Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cơ chế phù trong suy tim và những điều cần biết

Ngày 26/08/2023
Kích thước chữ

Phù trong suy tim là một tình trạng khá phổ biến ở những người mắc bệnh về tim mạch. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này và xem cách điều trị trong bài viết dưới đây nhé.

Triệu chứng phù trong suy tim có thể gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt là làm sưng phù ở nhiều bộ phận trên cơ thể, gây khó chịu cho người mắc phải.

Cơ chế phù trong suy tim

Khi bị suy tim, tim sẽ co bóp yếu hơn và khiến cho một hoặc cả hai tâm thất suy giảm khả năng bơm máu. Không chỉ vậy, khả năng hồi máu từ các cơ quan cơ thể về tim cũng trở nên giảm sút. Từ đó dẫn tới máu bị ứ đọng lại tại các phần tĩnh mạch gây ra tình trạng phù nề.

Tình trạng phù nề sẽ được biểu hiện rõ nhất ở phần cẳng chân, bàn chân, mắt cá chân. Ngoài ra, phù trong suy tim cũng có thể xuất hiện ngay ở bụng, trong phổi (hay phù phổi). Do đó dẫn đến triệu chứng khó thở cho người bệnh.

Cơ chế phù trong suy tim và những điều cần biết 1
Dấu hiệu phù trong suy tim sẽ được biểu hiện rõ nhất ở phần cẳng chân, bàn chân, mắt cá chân

Bệnh suy tim cũng là một nguyên nhân khiến cho lượng máu giàu oxy cung cấp và nuôi dưỡng các cơ quan không đủ, trong đó có cả thận. Theo thời gian, tình trạng này sẽ làm tổn thương thận, khiến cho thận giảm khả năng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Đây cũng được xem là yếu tố góp phần gây ra phù trong suy tim, làm người bệnh bị tăng cân.

Phân biệt phù trong suy tim và phù do các bệnh lý khác

Phù trong suy tim rất dễ bị lầm tưởng thành phù do các bệnh lý khác, vậy nên bạn có thể nắm một số triệu chứng để tham khảo nhận biết bệnh này như sau:

  • Đặc điểm của phù trong suy tìm khá điển hình, thường là dạng phù mềm, ấn vào lõm và đa số là không đau.
  • Khởi phát bệnh thường bắt đầu phù ở hai bên chi dưới trước, triệu chứng không rõ ràng, hay bắt gặp là phù hai mắt cá chân. Đôi khi người mắc bệnh chỉ cảm nhận được việc bị phù khi mang giày hoặc dép vào nhờ cảm giác cảm thấy chật chội hơn.
  • Các triệu chứng phù trong suy tim thường xuất hiện chủ yếu vào giờ chiều, đặc biệt là khi người bệnh đứng lâu. Lúc nằm xuống nghỉ ngơi hoặc lúc sáng sớm mới ngủ dậy thì các triệu chứng sẽ giảm bớt.
  • Đến giai đoạn nặng, phù trong suy tim sẽ có các triệu chứng rõ ràng hơn, việc phù trở nên nặng nề hơn, lan nhiều hơn. Thậm chí, người bệnh sẽ bị phù toàn thân và triệu chứng phù diễn ra xuyên suốt cả ngày dài. Nếu không điều trị sẽ không giảm.

Bên cạnh đó, triệu chứng suy tim ngoài về phù nề sẽ còn gặp thêm một số các dấu hiệu điển hình khác, có thể kể đến như: Khó thở khi nằm gối thấp, khó thở khi gắng sức, đôi khi bị khó thở cả lúc nghỉ ngơi và diễn ra thường xuyên, tĩnh mạch ở cổ nổi lên, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hay mệt mỏi,...

Điều trị phù trong suy tim

Phù trong suy tim có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm như khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, khiến bệnh suy tim ngày càng trở nên nặng nề. Vì vậy, việc điều trị và thay đổi chế độ sinh hoạt để hỗ trợ giảm thiểu bệnh là việc rất quan trọng.

Hạn chế muối trong thực đơn ăn uống

Khi nạp muối vào cơ thể càng nhiều thì sẽ càng làm tăng nguy cơ tích nước và từ đó khiến tình trạng phù diễn ra rõ ràng hơn. Do đó, đối với người đang bị phù trong suy tim thì một trong những điều tiên quyết đó là nên giảm thiếu muối trong thực đơn ăn uống của mình.

Cơ chế phù trong suy tim và những điều cần biết 2
Muối sẽ làm tình trạng phù nề diễn ra rõ ràng hơn

Khi bị suy tim, người bên nên ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều đồ ăn được nấu bằng phương pháp luộc, hấp và ăn nhiều rau xanh, thịt cá,... Đồng thời, cần hạn chế các thực phẩm có vị mặn, chứa nhiều gia vị như đồ hộp, đồ chế biến sẵn.

Hoạt động và tập thể dục vừa sức

Khi mắc phù trong suy tim, dịch tuần hoàn trong cơ thể bị ứ trệ, do đó, việc tập luyện thể dục, vận động nhẹ nhàng để lưu thông tuần hoàn là rất cần thiết.

Tuy vậy, người đang bị bệnh suy tim sẽ không nên tập luyện, hoạt động quá sức. Do đó, người bệnh chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng. Bởi nếu tập quá mạnh, quá sức sẽ là một yếu tố khiến tình trạng suy tim thêm nặng hơn.

Cơ chế phù trong suy tim và những điều cần biết 3
Vận động nhẹ nhàng sẽ làm cho máu lưu thông tốt hơn ở người bị phù trong suy tim

Ngoài ra, nên lưu ý, khi tập luyện nếu cảm thấy một số triệu chứng sau thì bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ:

  • Cảm thấy khó thở, mệt mỏi và chóng mặt, choáng váng mạnh khi hoạt động.
  • Nhịp tim tăng lên nhanh và không đều sau khi tập xong, có thể tăng ở mức 120 - 150 nhịp/phút.
  • Người bệnh bị tức ngực, đau ở phần hàm, vai, cánh tay,...

Sử dụng thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu sẽ giúp tăng cường cho quá trình đào thải nước và muối trong cơ thể đang bị dư thừa ra ngoài thông qua đường tiểu tiện. Có rất nhiều nhóm thuốc lợi tiểu được sử dụng hiện nay, tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp và bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định chọn ra loại thuốc phù hợp, đồng thời sẽ kê đơn để uống riêng lẻ hoặc kết hợp giúp mang tới hiệu quả tối ưu nhất với từng bệnh nhân.

Nên uống thuốc lợi tiểu vào buổi sáng, tránh uống trước khi đi ngủ vì có thể gây ra triệu chứng đi tiểu đêm, khiến mất đi một giấc ngủ trọn vẹn. Tuy thuốc lợi tiểu đa số đều an toàn nhưng trong trường hợp gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau đầu, buồn ói, chóng mặt, tiêu chảy,... thì người bệnh cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.

Trên đây là toàn bộ thông tin về tình trạng phù trong suy tim. Hy vọng sẽ giúp các bạn đọc tham khảo thêm được những thông tin bổ ích.

 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin