Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2

Ngày 06/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khác với bệnh đái tháo đường tuýp 1, người mắc đái tháo đường tuýp 2 không cần phải tiêm insulin ngoại sinh hàng ngày, nhưng cần phải sử dụng đến các loại thuốc nhằm hạ lượng glucose trong máu. Vậy các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Bệnh đái tháo đường có liên quan chặt chẽ đến quá trình sản xuất insulin trong cơ thể. Dựa vào khả năng sản sinh insulin nội sinh của tuyến tụy, bệnh đái tháo đường được chia thành 2 loại là tuýp 1 và tuýp 2. Phương pháp điều trị của mỗi loại tiểu đường là khác nhau. Vậy các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì và cần lưu ý những gì khi dùng thuốc?

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường 

Một lượng lớn thức ăn được đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành một loại đường gọi là glucose. Glucose sẽ được hấp thụ vào máu và đi vào các tế bào để trở thành năng lượng.

Insulin là một loại hormone nội tiết do tuyến tụy sản xuất ra và có vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng glucose trong máu. Insulin còn có chức năng giúp glucose di chuyển từ máu vào tế bào và được tế bào sử dụng để sản sinh ra năng lượng cho cơ thể. Khi cơ chế hoạt động này diễn ra bình thường, cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động sống.

Tuy nhiên, khi hệ thống này hoạt động bất thường sẽ gây ra bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường. Khi đó, tuyến tụy không thể sản xuất được insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc các tế bào không sử dụng được insulin nội sinh (tiểu đường tuýp 2). Vì vậy, glucose sẽ không đi vào tế bào mà ở lại trong máu khiến cho lượng đường huyết tăng cao và gây ra bệnh đái tháo đường.

Khi nồng độ glucose trong máu vượt quá một ngưỡng nhất định, thận sẽ lọc và đào thải đường ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu. Căn bệnh đái tháo đường sẽ theo người bệnh suốt đời. Vậy các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 1
Bệnh đái tháo đường có liên quan chặt chẽ đến nồng độ của insulin trong cơ thể

Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 

Dựa vào cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường, phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 chỉ dựa vào insulin ngoại sinh và không cần sử dụng thuốc khác, ngược lại, bệnh tiểu đường tuýp 2 cần phải sử dụng thuốc để điều trị. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là loại phổ biến nhất và chiếm đến 90% trên tổng số bệnh nhân đái tháo đường.

Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 không chứa insulin và được bào chế dưới dạng viên. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường khi người bệnh đã thực hiện tốt về chế độ ăn uống và tập luyện nhưng vẫn không kiểm soát được lượng đường huyết. Dưới đây là các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm:

Nhóm Sulfonylurea

Nhóm Sulfonylurea gồm có các loại thuốc như sau:

  • Acetohexamide;
  • Chlorpropamide;
  • Glimepiride;
  • Gliclazide;
  • Glipizide;
  • Glyburide;
  • Tolazamide;
  • Tolbutamide.

Cơ chế tác dụng: Nhóm thuốc này giúp kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin cho cơ thể, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin và ức chế gan vận chuyển glucose dự trữ vào máu.

Ưu điểm: Nhóm Sulfonylurea giúp làm giảm nguy cơ biến chứng xảy ra ở mạch máu nhỏ và trên hệ tim mạch. Có thể sử dụng lâu dài.

Nhược điểm: Gây tăng cân và hạ đường huyết.

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 2
Acetohexamide một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 

Nhóm Biguanid

Nhóm Biguanid có một loại thuốc duy nhất là Metformin.

Cơ chế tác dụng: Nhóm thuốc này ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu và giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn.

Ưu điểm: Loại thuốc này không gây hạ đường huyết khi sử dụng đơn độc, không gây tăng cân, giảm nồng độ  triglycerides và LDL - cholesterol, giảm nguy cơ tử vong, có thể sử dụng lâu dài.

Nhược điểm: Chống chỉ định đối với người bệnh suy thận, gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng…

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 3
Nhóm thuốc Biguanid chống chỉ định với bệnh nhân suy thận

Nhóm ức chế men Alpha - glucosidase

Nhóm thuốc này gồm có:

  • Acarbose;
  • Glyset.

Cơ chế tác dụng: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế quá trình phân hóa carbohydrate thành glucose trong ruột, làm chậm quá trình hấp thu glucose vào máu và ổn định nồng độ đường huyết sau khi ăn.

Ưu điểm: Không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, giảm HbA1c 0,5 - 0,8%. 

Nhược điểm: Người bệnh sử dụng nhóm thuốc này có thể gặp phải một số tác dụng phụ như chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài phân lỏng… Do đó, những bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa không nên sử dụng nhóm thuốc này.

Nhóm Meglitinide

Có một loại thuốc duy nhất là Repaglinide.

Cơ chế tác dụng: Kích thích tế bào beta tụy tăng tiết insulin. Sử dụng khi bắt đầu bữa ăn nhằm giúp ổn định đường huyết không tăng quá cao sau ăn.

Ưu điểm: Ổn định glucose trong máu sau ăn.

Nhược điểm: Gây hạ đường huyết, tăng cân và phải sử dụng nhiều lần.

Nhóm thuốc ức chế men DPP-4

  • Sitagliptin;
  • Vildagliptin;
  • Saxagliptin;
  • Linagliptin.

Cơ chế: Nhóm thuốc này ức chế hoạt động của men DPP-4, ức chế bài tiết glucagon và làm tăng GLP-1. Thuốc nhóm này chỉ sử dụng 1 lần/ngày và không phụ thuộc vào bữa ăn.

Ưu điểm: Không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, giảm HbA1c 0,5 - 1%, dễ hấp thu.

Nhược điểm: Tác dụng phụ của thuốc là có thể gây dị ứng, nổi mề đay, phù, viêm, ngứa da.

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 4
Gây dị ứng là một trong các tác dụng phụ của nhóm thuốc ức chế men DPP-4 

Thuốc ức chế SGLT2

Nhóm thuốc này gồm:

  • Canagliflozin; 
  • Dapagliflozin;
  • Empagliflozin.

Cơ chế: SGLT2 là kênh vận chuyển ở ống lượn gần có vai trò trong tái hấp thu glucose từ ống thận. Khi ức chế kênh vận chuyển này, glucose sẽ không được tái hấp thu từ ống thận và sẽ tăng cường thải trừ qua nước tiểu, do đó làm giảm nồng độ glucose trong máu.

Ưu điểm: Giúp huyết áp và cân nặng kiểm soát tốt hơn. Nhóm thuốc này có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong ở những người tiểu đường có biến chứng thận.

Nhược điểm: Bởi nhóm ức chế kênh SGLT2 này làm tăng đường trong nước tiểu nên có thể làm cho người bệnh nhiễm nấm, nhiễm trùng, nhiễm ceton acid, mất xương.

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

Nhóm thuốc này gồm có:

  • Liraglutide;
  • Exenatide;
  • Semaglutide.

Cơ chế: Kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin khi nồng độ glucose máu tăng cao, ức chế tiết glucagon và làm giảm hoạt động của nhu động ruột, từ đó giảm cảm giác thèm ăn.

Ưu điểm: Giảm lượng đường huyết sau ăn, giảm cân và giảm tỷ lệ tử vong có liên quan đến các bệnh lý về tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.

Nhược điểm: Gây nôn, buồn nôn hoặc viêm tụy cấp. Không dùng cho bệnh nhân có tiền sử gia đình và người thân bị bệnh đa u tuyến nội tiết tuýp 2 hoặc ung thư giáp dạng tủy.

Nhóm thuốc trị tiểu đường Thiazolidinedione

Nhóm thuốc này gồm có 2 thành viên chính:

  • Rosiglitazone;
  • Pioglitazone. 

Cơ chế: Các thuốc này khi được đưa vào cơ thể sẽ kích thích cơ bắp tăng sử dụng insulin, tiết chế quá trình vận chuyển glucose vào máu.

Ưu điểm: Thuốc nhóm Thiazolidinedione có ưu điểm là không làm hạ đường huyết khi dùng đơn độc và giúp kiểm soát tốt lượng triglycerides. 

Nhược điểm: Thuốc có thể khiến bệnh nhân bị đau cơ, tăng cân, rủi ro biến chứng phù/suy tim, ung thư bàng quang, dễ gãy xương. Đặc biệt nguy cơ gây tổn thương gan do dùng các thuốc này cũng rất cao, vì vậy FDA Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân trước khi điều trị tiểu đường bằng nhóm thuốc Thiazolidinedione cần kiểm tra chức năng gan và năm đầu dùng thuốc phải làm điều này định kỳ 2 tháng/lần.

Một số triệu chứng tổn thương gan bệnh nhân cần hết sức lưu ý: Vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, nôn mửa. Phụ nữ có thai và bệnh nhân mắc bệnh về gan tốt nhất không nên dùng Thiazolidinedione để điều trị tiểu đường.

Ngày nay thuốc Rosiglitazone đã không còn được sử dụng trong điều trị tiểu đường do nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim mạch, trong khi đó Pioglitazone cần cân nhắc, thận trọng khi kê đơn.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2

Khi sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Người bệnh cần biết tên loại thuốc hạ đường huyết mà bản thân đang dùng.
  • Người bệnh cần phải nắm rõ thời gian dùng thuốc trong ngày để uống đúng giờ.
  • Nếu muốn ngừng thuốc hoặc điều chỉnh liều thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể kết hợp với nhiều loại khác nhau theo đơn kê của bác sĩ nên người bệnh không được tự ý bỏ bớt thuốc.
  • Nên tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn với bác sĩ.
  • Không nên uống thuốc tiểu đường theo liều của bệnh nhân khác hoặc không chia sẻ thuốc tiểu đường với người khác.
  • Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 không thể thay thế cho chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục hàng ngày.
Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường là gì? Các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 5
Người mắc bệnh tiểu đường nên tái khám sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ

Tóm lại, bệnh tiểu đường xảy ra có liên quan chặt chẽ đến khả năng sản xuất và sử dụng insulin trong cơ thể. Bệnh tiểu đường được chia thành hai loại là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2, mỗi loại bệnh sẽ có phương pháp điều trị và dùng thuốc khác nhau. Trong bài viết trên Nhà thuốc Long Châu đã giới thiệu đến bạn đọc các nhóm thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và những lưu ý cần biết khi dùng thuốc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm