Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chứng dễ bị kích động: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý phù hợp

Ngày 04/11/2023
Kích thước chữ

Chứng dễ bị kích động là trạng thái mà tâm lý người bệnh bị hưng phấn quá mức. Hội chứng này thường xuất hiện một cách đột ngột, không thích hợp với hoàn cảnh, không có mục đích rõ ràng và thường mang tính chất phá hoại gây thiệt hại về người và của.

Chứng dễ bị kích động là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy xấu và gây nguy hiểm. Vậy chứng dễ bị kích động là gì? Làm thế nào để nhận biết những biểu hiện và có được phương pháp xử lý phù hợp nhất? Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về hội chứng này nhé!

Chứng dễ bị kích động là gì?

Kích động (Excited Delirium) là một hội chứng tương đối hiếm gặp, được đặc trưng bởi sự kích động, hung hãn quá mức bình thường. Trong một vài trường hợp nhất định, người bệnh sẽ có biểu hiện gia tăng thân nhiệt (sốt) hoặc có biểu lộ hành vi, cử chỉ kỳ quặc. Mặc dù đây là một tình trạng rất hiếm, tuy nhiên những người bị kích động thường được chẩn đoán sai, thậm chí là họ thường phải chấp nhận đối diện với cái chết trước khi nhận được sự điều trị đúng cách.

Việc chẩn đoán hội chứng dễ bị kích động thường khá khó khăn vì Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Phân loại Bệnh học Quốc tế vẫn chưa công nhận trạng thái kích động là một triệu chứng bệnh học. Rất nhiều chuyên gia cho rằng kích động là một tình trạng có liên quan đến hội chứng thần kinh ác tính với phản ứng do chất kích thích. Mặc dù thiếu các tiêu chuẩn để chẩn đoán theo y tế, các trường hợp kích động vẫn nên được các chuyên gia nhận ra và có phương pháp điều trị phù hợp.

Chứng dễ bị kích động: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý phù hợp 1
Kích động là một trạng thái tâm lý hiếm gặp và thường khó khăn trong việc chẩn đoán

Có rất nhiều triệu chứng về hành vi, thể chất và tâm lý liên quan đến kích động. Mặc dù không cần phải có tất cả các triệu chứng để chẩn đoán nhưng tình trạng kích động có thể dẫn đến tử vong nếu không được nhận biết và điều trị nhanh chóng. Theo đó, các triệu chứng thường xuất hiện ở người gặp phải chứng dễ bị kích động bao gồm:

  • Hung hăng quá mức trong hành vi, điều này được biểu hiện bằng cách hét lớn hay có các hành động bạo lực.
  • Tâm trạng bối rối không thể ngồi yên được và có xu hướng biểu hiện bằng các hành động như: Đi tới đi lui, di chuyển môi, tay lắc lư, lưỡi đánh liên tục...
  • Một số trường hợp họ bị lo lắng quá mức không khác gì bị hoảng loạn.
  • Có tính hiếu chiến bởi các biểu hiện như: Tính chiến đấu, khả năng chịu đau rất cao và người khác khó có thể chống lại được kể cả lực lượng chức năng.
  • Mê sảng đi kèm với các dấu hiệu đặc trưng như bị sốt, mất định hướng và hành vi kỳ quặc.
  • Chứng dễ bị kích động thường khiến người ta hoang tưởng rằng mình đang bị theo dõi hay có ai đó đang cố tìm cách để hại mình. Điều này khiến cho họ luôn nghi ngờ và không muốn hợp tác với người khác, dễ xảy ra các hành vi bạo lực để tự bảo vệ mình.
  • Vì bị mất định hướng nên kích động thường sinh ra hành vi khó hiểu, họ không biết mình đang ở đâu, đang làm gì và hầu như không có ý thức trong khi hành động.
  • Thể chất người dễ bị kích động có khả năng chịu đựng cao hơn người bình thường.
  • Sốt cao, cảm thấy nóng trong người nên cố gắng làm mát cơ thể bằng cách loại bỏ lớp quần áo hoặc tìm kiếm nước lạnh hoặc nước đá.
  • Sinh ra ảo giác khi nghe hoặc nhìn thấy những điều không có thật trong thực tế và dễ dẫn đến ảo tưởng hay có hành vi bạo lực.
  • Có hành vi lạ: Vì không phải tất cả người mắc chứng dễ bị kích động đều có biểu hiện giống nhau nên do đó không thể đoán trước hành vi của từng người được.
  • Mồ hôi ra nhiều khi cơ thể bị kích động quá mức và các phản ứng sinh lý trong cơ thể không dễ kiểm soát được.
  • Có những hành vi bạo lực đối với người khác và thậm chí là với cả chính mình.
Chứng dễ bị kích động: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý phù hợp 2
Người mắc chứng dễ bị kích động thường có các hành vi kỳ quặc, khó hiểu

Nguyên nhân dẫn đến dễ bị kích động

Cho đến hiện tại, nguyên nhân chính xác dẫn đến chứng dễ bị kích động vẫn chưa được biết rõ. Trong hầu hết các trường hợp thường là do họ đã sử dụng một loại thuốc kích thích mà phổ biến nhất là cocaine. Bên cạnh đó, một số tác nhân có thể dẫn đến tình trạng kích động bao gồm:

Máu

Theo các nghiên cứu trong máu của những người đã tử vong vì kích động thì sự hiện diện của thuốc kích thích hoặc rượu là thường gặp nhất. Hầu hết những người dễ bị kích động thường không lạm dụng hay dùng quá liều cocaine, nhưng cơ thể họ đã sinh ra một phản ứng bất thường với cocaine. Khi phân tích trên các bệnh nhân này, một chất chuyển hóa cocaine có tên là benzoylecgonine có nồng độ cao hơn đáng kể so với bình thường. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng cocaine có thể là tác nhân khiến cho một người bị kích động dễ tử vong hơn.

Mức độ truyền thần kinh

Những người bị kích động thường có thay đổi về sự dẫn truyền thần kinh hơn so với người bình thường. Sự xuất hiện các chất kích thích trong cơ thể họ có chức năng như một chất ức chế tái hấp thu dopamin, vì thế chúng làm tăng nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh ở bên ngoài tế bào. Đây là lý do có thể dẫn đến nhiều đặc điểm tương đồng với những triệu chứng dương tính của tâm thần phân liệt như ảo giác.

Di truyền

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng protein c-Fos có thể gây nên tình trạng rối loạn chức năng dopamine tương tự như hậu quả của việc lạm dụng ma túy và căng thẳng sinh lý. Một số dạng di truyền nhất định có khả năng làm chức năng của c-Fos thay đổi nên một số người thường dễ bị kích động hơn người bình thường.

Bệnh tâm thần

Một số bệnh tâm thần cũng có thể gây nên trạng thái kích động như: Trầm cảm, hưng cảm hay tâm thần phân liệt. Ngoài ra, hội chứng dễ bị kích động cũng thường hay gặp ở một số người có nhân cách bùng nổ và chống đối xã hội. Người dễ bị kích động hay có hành vi đập phá và phá hủy tất cả những gì có trong tầm tay. 

Chứng dễ bị kích động: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý phù hợp 3
Người bị trầm cảm cũng có khả năng dẫn đến trạng thái kích động

Phương pháp xử lý phù hợp

Trong hầu hết các trường hợp dễ bị kích động đều dễ gây nên những hậu quả nguy hiểm khó có thể lường trước. Do đó, ngay khi thấy người có trạng thái kích động thì thái độ cần thiết là phải thật bình tĩnh, nhẹ nhàng và không nên để xảy ra tình trạng bị kích thích thêm. Song song với đó, hãy nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế để được xử trí phù hợp và hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong trường hợp này, phải dùng đến biện pháp tâm lý để khuyên nhủ và động viên người bị kích động nặng đến bệnh viện, nếu như họ không chịu hợp tác thì phải nhờ thêm các người khác hỗ trợ.

Việc tự mình tìm ra nguyên nhân khiến bản thân bị kích động có thể khó khăn, vì vậy sẽ cần sự hỗ trợ của bác sĩ thần kinh hoặc nhà tâm lý học. Dựa trên những câu hỏi về lối sống, tiền sử bệnh và các triệu chứng gặp phải của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán. Tùy vào từng tình huống cụ thể, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Nếu chứng dễ bị kích động xuất phát từ tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn thì bác sĩ sẽ giới thiệu đến gặp chuyên gia tâm thần để được đánh giá chính xác hơn.
  • Trường hợp dễ bị kích thích xuất phát từ tình trạng thể chất thì bệnh nhân có thể được tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán như: Xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp CT, chụp MRI... 
Chứng dễ bị kích động: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp xử lý phù hợp 4
Người bị kích động nên được đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra và đánh giá kịp thời

Mong rằng những chia sẻ về chứng dễ bị kích động trên hữu ích với bạn đọc. Cảm ơn bạn đã luôn theo dõi và lựa chọn Nhà thuốc Long Châu là điểm dừng chân của mình. Đừng quên đón xem nhiều thông tin sức khỏe khác tại website Nhà thuốc nữa nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin