Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cơ thắt lưng là gì? Cấu tạo và chức năng cơ thắt lưng

Ngày 10/05/2024
Kích thước chữ

Cơ thắt lưng là một trong những búi cơ quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng quý bạn đọc tìm hiểu thêm về cơ thắt lưng cũng như chức năng, cấu tạo của vùng cơ này.

Cơ thắt lưng là cơ quan đóng vai trò quan trọng tại khu vực lưng dưới, tác động trực tiếp đến các hoạt động, động tác của con người. Chính vì vậy, khi vùng cơ này tổn thương, bị viêm nhiễm sẽ ít nhiều ảnh hưởng xấu đến hoạt động hàng ngày của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về cơ thắt lưng, Nhà thuốc Long Châu mời bạn theo dõi thông tin dưới đây.

Cơ thắt lưng là gì?

Cơ thắt lưng là một búi cơ quan trọng nằm ở phần lưng dưới. Do đó, khi cơ thắt lưng bị viêm nhiễm, căng cơ hoặc tổn thương, bạn sẽ phải đối mặt với những cơn đau nhức dữ dội, cản trở hoạt động hàng ngày, gây khó khăn trong sinh hoạt, làm việc,…

Cơ thắt lưng là một dạng cơ rộng, dẹt và bao phủ gần hết phần dưới của lưng. Cơ này bám từ mỏm gai của 9 đốt sống ngực dưới 5 đốt sống lưng, 1/3 sau mào chậu, phủ kín các thớ cơ chạy chếch lên phía trên, tới góc dưới xương bả vai rồi tụm lại đi ra phía trước, bám vào mép trong của rãnh nhị đầu xương cánh tay.

Cơ thắt lưng là gì? Cấu tạo và chức năng cơ thắt lưng 1
Cơ thắt lưng là nhóm cơ bao phủ gần như toàn bộ vùng lưng dưới

Cấu tạo của cơ thắt lưng

Muốn hiểu về cơ thắt lưng, bạn cần nắm được cấu tạo của vùng cơ này. Cơ thắt lưng lớn có nguyên ủy từ các thân đốt sống, các mỏm ngang và các đĩa gian đốt sống T12-L4. Trong khi đó, cơ thắt lưng bé có nguyên ủy từ các thân đốt sống T12-L1. Cụ thể lớp nông và lớp sâu của cơ thắt lưng gồm:

Lớp nông

  • Cơ lưng rộng: Nguyên ủy là mỏm gai T6-xương cùng, 1/3 sau mào chậu và 4 xương sườn cuối. Lớp nông cơ thắt lưng bám vào tận rãnh gian củ xương cánh tay.
  • Cơ răng sau dưới: Nguyên ủy là mỏm gai T11-L3, bám tận mặt ngoài 4 xương sườn cuối.

Lớp sâu

  • Cơ răng bé sau trên: Bám từ mỏm gai đốt sống cổ VII và 3 đốt sống ngực (I-III) đến bám vào bờ trên và đầu sau của 4 xương sườn trên (I-IV). Khi cơ co có tác dụng nâng các xương sườn trở thành cơ thở vào.
  • Cơ răng bé sau dưới: Bám từ vị trí mỏm gai của 2 đốt sống ngực (XI-XII), 3 đốt sống thắt lưng (I-III) đến bám vào bờ dưới của 4 xương sườn cuối (IX-XII), có tác dụng keo 4 xương sườn cuối xuống dưới là cơ.

Chức năng của cơ thắt lưng

Cơ thắt lưng có chức năng tương tự với vùng cơ vuông thắt lưng, hỗ trợ xoay và khép cánh tay vào phía trong. Bên cạnh đó, cơ thắt lưng còn là một trong những nhóm cơ quan trọng góp phần hỗ trợ động tác hít vào của con người.

Cơ thắt lưng là gì? Cấu tạo và chức năng cơ thắt lưng 2
Vai trò của cơ thắt lưng là hỗ trợ xoay và khép cánh tay

Việc thoái hóa cột sống thắt lưng là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến hàng đầu hiện nay. Bệnh tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, công việc. Nếu bệnh để lâu không điều trị có thể dẫn đến hội chứng thoát vị đĩa đệm. Đây cũng là vấn đề thường gặp nhất ở vùng cơ thắt lưng.

Căng cơ thắt lưng: Vấn đề thường gặp ở cơ thắt lưng

Căng cơ thắt lưng là bệnh lý thường gặp ở vùng lưng. Đây là tình trạng cơ hoặc cơ vân ở thắt lưng bị kéo căng hoặc tổn thương, bị rách. Hàng loạt các cơ và dây chằng ở lưng có tác dụng giữ xương cột sống đều sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi bạn bị căng cơ thắt lưng. Các cơ này khi căng quá mức sẽ dẫn đến suy yếu dần, cột sống cũng trở nên yếu, kém ổn định hơn, dễ bị đau nhức lưng.

Triệu chứng căng cơ thắt lưng

Người bị căng cơ thắt lưng thường xuất hiện triệu chứng điển hình là cảm giác đau đột ngột ở vùng thắt lưng, cơn đau ngày một tăng lên, đặc biệt là khi vận động, cúi người. Bên cạnh đó, căng cơ thắt lưng còn có một số biểu hiện khác như:

  • Co cứng vùng thắt lưng;
  • Co thắt từ ít đến nhiều vùng lưng;
  • Cảm giác đau lan đến vùng mông và chi dưới.

Nguyên nhân căng cơ thắt lưng

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến căng cơ thắt lưng bao gồm:

  • Mỏi cơ do vận động quá sức, làm việc nặng như khuân vác nặng, cử tạ,…;
  • Chơi thể thao nhưng không khởi động trước;
  • Chấn thương do té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,…;
  • Các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, xơ cứng bì,…;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng.
Cơ thắt lưng là gì? Cấu tạo và chức năng cơ thắt lưng 3
Lupus ban đỏ là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ căng cơ thắt lưng

Tình trạng căng cơ thắt lưng có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, tuy nhiên, nhóm có nguy cơ cao bị căng cơ gồm:

  • Người ít vận động thể lực khiến sức khỏe, sức bền các cơ suy yếu dần, trong đó có cơ thắt lưng.
  • Người bị thừa cân, béo phì.
  • Bệnh nhân ho nhiều hoặc đang mắc các bệnh phổi mãn tính.
  • Có thói quen hút thuốc lá.
  • Tình trạng căng thẳng, stress thường xuyên.
  • Điều kiện môi trường tập luyện, chơi thể thao,… không đảm bảo dẫn đến nguy cơ chấn thương cao.
  • Không khởi động trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao.
  • Giày hoặc các dụng cụ thể thao không vừa vặn, có độ bám kém dễ gây chấn thương, tổn thương và căng cơ thắt lưng.

Điều trị căng cơ thắt lưng

Người bệnh bị căng cơ thắt lưng nên chườm ấm khi cơn đau xuất hiện để giãn cơ, giảm tình trạng cơ bị căng dẫn đến đau nhức, khó chịu. Bên cạnh đó, khi bị căng cơ thắt lưng, người bệnh cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn kết hợp với các biện pháp cải thiện triệu chứng không dùng thuốc như:

  • Chiếu đèn hồng ngoại;
  • Xoa bóp vùng lưng bị căng cơ;
  • Mát xa;
  • Châm cứu, thực hiện điện châm giảm đau;
  • Tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp tình trạng sức khỏe;
  • Tắm hoặc ngâm mình trong nước nóng để giãn cơ, giảm đau nhức.
Cơ thắt lưng là gì? Cấu tạo và chức năng cơ thắt lưng 4
Ngâm mình trong nước nóng giúp giãn cơ, giảm đau nhức

Bên cạnh đó, một số trường hợp gặp vấn đề về cơ thắt lưng sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc nhằm mục đích chính là giảm triệu chứng, giãn cơ. Dưới đây là những loại thuốc phổ biến cho người bị căng cơ thắt lưng.

  • Thuốc giảm đau gồm có Paracetamol, Floctafenine,…;
  • Thuốc kháng viêm Non Steroids;
  • Thuốc giãn cơ gồm Mephenesin, Tolperison, Eperisone,…
  • Thuốc giảm đau dây thần kinh như Encorate, Gabapentin, Carbamazepin,…
  • Viên uống bổ sung vitamin B1.

Hy vọng qua bài viết trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thắt lưng cũng như tình trạng căng cơ thắt lưng – vấn đề thường gặp nhất ở vùng cơ này. Để phòng tránh triệu chứng căng cơ thắt lưng, bạn nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế làm việc quá sức,…

Xem thêm: Cơ vuông thắt lưng: Cấu tạo, chức năng và bệnh liên quan

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin