Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chụp CT phổi là gì? Cần biết gì trước khi chụp CT phổi?

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Phương pháp chụp CT phổi hay chụp cắt lớp vi tính phổi là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu ích. Chụp CT phổi có thể thực hiện trên nhiều bệnh viện, từ bệnh viện tuyến trung ương đến bệnh viện tuyến tỉnh. Phương pháp thăm dò này giúp bác sĩ đánh giá chức năng phổi cũng như chẩn đoán xác định bệnh về phổi, đặc biệt các trường hợp ung thư phổi. Vậy bệnh nhân cần biết gì trước khi chụp CT phổi? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Chụp CT phổi là kỹ thuật thăm dò hình ảnh hiện đại được sử dụng phổ biến. Chụp CT phổi có thể giúp bác sĩ phát hiện và chẩn đoán bệnh lý phổi từ giai đoạn sớm, từ đó có những phác đồ điều trị và can thiệp kịp thời.

Chụp CT phổi được chỉ định với hầu hết bệnh nhân có nguy cơ và yếu tố thúc đẩy bệnh phổi, đặc biệt là ung thư phổi, với nhiều ưu điểm và gần như không chống chỉ định với đối tượng người bệnh nào. Vậy bạn cần biết gì và chuẩn bị gì trước khi chụp CT phổi?

Chụp CT phổi là gì?

Chụp CT phổi hay chụp cắt lớp vi tính phổi là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn. Đây là một phương pháp đơn giản, không gây khó chịu hay đau đớn cho người bệnh. Khi người bệnh được quét bởi máy chụp CT, máy sẽ sử dụng những tia X liều thấp, an toàn để tầm soát phổi. 

Sau đó, máy chụp CT sẽ ghi lại những dữ liệu này, chuyển lên màn phim giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và đánh giá. Ảnh thu được có thể in phim 2D hoặc dựng hình 3D, nhờ vào công cụ xử lý máy tính hiện đại. Nhờ đó, bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và chẩn đoán tổn thương hoặc bệnh lý phổi nếu có.

Phương pháp chụp CT phổi ngày càng trở nên phổ biến, áp dụng rộng rãi trong quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh, đặc biệt hỗ trợ tối đa trong điều trị ung thư phổi. Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm, xếp vị trí hàng đầu theo WHO - Tổ chức y tế thế giới phân loại.

Đối tượng chỉ định chụp CT phổi

Đối tượng dưới đây cần được chỉ định chụp CT phổi, bao gồm:

  • Người có tiền sử bị ung thư phổi.
  • Người đã khỏi các bệnh lý về phổi nhưng có nguy cơ tái phát cao, cần theo dõi định kỳ.
  • Người có gia đình có tiền sử bị ung thư phổi.
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi kẽ, viêm phế quản phổi nặng và các bệnh lý khác liên quan tới phổi.
  • Người xuất hiện triệu chứng báo hiệu bệnh lý vùng phổi hoặc vùng trung thất như ho ra máu, khó thở, khó nuốt… chưa tìm ra nguyên nhân.
  • Người tiếp xúc thường xuyên với tác nhân gây ung thư đã được ghi nhận như radon, amiăng, chất phóng xạ, bụi mịn…
  • Người có tiền sử hút thuốc từ 30 gói trở lên (tức là khoảng một bao thuốc một ngày trong 30 năm hoặc tương tự), đặc biệt chú ý ở đối tượng trên 50 tuổi.
  • Người gặp chấn thương vùng ngực hoặc trung thất, nghi ảnh hưởng tới phổi và tim.
Chụp CT phổi là gì? Cần biết gì trước khi chụp CT phổi? 2 Chụp CT phổi giúp phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm

Tại nước ta, ghi nhận ung thư phổi là nhóm ung thư phổ biến thứ hai sau ung thư gan với tỷ lệ mắc phải là 14,4%. Tuy nhiên, ung thư phổi lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của nam giới, nhiều hơn tổng số tử vong do ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng và ung thư vú cộng lại.

Phát hiện sớm ung thư là tiêu chí hàng đầu trong điều trị ung thư. Cơ hội sống sót của người bệnh giảm dần khi khối u to từ 3cm trở lên. Đồng thời, nếu ung thư phổi đã lan tới những khu vực khác của cơ thể thì tỷ lệ sống sót sẽ giảm từ 70% khi ung thư được phát hiện sớm xuống còn 5%, khi ung thư đã phát triển và di căn.

Chính vì vậy, chụp cắt lớp phổi sẽ giúp phát hiện những nốt rất nhỏ, cỡ 2 - 3mm. Điều này giúp bác sĩ phát hiện khối u ở giai đoạn sớm. Từ đó, bệnh nhân có thể được phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính khi chúng còn nhỏ, chưa di căn sang bộ phận khác của cơ thể. Đồng thời, tăng cơ hội sống cho người mắc ung thư.

Ưu điểm và nhược điểm của chụp CT

Ưu điểm

Hiện nay, chụp CT phổi là một trong những kỹ thuật thăm dò hình ảnh nhạy nhất với ung thư phổi. Không giống như chụp X-quang ngực thông thường, chụp cắt lớp phổi cho phép đánh giá hình ảnh phổi trên đa mặt phẳng, giúp phát hiện sớm ung thư phổi nếu có. 

Không chỉ vậy, nhờ công nghệ hiện đại, hình ảnh phổi được dựng hình 3D giúp bác sĩ đánh giá sự phát triển của khối u theo mọi hướng. Ngoài ra, chụp CT phổi là một phương pháp không xâm lấn, dễ thực hiện và người bệnh không cần chuẩn bị nhiều trước khi thực hiện.

Chụp CT phổi là gì? Cần biết gì trước khi chụp CT phổi? 3 Chụp CT phổi là phương pháp hiện đại với nhiều ưu điểm 

Nhược điểm của chụp CT phổi

Tuy phương pháp nào cũng có hạn chế, nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp nằm trong giới hạn cho phép. Một số hạn chế như:

  • Người bệnh khi chạy qua máy chụp cắt lớp có thể chịu một lượng bức xạ nhỏ, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ có phụ nữ trong thai kỳ được khuyến cáo không nên chụp CT phổi nếu không cần thiết.
  • Người bệnh có thể mẫn cảm với thuốc cản quang sử dụng trong quá trình chụp chiếu, gây ra triệu chứng như phát ban, ngứa ngáy…

Vì vậy, để tránh những tác dụng không mong muốn, kỹ thuật chụp CT phổi cần được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và được tiến hành dưới sự giám sát của kỹ thuật viên.

Chuẩn bị gì trước khi chụp CT phổi?

Người bệnh không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi tiến hành chụp chiếu, lưu ý một số điểm như sau:

  • Người bệnh cần khai báo đầy đủ về tình trạng dị ứng, kháng nguyên gây dị ứng trong quá khứ với nhân viên y tế, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về các loại thuốc đang sử dụng.
  • Người bệnh cần thử test dị ứng thuốc cản quang trước khi tiêm thuốc chụp.
  • Nếu bạn không dị ứng với thuốc cản quang và được chỉ định tiêm thuốc trước khi chụp, bạn cần nhịn ăn khoảng 4 - 6 giờ trước khi chụp.
  • Tránh thực hiện chụp CT phổi nếu bạn đang mang thai, đặc biệt trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ, có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
  • Trước khi chụp cần tháo hết các loại đồ vật bằng kim loại. Hoặc nếu có vật dụng kim loại không tháo được như máy trợ tim thì cần báo với nhân viên y tế.
  • Trong quá trình chụp cần tuân thủ theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên, bao gồm hít thở sâu, nằm yên, thay đổi tư thế theo hướng dẫn.
Chụp CT phổi là gì? Cần biết gì trước khi chụp CT phổi? 4 Người bệnh cần làm theo hiệu lệnh trong quá trình chụp chiếu

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Cần biết gì trước khi chụp CT phổi?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Chụp CT phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và được thực hiện phổ biến tại nhiều bệnh viện.

Chụp CT phổi giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý về phổi từ giai đoạn sớm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bệnh ung thư phổi - nhóm ung thư phổ biến thứ hai tại Việt Nam. Trước khi chụp CT phổi, người bệnh không cần chuẩn bị nhiều, quá trình chụp CT tiến hành vô cùng nhanh gọn và người bệnh có thể về ngay trong ngày.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin