Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đa chấn thương: Mức độ nguy hiểm và cách xử trí

Ngày 18/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đa chấn thương nghiêm trọng hơn chấn thương thông thường rất nhiều. Đa chấn thương là tình trạng gặp nhiều chấn thương cùng một lúc khiến sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy đa chấn thương nguy hiểm thế nào và xử trí ra sao?

Chấn thương là những tổn thương thường gặp nhưng đa chấn thương - tình trạng gặp nhiều chấn thương cùng lúc sẽ ít gặp hơn nhưng nguy hiểm hơn. Đa chấn thương có thể gặp trong nhiều tình huống, nhưng phổ biến nhất hiện nay là do tai nạn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mức độ nguy hiểm, cơ chế gây đa chấn thương và cách xử trí của tình trạng này.

Đa chấn thương là gì?

Chấn thương là những tổn thương về thể chất do tác động ngoại lực gây ra. Chấn thương có thể xảy ra trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, thể dục thể thao, tham gia giao thông. Tùy loại chấn thương, mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Chấn thương nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Lại có những chấn thương nặng, buộc phải điều trị bằng các phương pháp nội khoa và can thiệp ngoại khoa khác nhau.

Đa chấn thương là tình trạng có ít nhất 2 tổn thương nghiêm trọng ở nhiều vùng hoặc ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể. Đa chấn thương thường là những chấn thương có độ nghiêm trọng cao, gây mất rất nhiều máu. Đa chấn thương cũng dẫn đến nhiều rối loạn như rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn,… 

Đa chấn thương: Mức độ nguy hiểm và cách xử trí 1
Đa chấn thương là trường hợp có mức độ nguy hiểm cao

Việc chẩn đoán bệnh ở những trường hợp này thường gặp nhiều khó và dễ bị bỏ sót vì các tổn thương bị che lấp. Công tác điều trị và tiên lượng cho người bị đa chấn thương gặp nhiều khó khăn vì dễ bị bỏ sót triệu chứng.

Các loại rối loạn chức năng trong đa chấn thương

Khi bị đa chấn thương, nạn nhân có thể gặp các rối loạn chức năng phổ biến như:

Rối loạn chức năng hô hấp

Rối loạn hô hấp (suy hô hấp, nhiễm toan hô hấp,…) có thể xuất hiện riêng hoặc là biểu hiện của sốc chấn thương bên cạnh rối loạn tri giác, rối loạn tuần hoàn. Nguyên nhân chính gây rối loạn hô hấp là các tổn thương ở hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, suy tuần hoàn,… Nguyên nhân rối loạn hô hấp thường là: Gãy xương sườn, tràn khí màng phổi, mảng sườn di động, tràn máu màng phổi, tổn thương phổi phế quản, chấn thương hàm mặt.

Rối loạn chức năng tuần hoàn

Rối loạn tuần hoàn trong đa chấn thương có nguyên nhân chính là giảm lượng máu TM trở về - hậu quả của giảm khối lượng tuần hoàn do mất máu nhiều. Mất máu nhiều có thể do chảy máu ngoài, chảy máu trong ổ bụng, chảy máu trong khoang màng phổi, chảy máu sau phúc mạc,… Ngoài ra, rối loạn này còn xảy ra do các nguyên nhân khác như chấn thương tủy sống, chèn ép tim. Chèn ép tim có thể do tràn máu ngoài màng tim, tràn khí màng phổi nặng,…

Rối loạn nhận thức

Nạn nhân cũng có thể bị rối loạn nhận thức do tổn thương não hay chấn thương sọ não. Cũng có thể kết hợp với các nguyên nhân sốc hoặc suy hô hấp. Trong trường hợp nạn nhân bị rối loạn tri giác do chấn thương sọ não có thể hình thành do cơ chế tăng áp lực nội sọ, thiếu oxy não thứ phát,…

Đa chấn thương: Mức độ nguy hiểm và cách xử trí 2
Theo thống kê, đa chấn thương thường gặp nhất trong tai nạn

Các tổn thương thường gặp nhất trong đa chấn thương

Đa chấn thương có thể bao gồm tổn thương não bộ, bụng, cột sống, các chi, xương chậu và các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy tỷ lệ tổn thương thường gặp nhất thường là:

  • Tổn thương não là tổn thương phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 số ca đa chấn thương theo thống kê. Trong đó, bao gồm cả tổn thương sọ não kết hợp tổn thương cổ.
  • Các tổn thương ngực hiểm từ 10 - 50% các ca đa chấn thương, trong đó có khoảng 10% trong số này phải phẫu thuật.
  • Tổn thương bụng chiếm 5 - 15% các ca đa chấn thương.
  • Tổn thương cột sống chiếm tỷ lệ từ 5 - 25% các ca đa chấn thương.
  • Vỡ xương chậu và gãy xương chi là tổn thương rất hay gặp và gặp phải ở 50 - 70% các ca đa chấn thương.

Cũng theo thống kê, có khoảng 70% ca có 2 thương tổn cùng lúc, có 20% ca xuất hiện 3 thương tổn cùng lúc, 7% ca có 4 thương tổn cùng lúc và 1% ca có 5 thương tổn.

Nguyên tắc theo dõi, điều trị đa chấn thương

Nạn nhân bị đa chấn thương được theo dõi và điều trị theo nguyên tắc 4 ống gồm:

  • Ống cung cấp oxy qua mũi, sâu đến hầu;
  • Ống truyền dịch và đo huyết áp tĩnh mạch trung ương;
  • Ống hút dạ dày;
  • Ống thông tiểu.

Người bệnh sẽ được theo dõi nhịp thở, hơi khí ở máu động mạch, nhịp tim, mạch, huyết áp, huyết áp tĩnh mạch trung ương, lượng nước tiểu theo giờ,... một cách sát sao.

Đa chấn thương: Mức độ nguy hiểm và cách xử trí 3
Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng chấn thương và đưa ra phác đồ điều trị

Các nạn nhân bị đa chấn thương cần được đánh giá và phân loại cấp cứu. Cụ thể là:

  • Cấp cứu không xâm nhập bằng hô hấp nhân tạo, cố định xương gãy, ép tim ngoài lồng ngực.
  • Cấp cứu xâm nhập bằng đặt nội khí quản, tiêm thuốc, đặt catheter tĩnh mạch,...

Xử trí các trường hợp đa chấn thương

Để có thể đưa ra quyết định điều trị ưu tiên qua đó tăng cơ hội sống cho người bệnh, bác sĩ cần:

  • Đánh giá ban đầu và hồi sinh để phát hiện, đánh giá các tổn thương có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng nạn nhân. Đánh giá này bao gồm: Kiểm tra đường thở và đảm bảo sự thông khí, đánh giá tuần hoàn, cầm máu,…
  • Đánh giá bước 2 là dùng các kỹ thuật cận lâm sàng để đánh giá tình trạng bệnh nhân một cách toàn diện nhất. Qua đây, bác sĩ xác định được tổn thương và lên phác đồ điều trị.
  • Theo dõi và đánh giá lại là việc cần được tiến hành xuyên suốt quá trình cấp cứu sau đa chấn thương để tránh bỏ sót tổn thương.
  • Điều trị thực thụ bằng nhiều phương pháp như: Phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, phẫu thuật cấp cứu không trì hoãn, phẫu thuật trì hoãn.

Chỉ định điều trị bằng phẫu thuật được ưu tiên khi:

  • Vết thương ở tim có tình trạng chèn ép tim;
  • Vết thương mạch máu lớn;
  • Khí phế quản bị tổn thương nặng;
  • Cần mổ khí quản để cấp cứu;
  • Bệnh nhân bị vỡ gan;
  • Có máu tụ ngoài màng cứng;
  • Bệnh nhân bị vỡ tạng rỗng, vỡ tạng đặc ở ổ bụng, tổn thương tiết niệu;
  • Tổn thương thành ngực và các nội tạng ngực;
  • Bệnh nhân bị thoát vị cơ hoành.
Đa chấn thương: Mức độ nguy hiểm và cách xử trí 4
Người bị đa chấn thương thường cần nhiều thời gian để phục hồi

Trên đây là một số thông tin có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đa chấn thương. Mỗi loại chấn thương cần được xử lý theo những cách khác nhau và đa chấn thương cũng vậy. Tình trạng đa chấn thương ở mỗi nạn nhân một khác. Điều quan trọng nhất là họ cần được đưa đi cấp cứu kịp thời để giảm nguy cơ tính mạng bị đe dọa và tăng cơ hội phục hồi. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm