Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chuột rút bàn chân: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ

Chuột rút không phải hiện tượng hiếm gặp và thường gây ra những đau đớn không mong muốn cho người bị. Chuột rút bàn chân cũng là một dạng chuột rút khá phổ biến hiện nay.

Đôi khi tình trạng chuột rút khi ngủ diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vậy chuột rút bàn chân là gì và nên làm như thế nào khi hay bị chuột rút ở bàn chân? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé.

Chuột rút bàn chân là gì?

Bàn chân là nơi tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng của cơ thể và bất cứ bộ phận nào trong bàn chân đều có thể bị thương trong quá trình luyện tập thể thao hay những hoạt động sống hàng ngày.

Chuột rút bàn chân là hiện tượng các cơ dưới bàn chân vì nguyên nhân nào đó bị co thắt mạnh, đột ngột dẫn đến những cơn đau và khiến người bị không khỏi khó chịu. Thực tế cho thấy, bàn chân là nơi dễ bị chuột rút nhất trên cơ thể, và điều này cũng tương tự đối với đùi và bắp chân.

Chuột rút bàn chân nguyên nhân và cách phòng tránh 1

Chuột rút bàn chân xảy ra khi các cơ bàn chân bị co thắt đột ngột

Các cơ bàn chân khi bị chuột rút sẽ không tự chủ co vào hay giãn ra được. Đối tượng hay bị chuột rút ở bàn chân nhất phải kể đến những người tập luyện thể thao, vận động viên, người lớn tuổi hay người có nguy cơ béo phì, người lười vận động.

Bị chuột rút ở bàn chân hiếm khi gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng nào nhưng nếu lặp lại quá nhiều lần sẽ không tránh khỏi gây ra cảm giác khó chịu, bất tiện trong cuộc sống thường ngày. Bạn vẫn nên tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý chuột rút bàn chân một cách lâu dài để tạm biệt tình trạng này sớm nhé.

Nguyên nhân và triệu chứng khi bị chuột rút bàn chân

Nguyên nhân

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chuột rút bàn chân bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, đây cũng được xem là hiện tượng bình thường của cơ thể mà không phải do nguyên nhân nào cả. Một số nguyên nhân phổ biến chuột rút ở bàn chân như:

  • Vận động quá sức trong thời gian dài: Nguyên nhân này thường gặp ở những vận động viên hay những người tập thể dục thể thao quá sức khiến cho cơ chân và cơ bàn chân bị chấn thương, mệt mỏi và gây ra những cơn đau do chuột rút vào ban đêm.
  • Máu lưu thông kém: Lượng máu lưu thông xuống bàn chân không đủ cũng là nguyên nhân khiến các cơ hay bị co cứng và gây ra chuột rút bàn chân. Đặc biệt ở những người có cường độ luyện tập cao hoặc hoạt động nhiều mà máu không lưu thông xuống chân kịp thời sẽ dẫn đến các cơ và tế bào thiếu oxy, gây ra chấn thương, đau cơ dẫn đến chuột rút ở bàn chân.
  • Tâm trạng căng thẳng ở trạng thái lo lắng: Việc này dẫn đến các hormone trong cơ thể bị mất cân bằng và dẫn đến những cơn chuột rút bàn chân không mong muốn.
  • Thiếu hụt lượng lớn khoáng chất: Chế độ ăn không đủ chất, tập luyện nhiều gây mất cân bằng điện giải nhưng không bổ sung bù sau đó hay tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng khiến cho bạn dễ bị chuột rút ở bàn chân hơn đấy.
  • Quá ít vận động: Những người thường xuyên ngồi nhiều và ít có thời gian để vận động như những nhân viên văn phòng sẽ có nguy có bị chuột rút ở bàn chân cao hơn những người khác đấy. Nếu bạn đang làm một công việc cần ngồi lâu một chỗ thì hãy tranh thủ đứng lên đi lại, thực hiện vài động tác vặn cơ cơ bản để tăng lưu thông máu và chống chuột rút bàn chân nhé.

Chuột rút bàn chân nguyên nhân và cách phòng tránh 2

Thường xuyên căng thẳng, lo lắng gây ra chuột rút bàn chân

Triệu chứng

Dấu hiệu nhận biết đó là hiện tượng chuột rút ở bàn chân nhanh nhất là khi bạn cảm nhận được những cơn đau như co thắt mạnh phần cơ dưới bàn chân và gần như không thể kiểm soát các cơ của mình, đó chính là chuột rút bàn chân. Thường thì những cơn co rút cơ bắp này sẽ diễn ra trong khoảng vài chục giây đến vài phút. Nếu chúng diễn ra lâu hơn, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra nhé.

Nên làm gì khi bị chuột rút bàn chân?

Khi bị chuột rút bàn chân, bạn không nên quá lo lắng hay sợ hãi mà có thể thực hiện các cách xử lý nhanh dưới dây để giảm thiểu đau đớn nhé: 

  • Duỗi căng cơ chân hết mức có thể: Dù sẽ gây ra những đau đớn tạm thời nhưng nếu bạn kéo căng cơ bàn chân khi bị chuột rút, các cơ sẽ được giãn ra và hạn chế tái phát. Sau khi đã kéo căng cơ bàn chân, bạn tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng, có thể kết hợp thêm dầu nóng để các cơ được thư giãn hơn, tăng cường lưu thông máu đến chân.
  • Chườm nhiệt giảm chuột rút bàn chân: Chườm nóng hay chườm lạnh đều đem lại kết quả hạn chế hiện tượng hay bị chuột rút ở bàn chân rất tốt. Nếu không có những túi chườm sẵn, bạn có thể thay bằng khăn bông mềm và thấm nước nóng/nước đá rồi áp nhẹ lên vùng bị chuột rút. Hãy lặp lại đến khi cơn chuột rút bàn chân giảm bớt nhé. Phương pháp này không những giúp giảm đau do bị chuột rút ở bàn chân mà còn giúp các cơ được thư giãn, nghỉ ngơi, ngăn ngừa tình trạng trên tái phát.

Cách phòng tránh chuột rút ở bàn chân hiệu quả

  • Luôn uống đủ lượng nước cần thiết: Đối với người trưởng thành cần ít nhất từ 2 – 2.5 lít nước/ngày và nếu bạn thường xuyên tập thể thao thì hãy uống thêm nước bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra để làm mát cơ thể nhé. Ngoài ra, bạn cũng không nên uống một lần quá nhiều nước mà nên chia ra từng ngụm nhỏ và uống suốt cả ngày sẽ tốt hơn đấy.
  • Khởi động kỹ và căng cơ sau khi tập luyện: Có rất nhiều trường hợp hay bị chuột rút bàn chân, thậm chí gặp chấn thương nghiêm trọng là do việc coi nhẹ các động tác khởi động trước tập và căng cơ sau tập. Trước khi ngủ bạn cũng có thể làm một vài động tác căng cơ để có giấc ngủ ngon hơn, tránh bị chuột rút ở bàn chân vào ban đêm.
  • Hạn chế stress: Giải tỏa căng thẳng không những là cách phòng chống chuột rút bàn chân mà còn giúp bạn luôn giữ được tinh thần tươi vui, phấn chấn trong cuộc sống.
  • Tăng cường chế độ ăn uống giàu canxi, kali: Ăn nhiều hơn nữa những thực phẩm giàu canxi và kali như hải sản, khoai lang, sữa chua,… cũng là cách giúp bạn ngăn ngừa cũng như điều trị chuột rút bàn chân hiệu quả.

Chuột rút bàn chân nguyên nhân và cách phòng tránh 3

Bạn nên khởi động kỹ trước khi tập luyện để tránh chuột rút

Chuột rút bàn chân không phải bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe nên bạn không cần quá lo lắng khi gặp tình trạng này. Nếu hiện tượng bị chuột rút ở bàn chân xảy ra kèm theo những dấu hiệu bất thường khác của cơ thể, bạn nên đến cơ sở y tế sớm nhất để chẩn đoán kịp thời nhé. 

Hồng Nhung 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin