Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cơn đau quặn mật: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Là một trong những diễn tiến bệnh lý của đường mật, cơn đau quặn mật có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về túi mật khiến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Việc nắm được các thông tin về tình trạng này, sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc thăm khám. Từ đó, xác định chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau quặn mật và được điều trị với phác đồ phù hợp.

Cơn đau quặn mật là biểu hiện lâm sàng về sự co thắt mạnh mẽ của lớp cơ trơn thành túi mật. Sự co thắt này xuất hiện khi có sự bế tắc cấp tính dòng chảy của dịch mật và vị trí xảy ra bế tắc thường ở cổ túi mật hay đoạn cuối của ống mật chủ.

Cơn đau quặn mật là gì?

Cơn đau quặn mật là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh lý túi mật như: Sỏi mật, viêm túi mật... hoặc ở những bệnh nhân mắc viêm đường mật hướng thượng hoặc viêm tụy. Đây là tình trạng khá nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế biến chứng xấu xảy ra.

Cơn đau quặn mật: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
Cơn đau quặn mật là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh lý túi mật 

Thông thường, cơn đau quặn mật sẽ xuất phát từ hạ sườn phải hoặc thượng vị (khu vực giữa rốn với xương ức). Nhờ vào đặc điểm này, bạn có thể phân biệt đau quặn mật với những cơn đau khác, từ đó mô tả chính xác cho bác sĩ, giúp ích cho việc xác định được nguyên nhân gây đau.

Người bệnh thường cảm thấy đau quặn mật sau khi ăn, các cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn vừa ăn những món nhiều dầu mỡ. Một số trường hợp phải trải qua cơn đau vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu tình trạng này thường xuyên xuất hiện vào buổi đêm, bệnh nhân không được ngủ đủ giấc sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Nguyên nhân cơn đau quặn mật

Những nguyên nhân thường gặp gây ra cơn đau quặn mật là: Sỏi mật, viêm túi mật, viêm tụy và viêm đường mật hướng thượng. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân gây đau chính bắt nguồn từ túi mật hoặc có liên quan trực tiếp đến túi mật bao gồm:

  • Sỏi mật: Viên sỏi có thể hình thành ngay tại túi mật hoặc trong ống dẫn gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ống dẫn mật.
  • Sỏi bùn đặc: Nguyên nhân gây đau quặn mật có thể do sỏi bùn đặc và tình trạng viêm có thể kèm theo kích ứng hay nhiễm trùng các mô xung quanh. Sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các ống dẫn mật gây chèn ép và dẫn đến hiện tượng thiếu máu cục bộ.

Bên cạnh đó, các vấn đề khác như: Chấn thương, nhiễm trùng đường mật và túi mật xảy ra thường xuyên sau khi tắc sỏi mật cũng có thể là nguyên nhân gây đau quặn mật.

Cơn đau quặn mật: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị 1
Nhiễm trùng đường mật có thể là nguyên nhân khiến cơn đau quặn mật xuất hiện

Triệu chứng của cơn đau quặn mật

Những biểu hiện của cơn đau quặn mật cũng khác nhau và có thể bị kích hoạt bởi một số loại thực phẩm nhất định. Cơn đau có thể liên tục, thay đổi từ nhẹ đến nặng, có người chỉ thấy đau vùng bụng, có người lại phải đối mặt với những cơn đau lan ra phía sau. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, cơn đau quặn mật có thể thay đổi hoặc được cảm nhận khác nhau. Cụ thể:

  • Đau bụng mật (tắc nghẽn ống mật không liên tục): Đau đột ngột và tăng nhanh, đau hoặc tức nặng vùng bụng trên bên phải hay vùng thượng vị. Một số người bệnh có cơn đau lan tới vai phải hoặc đau lưng ở chỏm xương bả vai, có trường hợp kèm theo buồn nôn và ói mửa. Cơn đau thường sẽ giảm trong khoảng 1 - 5 giờ nhưng cũng có những cơn đau nhẹ kéo dài lên đến một ngày.
  • Viêm túi mật: Sự khó chịu do viêm túi mật thường kéo dài lâu hơn với đau bụng mật. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ bị đau bụng khi chạm hoặc nhấn vào bụng, gặp những cơn đau không thay đổi ở vùng bụng trên bên phải có thể lan ra vai phải hoặc lưng, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, sốt, ớn lạnh và đầy hơi.
  • Viêm túi mật cấp (không có sỏi mật): Có dấu hiệu tương tự viêm túi mật nhưng xảy ra như một biến chứng của các vấn đề khác bao gồm: Chấn thương hoặc bỏng. Người bệnh ốm nặng và có các triệu chứng nghiêm trọng.
  • Viêm tụy: Sỏi mật từ túi mật có thể làm tắc ống tụy và gây viêm tụy với đau bụng trên có thể tỏa ra phía sau, đau bụng nhiều hơn sau khi ăn, kèm theo buồn nôn, ói mửa.
  • Viêm đường mật hướng thượng: Là trường hợp gây đau bụng, sốt, vàng da, thậm chí hạ huyết áp, lú lẫn và cần phải được cấp cứu.
Cơn đau quặn mật: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị 2
Chụp X - quang bụng để chẩn đoán cơn đau quặn mật

Chẩn đoán đau quặn mật như thế nào?

Cơn đau quặn mật kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, nên việc phát hiện và điều trị bệnh là vô cùng cần thiết. Bệnh sử và khám sức khỏe sẽ giúp bác sĩ thiết lập chẩn đoán ban đầu. Trong đó dấu hiệu của Murphy (đau hay ngừng thở tạm thời khi nhấn sâu dưới sườn phải) là biểu hiện đặc trưng phỏng đoán cho hơn 95% trường hợp viêm túi mật cấp tính. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định khi thăm khám cơn đau quặn mật bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng gan, lipase và amylase;
  • Xét nghiệm công thức máu đầy đủ;
  • Chụp X - quang bụng;
  • Siêu âm với mục đích phát hiện sỏi mật;
  • Chụp CT nhằm kiểm tra cấu trúc các cơ quan có thay đổi bất thường không.

Phương pháp điều trị cơn đau quặn mật

Để xử lý cơn đau quặn mật, bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín, có kinh nghiệm thăm khám, điều trị các bệnh lý về túi mật. Đau khi bị tấn công cấp tính thường được chỉ định điều trị với morphin. Các phương pháp điều trị y khoa bao gồm:

  • Liệu pháp muối mật (hiệu quả dưới 50%);
  • Ursodiol (ví dụ Actigall);
  • Tán sỏi;
  • Lithotripsy (sóng xung kích).
Cơn đau quặn mật: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị 3
Điều trị cơn đau quặn mật bằng phương pháp tán sỏi qua da

Nếu cơn đau nặng hoặc tái phát, việc điều trị dứt khoát là loại bỏ túi mật hoặc tắc nghẽn sỏi mật bằng phẫu thuật và phương pháp được lựa chọn hiện nay là phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ lấy túi mật ra qua các vết rạch nhỏ ở vùng bụng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật rộng hơn. Đa số các trường hợp thường hồi phục tốt khi túi mật được lấy ra trừ khi có nguyên nhân tiềm ẩn biểu hiện tương tự cơn đau quặn mật như: Rối loạn vận động đường mật, rối loạn vận động cơ vòng Oddi.

Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây cơn đau quặn mật và những thông tin liên quan. Từ đó chủ động theo dõi, đi thăm khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, để cải thiện chức năng túi mật và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tham gia các hoạt động thể chất phù hợp.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm