Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chức năng của mật và một số bệnh lý thường gặp ở mật không phải ai cũng biết

Ngày 22/05/2024
Kích thước chữ

Mật là một chất dịch lỏng được sản xuất bởi gan, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về các chức năng của mật. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về thành phần cũng như chức năng của mật.

Chức năng của mật là gì? Chắc hẳn không phải độc giả nào cũng có thể giải đáp được câu hỏi này một cách chính xác. Trước khi tìm hiểu về chức năng của mật, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về mật và thành phần của mật bạn nhé.

Tổng quan về mật

Mật hay dịch mật là một chất lỏng trong suốt có màu thay đổi tùy thuộc vào mức độ cô đặc cũng như thành phần của sắc tố chứa đựng, từ màu xanh đến màu vàng. Chất lỏng này được sản xuất tại gan và được dự trữ trong một cơ quan nhỏ hình quả lê, màu xanh xám, nằm ở phần trên phía bên phải và ngay dưới gan được gọi là túi mật.

Mật là chất dịch có màu xanh hoặc vàng, chứa muối mật cùng nhiều chất khác tạo nên môi trường pH trung tính dao động trong khoảng từ 7 - 7,7. Dịch mật được sản xuất và bài tiết bởi gan, sau đó đưa vào đường mật, theo đường mật đổ vào quãng đoạn 2 của tá tràng để tham gia vào quá trình tiêu hoá thức ăn.

Các thống kê nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi ngày, cơ thể tiết ra khoảng 600 - 1 lít dịch mật. Lượng dịch mật tiết ra nhiều hơn hay ít hơn tuỳ thuộc vào lượng muối mật tồn tại trong tuần hoàn gan ruột. Khi gan bài tiết dịch mật quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể thì dịch mật dư thừa sẽ được chuyển đến dự trữ tại túi mật để sử dụng khi cần thiết.

Chức năng của mật và một số bệnh lý thường gặp ở mật không phải ai cũng biết 1
Mật là chất dịch được sản xuất bởi gan và được dự trữ trong túi mật

Thành phần và chức năng của các thành phần có trong mật

Trước khi tìm hiểu về chức năng của mật thì hãy cùng Nhà thuốc tìm hiểu xem các thành phần có trong mật và chức năng của chúng trong mật. Vậy mật bao gồm các thành phần nào?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mật được cấu thành từ 3 thành phần chính đó là muối mật, cholesterol và sắc tố mật. Các thành phần này đều được sản xuất bởi tế bào gan, hoà trộn với nhau tạo thành dịch mật từ đó giúp xúc tác quá trình tiêu hoá đồng thời hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Muối mật

Muối mật là thành phần chiếm lượng lớn thể tích trong dịch mật. Đây cũng là thành phần duy nhất của mật có tác dụng tiêu hóa thức ăn, giúp cơ thể hấp thu các sản phẩm của lipid bao gồm cholesterol, monoglyceride acid béo và lipid ở ruột non. Ngoài ra, muối mật còn có khả năng hấp thu và vận chuyển các vitamin tan trong dầu, bao gồm vitamin A, vitamin E, vitamin D và vitamin K.

Lượng muối mật trong tuần hoàn cơ thể cũng là một trong những yếu tố quyết định đến lượng dịch mật mà gan tạo ra.

Cholesterol

Cholesterol cũng là thành phần quan trọng của mật bởi đây không chỉ là nguyên liệu để sản xuất muối mật mà đây cũng là sản phẩm tiêu hóa của lipid cơ thể tiêu thụ và hấp thu nhờ dịch mật.

Đặc tính của cholesterol là không tan trong nước song dưới sự nhũ hoá của lecithin trong muối mật, cholesterol không bị kết tủa. Thực tế cho thấy, lượng chất béo cơ thể hấp thụ mỗi ngày chính là yếu tố quyết định đến lượng cholesterol có trong dịch mật. Do đó, nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều chất béo trong thời gian dài, nồng độ cholesterol cao sẽ có nguy cơ kết tủa và hình thành nên sỏi mật.

Sắc tố mật

Sắc tố mật có nguồn gốc từ các tế bào Kupffer và tế bào liên võng của gan sản xuất ra từ protein hemoglobin - sản phẩm của quá trình tiêu huỷ hồng cầu ở gan.

Tuy sắc tố mật không có tác dụng tiêu hoá thức ăn nhưng ở ruột một phần bilirubin liên hợp, chịu tác động của hệ vi sinh đường ruột chuyển thành stercobilin - chất tạo nên sắc tố vàng của dịch mật, có khả năng nhuộm vàng dịch hoặc chất có chứa nó.

Stercobilin trong dịch mật tham gia vào hoạt động tiêu hoá thức ăn, một phần bám lại trong sản phẩm tiêu hoá do vậy mà phân của chúng ta bình thường sẽ có màu vàng. Trong trường hợp sắc tố mật bị ứ đọng do xơ gan, tắc mật, phân sẽ mất đi màu vàng và đây chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý liên quan đến mật.

Chức năng của mật và một số bệnh lý thường gặp ở mật không phải ai cũng biết 2
Mật được cấu thành bởi những thành phần nào

Chức năng của mật

Chức năng của mật là gì? Như đã trình bày ở trên, mật hay dịch mật đảm nhận chức năng chính là hỗ trợ quá trình tiêu hoá thức ăn và hấp thu dưỡng chất từ nguồn tức ăn mà cơ thể nạp vào. Chức năng này của dịch mật được thực hiện cụ thể như sau:

  • Mật kích thích sự sản sinh men tiêu hoá có trong dịch tụy và dịch ruột đồng thời hoạt hoá các men này nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hoá các thành phần dưỡng chất trong thức ăn.
  • Mật kích thích hoạt động của nhu động ruột từ đó tạo môi trường kiềm trong ruột, kiểm soát ngăn ngừa sự tấn công của các vi khuẩn vào phần trên của ruột non.
  • Ngoài ra, khi mật được cơ thể đẩy xuống tá tràng, mật sẽ giúp hỗ trợ tiêu hoá chất béo cùng các loại vitamin tan trong dầu.

Bên cạnh chức năng chính là hỗ trợ quá trình tiêu hoá, mật còn đảm nhận chức năng hỗ trợ loại bỏ các sản phẩm thoái hoá của hồng cầu. Sản phẩm thoái hoá của hồng cầu sẽ được chuyển thành sắc tố mật trong mật, tạo nên màu sắc đồng thời tham gia vào hỗ trợ cho hoạt động của hệ tiêu hoá.

Chức năng của mật và một số bệnh lý thường gặp ở mật không phải ai cũng biết 3
Chức năng của mật là hỗ trợ tiêu hoá thức ăn và hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể

Một số bệnh lý thường gặp ở mật dịch mật

Có thể thấy rằng, dịch mật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hoá và hấp thu các dưỡng chất để duy trì các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Chính vì thế, bất cứ bất thường nào ở mật đều có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm.

Một số bệnh lý thường gặp ở mật có thể kể đến như:

  • Sỏi mật: Sỏi mật hình thành khi các chất bài tiết trong mật hoặc các chất ly gián từ máu lắng đọng và kết tủa. Ban đầu, sỏi mật chỉ có thể nhỏ như hạt cát song theo thời gian, kích thước sỏi ngày một tăng, thậm chí nhiều trường hợp kích thước lớn như quả bóng golf.
  • Viêm túi mật: Viêm túi mật là một trong những bệnh lý thường gặp, có thể biểu hiện như một đợt viêm cấp hoặc mãn tính tại túi mật. Khi mắc viêm túi mật, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau phía trên bên phải hoặc giữa ổ bụng, sốt, buồn nôn, nôn, vàng da…
  • Apxe túi mật: Áp xe túi mật là hậu quả của quá trình viêm mủ túi mật kéo dài không được điều trị. Sự tích tụ các tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn hình thành nên dịch mủ. Người bệnh mắc áp xe túi mật không chỉ phải đối diện với các cơn đau giống viêm túi mật mà người bệnh còn bị sốt cao, lờ đờ, hốc hác, lạnh run, môi khô lưỡi bẩn…
  • Vỡ túi mật: Vỡ túi mật là một biến chứng của sỏi mật xảy ra khi sỏi mật không được điều trị, tăng dần về kích thước gây viêm cấp tính hoặc viêm mạn tính kéo dài khiến thành túi mật bị tổn thương, mất đi tính vững chắc.
Chức năng của mật và một số bệnh lý thường gặp ở mật không phải ai cũng biết 4
Sỏi mật là một trong những bệnh lý thường gặp ở mật

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về mật mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến quý độc giả. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc có thể hiểu hơn về thành phần và chức năng của mật đồng thời nắm được một số bệnh lý thường gặp ở mật. Mong rằng, bạn sẽ luôn dõi theo và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin