Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xuất huyết não thất: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xuất huyết não thất là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xuất huyết não thất là gì?

Hệ thống não thất là một loạt các khoang liên kết với nhau, bao gồm 2 não thất bên ở mỗi bên bán cầu não, não thất ba ở gian não và não thất tư ở não sau. Ở phía dưới, nó liên tục với ống trung tâm của tủy sống. Chất lỏng bên trong hệ thống não thất và khoang dưới nhện được gọi là dịch não tủy.

Xuất huyết não thất là tình trạng chảy máu vào hệ thống não thất, nơi dịch não tủy được sản xuất và lưu thông tới khoang dưới nhện. Nguyên nhân của xuất huyết não thất ở người lớn có thể do chấn thương hoặc do đột quỵ xuất huyết. Xuất huyết não thất đã được phát hiện xảy ra ở 35% các ca chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng.

Trẻ sơ sinh sinh sớm hơn 10 tuần có nguy cơ cao nhất bị xuất huyết não thất. Trẻ càng nhỏ và càng sinh non thì nguy cơ mắc càng cao. Điều này là do các mạch máu trong não của trẻ sinh non chưa được phát triển đầy đủ. Kết quả là chúng rất dễ vỡ và dẫn đến xuất huyết não thất.

Biểu hiện lâm sàng của xuất huyết não thất (bất kể nguyên nhân) cũng tương tự như xuất huyết dưới nhện. Bệnh nhân bị đau đầu dữ dội đột ngột. Các dấu hiệu của bệnh màng não cũng xuất hiện (ví dụ sợ ánh sáng, buồn nôn và nôn và cứng cổ).

Xuất huyết lớn hơn có thể gây chèn ép não dẫn đến mất ý thức, động kinh và não úng thủy.

Xuất huyết não thất thường được mô tả theo bốn cấp độ, tùy thuộc vào mức độ xuất huyết:

  • Độ 1: Xuất huyết chỉ xảy ra dưới màng của não thất.
  • Độ 2: Xuất huyết xảy ra bên trong não thất nhưng không làm dãn não thất.
  • Độ 3: Não thất giãn to.
  • Độ 4: Xuất huyết não thất và xuất huyết nhu mô não xung quanh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết não thất

Có thể không có triệu chứng. Nếu có triệu chứng, các triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ sinh non bao gồm:

  • Ngừng thở;
  • Thay đổi huyết áp và nhịp tim;
  • Giảm trương lực cơ;
  • Phản xạ giảm;
  • Ngủ quá nhiều;
  • Hôn mê;
  • Bú yếu;
  • Động kinh và các chuyển động bất thường khác.

Các triệu chứng của xuất huyết não thất ở người lớn bao gồm:

  • Đau đầu đột ngột;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Yếu liệt;
  • Hôn mê;
  • Động kinh.
Xuất huyết não thất: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Đau đầu đột ngột là một trong những triệu chứng của xuất huyết não thất

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn hoặc người nhà có bất kỳ triệu chứng nào của xuất huyết não thất, hãy liên hệ ngay với bác sĩ và chuyển người bệnh đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não thất

Người lớn

Một số nguyên nhân phổ biến hơn gây xuất huyết não thất ở người lớn bao gồm:

  • Tăng huyết áp;
  • Dị tật mạch máu;
  • Phình động mạch não;
  • Dị dạng động tĩnh mạch;
  • Rối loạn đông máu;
  • Khối u trong não thất.
  • Chấn thương sọ não.

Trẻ sơ sinh

Xuất huyết não thất có thể xảy ra do các mạch máu trong não của trẻ sinh non rất mỏng manh, non nớt và dễ bị vỡ. Trẻ sơ sinh có vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như bệnh màng trong hoặc các biến chứng khác của sinh non, có nhiều khả năng mắc xuất huyết não thất hơn. Trẻ càng nhỏ và sinh non thì khả năng xảy ra xuất huyết não thất càng cao. Gần như tất cả xuất huyết não thất xảy ra trong vòng bốn ngày đầu tiên của cuộc đời của trẻ.

Xuất huyết não thất: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Trẻ càng nhỏ và sinh non thì khả năng xảy ra xuất huyết não thất càng cao

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc xuất huyết não thất

Bất kỳ ai cũng có thể bị xuất huyết não thất, từ trẻ em đến người lớn, những trẻ sinh non thiếu tháng và trẻ nhẹ cân đặc biệt là trẻ có cân nặng <1,5kg có nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não thất cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xuất huyết não thất

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc xuất huyết não thất bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng đông liều cao, không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch;
  • Trẻ mắc các tình trạng như hội chứng suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, tăng huyết áp khi vừa mới sinh;
  • Người lớn bị tăng huyết áp không kiểm soát, uống thuốc không điều độ;
  • Chấn thương sọ não.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xuất huyết não thất

Bác sĩ có thể chẩn đoán xuất huyết não thất bằng cách kết hợp khám thần kinh, nghe tim, đo huyết áp, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác. Các xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:

  • Siêu âm đầu: Siêu âm đầu được khuyến nghị cho tất cả trẻ sinh sinh trước tuần 30. Việc kiểm tra được thực hiện một lần khi trẻ được 7 đến 14 ngày tuổi. Siêu âm đầu nên được cân nhắc bất cứ khi nào sức khỏe của bé đột nhiên xấu đi, đặc biệt là trong tuần đầu tiên của cuộc đời.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT não là xét nghiệm để đánh giá nhanh những bệnh nhân có biểu hiện đau đầu đột ngột hoặc các triệu chứng giống xuất huyết não thất.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn CT về chẩn đoán xuất huyết não thất và các bệnh lý đột quỵ não. Nhưng thời gian chụp lâu hơn và giá thành cao hơn.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Các xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng và phát hiện các bệnh lý khác đi kèm. 
Xuất huyết não thất: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Chụp MRI giúp chẩn đoán xuất huyết não thất

Phương pháp điều trị xuất huyết não thất

Mục tiêu điều trị xuất huyết não thất là:

  • Điều trị nguyên nhân cơ bản gây xuất huyết (ví dụ chứng phình động mạch não, khối u, chấn thương sọ não);
  • Điều trị biến chứng não úng thủy nếu có tắc nghẽn;
  • Phòng ngừa tái phát;
  • Phục hồi khả năng vận động.

Người bệnh xuất huyết não thất nên được theo dõi và điều trị nội trú tại bệnh viện hoặc nếu có các vấn đề rối loạn ý thức nên nhập cấp cứu để được theo dõi liên tục. Bác sĩ sẽ chú ý thêm đến việc theo dõi áp lực nội sọ, huyết áp và tình trạng đông máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần phải dẫn lưu não thất bên ngoài để duy trì áp lực nội sọ và loại bỏ xuất huyết trong não thất, và trong những trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật mở hộp sọ.

Điều trị phục hồi chức năng lâu dài có thể bao gồm:

  • Vật lý trị liệu.
  • Trị liệu ngôn ngữ hoặc các hình thức giao tiếp thay thế.
  • Trị liệu nghề nghiệp.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ xuất huyết khác. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất huyết não thất

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia;
  • Duy trì cân nặng bình thường;
  • Giảm căng thẳng tinh thần, người nhà luôn động viên, trò chuyện với người bệnh để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật;
  • Nếu người bệnh mất khả năng vận động, người thân nên xoay trở người bệnh tại giường hoặc tập vận động cho người bệnh để tránh teo cơ, cứng khớp;
  • Theo dõi phát hiện những triệu chứng mới, hoặc nếu có dấu hiệu nặng lên của các triệu chứng trước đây thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được bác sĩ tư vấn hoặc thay đổi chiến lược điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn mỗi ngày;
  • Sử dụng dầu thực vật thay vì dầu động vật như dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu;
  • Thức ăn nên chế biến bằng phương pháp luộc hấp, tránh thức ăn chiên xào;
  • Ăn các thức ăn giàu omega-3 như cá ba sa, cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi;
  • Không ăn mặn, hạn chế muối, nước mắm trong khẩu phần ăn, ăn ít hơn 5g muối/ngày;
  • Tránh đồ ăn và đồ uống có đường, thức uống có ga;
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như gà rán, khoai tây chiên, thịt xông khói, xúc xích.
Xuất huyết não thất: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Chế độ ăn khoa học sẽ giúp hạn chế diễn tiến của xuất huyết não thất

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của bạn hoặc người nhà của bạn.

Phương pháp phòng ngừa xuất huyết não thất hiệu quả

Các cách phòng ngừa xuất huyết não thất cho trẻ em và người lớn bao gồm:

  • Trong giai đoạn trước khi sinh, điều trị corticosteroid cho phụ nữ có nguy cơ sinh non từ tuần 24 đến tuần 33 đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là làm giảm nguy cơ xuất huyết não thất trong giai đoạn sơ sinh của trẻ.
  • Một số phụ nữ đang dùng thuốc có nguy cơ chảy máu nên bổ sung vitamin K trước khi sinh.
  • Phụ nữ mang thai nên khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ sản khoa có thể phát hiện bất thường, đánh giá nguy cơ sanh non và đề ra hướng điều trị phù hợp.
  • Người lớn nếu có chấn thương sau tai nạn giao thông, cần theo dõi sát và chú ý các dấu hiệu như yếu liệt, đau đầu dữ dội, nói đớ, hôn mê. Nếu có các dấu hiệu bất thường cần phải báo ngay với bác sĩ để chẩn đoán và điều trị sớm xuất huyết não thất.
  • Luôn khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh rung nhĩ, bệnh van tim,… Việc điều trị ổn định các bệnh lý nền giúp giảm nguy cơ mắc xuất huyết não thất và các biến chứng nghiêm trọng khác như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,...
Nguồn tham khảo
  1. Intraventricular hemorrhage of the newborn: https://medlineplus.gov/ency/article/007301.htm
  2. Intraventricular hemorrhage: https://radiopaedia.org/articles/intraventricular-haemorrhage
  3. Brain Bleed, Hemorrhage (Intracranial Hemorrhage): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14480-brain-bleed-hemorrhage-intracranial-hemorrhage
  4. Intraventricular Hemorrhage: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/intraventricular-hemorrhage
  5. Intraventricular Hemorrhage in Babies: https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=intraventricular-hemorrhage-90-P02608

Các bệnh liên quan