Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chữa cười hở lợi, có những phương pháp nào?

Ngày 06/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng cười hở lợi hay cười hở nướu là một trong những khuyết điểm răng miệng nhiều người gặp phải. Với công nghệ nha khoa hiện đại, việc chữa cười hở lợi trở nên dễ dàng và mang lại hiệu quả cao hơn.

Để sở hữu một nụ cười hoàn hảo, bạn không chỉ cần một hàm răng đều, trắng sáng, khỏe mạnh mà các yếu tố về lợi, môi cũng đóng vai trò không nhỏ. Chỉ cần một khuyết điểm nhỏ cũng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt. Trong đó, cười hở lợi là tình trạng rất phổ biến.

Tình trạng cười hở lợi dù không tác động nhiều đến sức khỏe răng miệng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến nụ cười dẫn đến tâm lý tự ti khi giao tiếp. Bên cạnh đó, cười hở lợi theo tiêu chuẩn nhân tướng học còn bị đánh giá là không tốt. Vì thế, việc chữa cười hở lợi được rất nhiều người quan tâm.

Thế nào là cười hở lợi?

Khi cười chúng ta thường để lộ hàm răng và một phần lợi (nướu). Tuy nhiên trong một số trường hợp, phần nướu lộ ra nhiều trên 3mm hoặc lợi che hết thân răng khi cười khiến nụ cười trở nên kém duyên. Đó chính là tình trạng cười hở lợi (cười hở nướu).

Cười hở lợi là gì? Nguyên nhân và cách chữa cười hở lợi 1
Cười hở lợi ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ

Xét trên phương diện y khoa thì cười hở lợi không phải là bệnh lý và không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, về mặt thẩm mỹ tình trạng này lại khiến người bị hở lợi mất tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cười hở lợi rất đa dạng, tùy theo nguyên nhân và mức độ bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chữa cười hở lợi phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân cười hở lợi thường gặp:

  • Do răng: Thường gặp ở những người có răng ngắn hơn bình thường nên khi cười dù cơ môi nâng lên ở mức độ bình thường thì lợi vẫn bị hở ra nhiều
  • Do môi: Trong một số trường hợp dù tỷ lệ răng và lợi cân đối nhưng do môi bị kéo cao hơn thì vẫn để lộ nhiều phần lợi.
  • Do xương hàm: Cười hở lợi có thể do một số bất thường ở xương hàm như xương ổ răng quá dày, gồ ghề hay vòm xương hàm phát triển quá mạnh dẫn đến sai khớp cắn.
  • Do nướu: Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng cười hở lợi chính là do nướu răng. Trong đó phải kể đến tình trạng nướu dài và dày, phì đại nướu do viêm nướu kéo dài, nướu dài và bám thấp,...

Các mức độ cười hở lợi

Ngoài nguyên nhân thì phác đồ chữa cười hở lợi cũng phụ thuộc nhiều vào mức độ thực tế. Tình trạng này gồm nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng gồm:

  • Mức độ nhẹ: Nướu lộ ra nhiều hơn 3mm khi cười nhưng ít hơn 25% tổng chiều dài răng.
  • Mức độ trung bình: Phần nướu hở ra khi cười chiếm từ 25 đến dưới 50% chiều dài răng.
  • Mức độ nặng: Phần mô nướu hở ra từ hơn 50% đến dưới 100% chiều dài răng.
  • Mức độ rất nặng: Phần nướu lộ ra hoàn toàn nhiều hơn 100% chiều dài răng
Cười hở lợi là gì? Nguyên nhân và cách chữa cười hở lợi 2
Để xác định mức độ cười hở lợi, bạn cần được thăm khám và đánh giá bởi bác sĩ có chuyên môn

Phương pháp chữa cười hở lợi

Không cần phẫu thuật

Trước khi lựa chọn chữa cười hở lợi bằng phương pháp nào, bạn cần được thăm khám để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này là gì. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng khoang miệng để tìm nguyên nhân và xem mức độ cười hở lợi. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, bạn nên lựa chọn các cơ sở nha khoa uy tín.

Với các mức độ cười hở lợi nhẹ không quá nghiêm trọng thì phương pháp không phẫu thuật như niềng răng kết hợp đánh lún là phác đồ được ưu tiên hàng đầu. Phương pháp niềng răng kết hợp đánh lún răng không chỉ có tác dụng dịch chuyển răng đúng vị trí mà còn giúp giảm khoảng cách từ vành môi tới cổ răng. Thông thường phác đồ điều trị không phẫu thuật này sẽ kéo dài trong khoảng từ 6 đến 18 tháng. Kết thúc điều trị, hầu hết tình trạng cười hở lợi đều được cải thiện rõ rệt.

Phẫu thuật cười hở lợi

Trường hợp cười hở lợi từ mức độ nặng trở lên, các phương pháp can thiệp phẫu thuật là giải pháp tối ưu. Một số phương pháp phẫu thuật cười hở lợi được sử dụng như:

  • Cắt viền nướu bằng laser kết hợp với làm dài thân răng: Ở những người cười hở lợi nặng, lợi đã phát triển trùm lên thân răng thì chữa cười hở lợi bằng phương pháp niềng răng sẽ không hiệu quả nữa. Lúc này, phương pháp tối ưu là phẫu thuật cắt nướu hay phẫu thuật cắt lợi. Đây là một dạng tiểu phẫu nên thời gian thực hiện ngắn, ít đau và có thể hồi phục sau 2 đến 3 ngày.
  • Phẫu thuật tạo đường viền nướu: Ngoài phương pháp cắt viền nướu thì phương pháp tạo đường viền nướu nhằm loại bỏ lợi thừa, tạo dáng cho răng và lợi mang lại tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, phẫu thuật tạo đường viền nướu rất đơn giản, không gây đau, chảy máu, không cần khâu vết thương nên rất nhanh hồi phục.
  • Phẫu thuật xương hàm: Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp cười hở lợi nặng do xương hàm. Phẫu thuật Lefort được thực hiện bằng cách cắt tiền định hàm, sau đó đưa hàm lùi về phía trong, lên trên. Đồng thời cố định chắc chắn bằng vít titan giúp hàm cân xứng, cải thiện tình trạng hô và cười hở lợi. Phẫu thuật can thiệp xương hàm được đánh giá là phức tạp nhất trong chữa cười hở lợi, không chỉ tốn kém nhiều chi phí mà thời gian hồi phục cũng lâu hơn khoảng 2 đến 4 tuần.
Cười hở lợi là gì? Nguyên nhân và cách chữa cười hở lợi 3
Sau phẫu thuật phần nướu sẽ ít lộ ra ngoài hơn

Tình trạng thường gặp sau khi phẫu thuật chữa cười hở lợi

Hầu hết các phẫu thuật chữa hở lợi không quá phức tạp và ít đau nhưng người bệnh vẫn có thể gặp những tình trạng khó chịu hậu phẫu, thậm chí biến chứng nghiêm trọng như:

  • Bị đau sau khi phẫu thuật từ 2 đến 3 ngày;
  • Chảy máu kéo dài tại vị trí can thiệp;
  • Hạn chế khả năng ăn nhai;
  • Có hiện tượng sưng môi;
  • Nhiễm trùng, viêm nha chu do vệ sinh không sạch sẽ;
  • Rối loạn khớp cắn sau phẫu thuật xương hàm.

Tóm lại, việc chữa cười hở lợi là rất cần thiết giúp bạn lấy lại nụ cười đẹp, tự tin. Tuy nhiên, để tránh các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng,... Đồng thời uống thuốc đầy đủ theo chỉ định để vết thương nhanh lành, tránh nhiễm trùng.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm