Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Công dụng và các loại máy đo điện tâm đồ

Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ

Máy đo điện tâm đồ (ECG) là một phương tiện chẩn đoán phổ biến được sử dụng rộng rãi tại hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế ngày nay. Đây là một phương pháp kiểm tra cận lâm sàng không xâm lấn, với quy trình thực hiện đơn giản và mang lại giá trị chẩn đoán cao mà không gây ra các biến chứng đáng lo ngại cho người bệnh.

Khi nói đến việc kiểm tra sức khỏe tim mạch, máy đo điện tâm đồ (ECG) đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong ngành y học hiện đại. Hãy cùng khám phá sâu hơn về công nghệ đặc biệt này và tầm quan trọng của nó trong chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Máy đo điện tâm đồ là gì?

Máy đo điện tâm đồ, hay còn gọi là EKG hoặc ECG (Electrocardiogram), là một thiết bị y tế được sử dụng để đo và ghi lại hoạt động điện của tim. Thông qua các điện cực gắn trên cơ thể, máy EKG ghi lại các tín hiệu điện từ tim và biến chúng thành đồ thị, hiển thị các hoạt động như nhịp tim, nhịp nhảy và các khía cạnh khác của chức năng tim.

Công dụng và các loại máy đo điện tâm đồ 1
Máy đo điện tâm đồ đo và ghi lại hoạt động điện của tim

Máy EKG thường được sử dụng trong các phòng khám y tế, bệnh viện hoặc thậm chí là tại nhà của bệnh nhân để theo dõi sức khỏe tim mạch và chẩn đoán các vấn đề liên quan đến tim. Điện tâm đồ là một công cụ quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh tim và các bệnh lý liên quan đến hệ thống tim mạch.

Các loại máy đo điện tâm đồ

Có thể phân loại máy đo điện tâm đồ theo các tiêu chí sau:

Phân loại theo số kênh

  • Máy đo điện tim 1 kênh xách tay, nhẹ nhàng và tiện lợi.
  • Máy đo điện tim 3 kênh, 6 kênh và 12 kênh, được sử dụng phổ biến trong các phòng khám và bệnh viện để đáp ứng nhu cầu đánh giá điện tim nhanh chóng. Ngoài chức năng đo điện tim, mày này còn tích hợp các thông số nhịp đập của mạch, âm tim và áp suất mạch máu.

Phân loại theo nguồn điện cung cấp

Máy dùng pin sạc (dòng điện 1 chiều) hoặc dòng điện xoay chiều. Thường thì các máy đo điện tim dạng xách tay sẽ sử dụng nguồn điện 1 chiều có sạc để tiện lợi hơn.

Phân loại theo cách in tín hiệu điện tim

  • Máy có đầu ghi mực trên băng giấy.
  • Máy có đầu ghi quang.
  • Máy có đầu ghi nhiệt.

Đo điện tâm đồ để làm gì?

Một cách tổng quan, điện tâm đồ (ECG) không chỉ là một phần của quy trình kiểm tra sức khỏe tổng quát, mà còn là một công cụ chẩn đoán và theo dõi quan trọng trong lĩnh vực y học, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe tim mạch. Mục đích của ECG bao gồm:

  • Tầm soát sức khỏe tim mạch: Trong các bài kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, ECG được sử dụng để đánh giá các chỉ số quan trọng về sức khỏe tim mạch như tốc độ tim đập, nhịp tim, và phát hiện các triệu chứng như đau tim.
  • Chẩn đoán các bệnh lý tim mạch: ECG được chỉ định cho những bệnh nhân có các triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, phì đại cơ nhĩ và cơ thất, rối loạn dẫn truyền, nhồi máu cơ tim và nhiều vấn đề khác.
  • Theo dõi điều trị: Trong quá trình điều trị bệnh tim mạch hoặc khi sử dụng các loại thuốc có tác động đến tim, ECG được sử dụng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp, theo dõi biến động trong hoạt động điện của tim và đảm bảo sự ổn định của sức khỏe tim mạch.
Công dụng và các loại máy đo điện tâm đồ 2
Điện tâm đồ (ECG) à một công cụ chẩn đoán và theo dõi quan trọng

ECG không chỉ giúp trong việc đánh giá sức khỏe tim mạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề tim mạch, đồng thời cung cấp thông tin quan trọng để theo dõi sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của liệu pháp.

Các bước đo điện tim

Dưới đây là quy trình đo điện tâm đồ:

  • Bước đầu tiên, trước khi tiến hành đo điện tim, bệnh nhân sẽ được yêu cầu kéo quần áo để lộ vùng tay, chân và vùng ngực sau đó nằm ngửa trên giường bệnh.
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ gắn các điện cực lên các vị trí cần đo, bao gồm vùng cổ tay, ngực và cổ chân của bệnh nhân.
  • Sau đó, tín hiệu điện tim sẽ được máy ghi lại và hiển thị theo các đường gấp khúc bao gồm cả các sóng điện bất thường.
  • Cuối cùng, sau khi hoàn tất thủ tục đo điện tim, các điện cực sẽ được tháo ra và quá trình đo kết thúc.
Công dụng và các loại máy đo điện tâm đồ 3
Bác sĩ sẽ gắn các điện cực lên các vị trí cần đo điện tâm đồ

Ngoài ra, có một số lưu ý dành cho người bệnh trong quá trình đo điện tâm đồ:

  • Trước khi vào phòng đo điện tâm đồ, bệnh nhân không nên tập thể dục hoặc hút thuốc lá để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả.
  • Trong khi đo ECG, bệnh nhân chỉ cần nằm im thư giãn, không kích động hoặc căng thẳng để đảm bảo kết quả chính xác.
  • Điện cực được dính trên da sẽ không gây đau hoặc kích ứng cho người bệnh. Hiếm khi có trường hợp bị kích ứng da tại vị trí đặt điện cực.
  • Sau khi hoàn tất quá trình đo điện tâm đồ, bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Nếu kết quả đo điện tim bất thường, bệnh nhân có thể được chỉ định tiến hành các kỹ thuật khác như Holter 24h để theo dõi sự thay đổi của nhịp tim trong thời gian dài hơn. Sau khi có sơ đồ điện tim, bác sĩ sẽ kiểm tra và tư vấn cho người bệnh về tình trạng sức khỏe tim mạch của họ.

Chúng ta đã tìm hiểu về máy đo điện tâm đồ và quy trình thực hiện đo điện tâm đồ cũng như những lưu ý quan trọng khi sử dụng phương pháp này trong chẩn đoán bệnh tim mạch. máy đo điện tâm đồ không chỉ là một công cụ y tế mà còn là một phần quan trọng trong việc duy trì và nâng cao sức khỏe tim mạch của cả cộng đồng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin