Chấn thương sọ não là một tai nạn không ai muốn nhưng để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, trong đó có biến chứng xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não.
Xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não là gì?
Xuất huyết dưới nhện còn gọi là xuất huyết dưới khoang nhện. Đây là sự chảy máu đột ngột vào khoang trống ở giữa não và lớp màng bao phủ quanh não. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do một động mạch bị phình ở não đứt vỡ, tình trạng này rất nguy hiểm.
Xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não là tình trạng chảy máu ở khoang nhện của người từng bị chấn thương sọ não.
Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não
Triệu chứng phổ biến nhất của xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não là đau đầu đột ngột và dữ dội. Cơn đau thường nặng hơn gần phía sau đầu. Nhiều bệnh nhân cho biết đó là cơn đau đầu tồi tệ nhất , kinh khủng như búa bổ và không giống bất cứ cơn đau đầu nào họ từng bị trước đây.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Giảm mức độ tỉnh táo;
- Mất khả năng vận động hay cảm giác;
- Thay đổi nhân cách và hành động, kể cả lú lẫn và dễ kích động;
- Đau cơ;
- Buồn nôn, nôn;
- Đau mắt;
- Sợ ánh sáng;
- Co giật;
- Cứng cổ;
- Vấn đề về thị lực.
Đau đầu dữ dội như búa bổ có thể là dấu hiệu của xuất huyết dưới nhện chấn thương sọ não
Điều trị xuất huyết dưới nhện
Những thông tin được cung cấp dưới đây không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Kỹ thuật y tế để chẩn đoán xuất huyết dưới nhện
Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, đặc biệt là hệ thần kinh và mắt.
Nếu nghi ngờ bạn mắc xuất huyết dưới nhện, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT phần đầu (không có thuốc cản quang) ngay lập tức để phát hiện xuất huyết. Nếu chụp CT không cho thấy xuất huyết, bác sĩ có thể tiến hành chọc dò tủy sống. Bệnh nhân bị Xuất huyết dưới nhện thường có máu trong dịch não tủy. Một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Chụp mạch não đồ;
- Chụp CT ở động mạch (có sử dụng chất cản quang);
- Siêu âm Doppler xuyên sọ, để quan sát các dòng máu trong động mạch não;
- Đôi khi sẽ chụp cộng hưởng từ (MRI) và cộng hưởng từ mạch máu (MRA).
Hình ảnh xuất huyết dưới nhện (tăng đậm độ các khe, rãnh não)
Phương pháp điều trị xuất huyết dưới nhện
Mục tiêu điều trị xuất huyết dưới nhện là giảm sưng đau và giảm mức độ co thắt mạch máu não, giảm buồn nôn và nôn, ngăn ngừa động kinh và tái xuất huyết cũng như cứu sống bệnh nhân chấn thương sọ não. Việc điều trị cũng cố gắng làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương não vĩnh viễn (gây đột quỵ).
Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị phình mạch, loại bỏ khối máu tụ lớn hoặc giảm áp lực nội sọ. Các phương pháp phẫu thuật xuất huyết dưới nhện bao gồm: phẫu thuật kẹp cổ túi phình mạch và phương pháp thả cuộn kim loại.
Ngoài ra, bạn phải được nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường và tránh các hoạt động có thể làm tăng áp lực bên trong đầu (như cúi xuống, căng người).
Các loại thuốc bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng là thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng giúp bạn không phải gắng sức khi đại tiện, thuốc điều chỉnh huyết áp, thuốc chống lo âu, co giật và thuốc giảm đau. Ngoài ra bạn còn được thở oxy và truyền dịch.
Xuất huyết dưới nhện nếu không chữa trị kịp thời có thể gây tổn thương não vĩnh viễn
Thói quen sinh hoạt phòng tránh chấn thương sọ não
- Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông và thực hiện đúng an toàn lao động, an toàn trong thể thao. Đặc biệt là đội mũ bảo hiểm, mũ bảo hộ, mũ thể thao chuyên nghiệp đúng quy định và đúng chất lượng.
- Không nên dùng thuốc an thần, gây ngủ khi lái xe. Khi buồn ngủ, mệt mỏi, căng thẳng hay bất ổn tâm lý không nên điều khiển xe cộ.
- Hạn chế uống rượu bia. Uống rượu bia quá mức có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở bất cứ đâu. Uống rượu thường xuyên có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại vi, gây nên sự mất thăng bằng của cơ thể. Và tuyệt đối không nên dùng rượu bia khi đã, đang và sẽ lưu thông trên đường.
- Lắp các tay vịn và thanh vịn trong cầu thang, nhà tắm, để đảm bảo rằng cơ thể có điểm tựa mỗi khi trượt chân hoặc mất đà.
- Bảo đảm đủ ánh sáng trong nhà, các lối đi, lắp bóng đèn sao cho thuận lợi nhất.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Không vứt đồ đạc bừa bãi trên sàn nhà hoặc cầu thang.
- Hãy tập thể dục hàng ngày để cải thiện sự cân bằng của cơ thể và tinh thần, giúp loại bỏ căng thẳng vì chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động bao gồm đi lại, sinh hoạt làm việc…
- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em về việc tham gia giao thông an toàn và đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng cách khi tham gia giao thông.
- Tăng cường cưỡng chế thực thi các quy định về an toàn giao thông đặc biệt là quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nhân Tâm