kết hợp với kết quả xét nghiệm khác, như nồng độ AST (aspartate aminotransferase), chỉ số LDH (axit lactic dehydrogenase), thực hiện thăm dò siêu âm ổ bụng, đồng thời khám phát hiện triệu chứng lâm sàng để đánh giá tình trạng gan một cách toàn diện, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Chỉ số ALT là gì? Lưu ý trước khi xét nghiệm nồng độ ALT mà bạn nên biết 3
Rượu có thể khiến chỉ số ALT tăng cao

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm nồng độ ALT

Trước khi tiến hành xét nghiệm nồng độ ALT, người bệnh cần chuẩn bị để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác và đáng tin cậy, cụ thể:

  • Hướng dẫn từ bác sĩ: Đầu tiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về xét nghiệm nồng độ ALT. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cụ thể về quy trình chuẩn bị, các hạn chế trước khi xét nghiệm.
  • Trao đổi về thuốc hay bệnh lý: Hãy nói cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các loại bổ sung dinh dưỡng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ALT. Ngoài ra, cung cấp thông tin về bất kỳ bệnh lý hoặc điều kiện sức khỏe khác mà bạn đang mắc phải.
  • Thời gian xét nghiệm: Xét nghiệm nên được làm vào buổi sáng, sau khi đã nhịn ăn 4 đến 8 giờ để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
  • Lựa chọn cơ sở xét nghiệm uy tín: Chỉ số ALT có thể được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế tư nhân hay công lập. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín, tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo kết quả phản ánh sức khỏe chính xác nhất.
Chỉ số ALT là gì? Lưu ý trước khi xét nghiệm nồng độ ALT mà bạn nên biết 4
Trao đổi với bác sĩ về vấn đề sức khỏe hoặc loại thuốc bạn đang sử dụng

Xét nghiệm nồng độ ALT thường được sử dụng kết hợp cùng chỉ số AST để đánh giá sơ bộ chức năng gan. Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Chỉ số ALT là gì?”. Hy vọng độc giả đã biết được những thông tin bổ ích về xét nghiệm này. Đừng quên tiếp tục đón chờ các bài viết từ trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm