Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Có các loại xuất huyết não nào và cách chẩn đoán thế nào?

Thu Thủy

05/12/2024
Kích thước chữ

Các loại xuất huyết não thường sẽ có mức độ nguy hiểm và tiên lượng khác nhau. Nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời thì tình trạng xuất huyết não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Xuất huyết não là tình trạng xảy ra khi các mạch máu não bị vỡ làm cho máu chảy vào nhu mô não và hình thành nên các khối máu tụ gây tổn thương não. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tùy vào từng trường hợp và các loại xuất huyết não mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não hay xuất huyết nội sọ là một dạng đột quỵ xảy ra khi máu chảy bên trong não, thường được gọi là đột quỵ xuất huyết não. Nguyên nhân có thể do tình trạng tăng huyết áp kéo dài, dị dạng hoặc phình mạch máu não, tai nạn té ngã hoặc chấn thương làm vỡ mạch máu trong não. Máu chảy có thể ứ đọng và tích tụ trong não và hộp sọ, hình thành các khối máu tụ chèn ép lên não. Điều này có thể làm gián đoạn quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô và tế bào não, dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng.

Các loại xuất huyết não: Phân loại cụ thể và cách chẩn đoán 1
Xuất huyết não là một dạng đột quỵ xảy ra khi máu chảy bên trong não

Tất cả các trường hợp xuất huyết não rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu kịp thời. Khi bị thiếu oxy, các tế bào não có thể bị tổn thương rất nhanh và chết hàng loạt. Xuất huyết não được phân loại dựa trên vị trí xảy ra, bao gồm hai nhóm chính:

  • Xuất huyết trong hộp sọ nhưng bên ngoài mô não.
  • Xuất huyết xảy ra trực tiếp trong mô não.

Các loại xuất huyết não bên trong hộp sọ nhưng ngoài nhu mô não

Các loại xuất huyết não xảy ra trong hộp sọ nhưng bên ngoài mô não được phân loại như sau:

Xuất huyết ngoài màng cứng

Xuất huyết ngoài màng cứng xảy ra khi máu chảy giữa màng cứng (lớp màng não ngoài cùng) và hộp sọ, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chấn thương. Tình trạng chảy máu thường không lan qua các đường khâu của hộp sọ, do màng cứng được gắn chặt vào hộp sọ ở những vị trí này.

Khoảng 20 - 50% trường hợp xuất huyết ngoài màng cứng tỉnh lại sau khi bị bất tỉnh, nhưng ý thức có thể dần chuyển biến xấu đi sau đó. Nếu khối máu tụ lớn, các biến chứng nguy hiểm như thoát vị đường giữa, thoát vị dưới liềm não có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng mất ý thức và thậm chí tử vong.

Đối với xuất huyết ngoài màng cứng kèm khối máu tụ lớn, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ máu đông. Đối với những trường hợp xuất huyết ở mức độ nhẹ đến trung bình, có thể cần áp dụng phương pháp thuyên tắc động mạch màng não giữa để điều trị.

Xuất huyết dưới màng cứng

Xuất huyết dưới màng cứng xảy ra khi máu rò rỉ vào khoảng không giữa màng cứng và màng nhện (lớp mỏng bên dưới màng cứng). Dựa trên mức độ tiến triển, tình trạng này được chia thành 3 loại như sau:

  • Cấp tính: Xuất huyết dưới màng cứng cấp tính có khả năng tiến triển nhanh chóng, với tỷ lệ tử vong từ 37 - 90%. Những ca bệnh vượt qua nguy kịch có thể đối mặt với tổn thương não vĩnh viễn. Nguyên nhân thường do vấp ngã, va đập vào đầu, tai nạn giao thông hoặc chấn thương vùng cổ.
  • Bán cấp: Dạng xuất huyết này thường phát sinh sau chấn thương đầu, nhưng máu không chảy ngay lập tức mà có thể xuất hiện sau vài ngày đến vài tuần. 
  • Mạn tính: Dạng xuất huyết này tiến triển chậm, thường gặp ở người trên 65 tuổi. Nguyên nhân có thể do sử dụng thuốc chống đông máu, chấn thương nhẹ ở đầu hoặc thay đổi cấu trúc não do tuổi già, chứng mất trí hay lạm dụng rượu.
Các loại xuất huyết não: Phân loại cụ thể và cách chẩn đoán 4
Xuất huyết dưới màng cứng xảy ra khi máu rò rỉ vào khoảng giữa màng cứng và màng nhện

Xuất huyết dưới nhện

Xuất huyết dưới nhện là tình trạng máu tích tụ giữa màng nhện và màng mềm (trên màng mềm và dưới màng nhện). Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương não vĩnh viễn và dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chủ yếu do phình động mạch não, chấn thương đầu hoặc các vấn đề liên quan đến mạch máu và bệnh lý khác. Dấu hiệu đặc trưng là cơn đau đầu dữ dội và khởi phát đột ngột, cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức.

Các loại xuất huyết não bên trong mô não

Các loại xuất huyết não xảy ra bên trong mô não thường được phân thành hai dạng chính:

Xuất huyết nội sọ (ICH)

Xuất huyết nội sọ hay tụ máu nội sọ là hiện tượng máu chảy giữa não và hộp sọ hoặc bên trong mô não. Nguyên nhân chính thường do tình trạng huyết áp cao kéo dài mà không được kiểm soát. Đây cũng chính là nguyên nhân thứ hai gây đột quỵ và khả năng phục hồi sau đột quỵ của loại này thường rất khó khăn.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cần được phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ khối máu tụ, cầm máu từ mạch máu bị tổn thương và giảm áp lực lên não. Việc can thiệp kịp thời sẽ giúp bảo toàn tính mạng và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Xuất huyết não thất

Xuất huyết não thất xảy ra khi máu chảy vào trong các não thất (những khoang nhỏ chứa dịch não tủy trong não). Tình trạng này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các tế bào thần kinh và gây tổn thương não bộ lâu dài. Xuất huyết não thất thường gặp ở trẻ sinh non hoặc trẻ có cân nặng khi sinh thấp, cần được theo dõi và điều trị kịp thời để giảm thiểu các biến chứng tiềm tàng.

Các loại xuất huyết não: Phân loại cụ thể và cách chẩn đoán 3
Xuất huyết não thất thường gặp ở trẻ sinh non hoặc trẻ có cân nặng thấp khi sinh

Cách chẩn đoán phân biệt từng loại xuất huyết não

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán và phân biệt các loại xuất huyết não. Dưới đây là một số đặc điểm cụ thể như:

  • Xuất huyết ngoài màng cứng: Khi áp lực nội sọ tăng cao, bệnh nhân có thể xuất hiện phản ứng Cushing với biểu hiện như huyết áp tăng, nhịp tim chậm và thở chậm. Trên phim chụp CT không cản quang, xuất huyết ngoài màng cứng thường có hình ảnh đặc trưng là khối mờ dạng thấu kính lồi hai mặt, nằm ngoài trục não.
  • Xuất huyết dưới màng cứng: Trong xuất huyết dưới màng cứng, đặc điểm hình ảnh có sự thay đổi dựa trên mức độ tiến triển. Tụ máu dưới màng cứng cấp tính thường xuất hiện với mật độ cao, trong khi tình trạng mạn tính lại có mật độ thấp hơn. Đối với tụ máu bán cấp, mật độ có thể tương đương với mô não, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.
  • Xuất huyết dưới nhện: Trên hình ảnh CT, xuất huyết dưới nhện cấp tính xuất hiện với mật độ cao. Trong trường hợp chụp CT không phát hiện được bất thường nhưng vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định chọc dò tủy sống, kết quả có thể nhận thấy dịch có sắc tố vàng. Việc xác định rõ nguyên nhân cũng sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.
  • Xuất huyết nội sọ: Để chẩn đoán xuất huyết nội sọ, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI não có hoặc không có thuốc cản quang. Ngoài ra, chụp CT đầu cũng có thể xác định tổn thương trong nhu mô não. Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CTA, MRA hoặc chụp mạch máu não để xác định nguyên nhân xuất huyết.
Các loại xuất huyết não: Phân loại cụ thể và cách chẩn đoán 2
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán và phân biệt các loại xuất huyết não

Tình trạng xuất huyết não có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Việc nắm được các loại xuất huyết não và nguyên nhân có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

Xem thêm: Vị trí xuất huyết não nguy hiểm nhất ở đâu và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin