Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau cơ háng có nguy hiểm không? Phải làm gì để phòng ngừa?

Ngày 14/01/2024
Kích thước chữ

Đau cơ háng có thể khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, vận động hay thậm chí là cả việc đứng yên. Vậy đau cơ háng có nguy hiểm không? Chúng ta phải làm gì để phòng ngừa tình trạng này?

Đau cơ háng là vấn đề sức khỏe phổ biến mà khá nhiều người gặp phải hiện nay. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Cũng vì vậy mà có không ít người băn khoăn, lo lắng không biết đau cơ háng có nguy hiểm hay không cũng như có thể làm gì để phòng ngừa tình trạng này. Vì vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về đau cơ háng thông qua bài biết dưới đây.

Đau cơ háng là gì? Có nguy hiểm không?

Háng là vùng nằm giữa chân và bụng, là nơi tập hợp 5 nhóm cơ khác nhau giúp hỗ trợ vận động của chân và phần thân dưới của cơ thể. Đau cơ háng là tình trạng đau nhức ở vùng háng, có thể kèm theo các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ và cứng khớp. Người bị đau cơ háng có thể gặp phải các cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội kéo dài, cơn đau có thể lan xuống chân người bệnh. Đặc biệt, khi đi lại, vận động hoặc khi đứng lên, ngồi xuống cơn đau cơ sẽ mạnh mẽ hơn và gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh.

Đau cơ háng có nguy hiểm không? Phải làm gì để phòng ngừa? 1
Đau cơ háng là tình trạng cơ háng bị tổn thương, dẫn tới đau nhức, sưng tấy

Các nguyên nhân gây đau cơ háng

Đau cơ háng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm nguyên nhân cơ học như chấn thương, di chuyển sai tư thế và các nguyên nhân bệnh lý như viêm khớp háng, thoát vị bẹn hay một số bệnh về xương, khớp khác.

Nguyên nhân cơ học

  • Chấn thương: Các chấn thương tại vùng háng do tai nạn, chơi thể thao như bong gân, trật khớp, gãy xương cũng có thể là nguyên nhân gây đau cơ háng.
  • Vận động sai tư thế: Sự sai tư thế khi đi lại, di chuyển, đứng, ngồi cũng có thể làm căng cơ vùng háng và dẫn đến tình trạng đau cơ háng.
  • Vận động quá sức: Việc vận động quá sức, tập luyện với cường độ cao cũng có thể gây tình trạng đau cơ háng.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Viêm khớp háng: Viêm khớp háng là tình trạng sụn khớp háng bị tổn thương, dẫn đến đau nhức, cứng khớp. Viêm khớp háng thường gặp ở người cao tuổi. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân rất phổ biến gây nên tình trạng đau cơ háng.
  • Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn là tình trạng một phần ruột hoặc cơ quan khác trong ổ bụng chui ra ngoài ống bẹn và gây ra tình trạng đau, sưng ở vùng háng. Tình trạng thoát vị bẹn sẽ thường gặp ở nam giới.
  • U nang buồng trứng: U nang buồng trứng (gặp ở phụ nữ) là một khối u lành tính, hình thành trong buồng trứng và có thể gây đau vùng háng.
  • Viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa cũng có thể gây tình trạng đau ở vùng háng. Tình trạng này sẽ thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Chèn ép dây thần kinh liên sườn: Chèn ép dây thần kinh liên sườn là tình trạng dây thần kinh liên sườn bị chèn ép và có thể gây đau vùng cơ háng.
Đau cơ háng có nguy hiểm không? Phải làm gì để phòng ngừa? 2
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau cơ háng

Đau cơ háng có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. Cũng vì vậy mà khi có bất kỳ dấu hiệu đau cơ háng nào người bệnh cũng nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa tình trạng đau cơ háng

Bên cạnh việc được thăm khám và điều trị kịp thời, cách tốt nhất để chúng ta có thể bảo vệ cơ thể trước tình trạng đau cơ háng chính là phòng ngừa. Các bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau để phòng ngừa đau cơ háng khá hiệu quả dưới đây:

  • Giữ tư thế đúng khi đi lại, đứng, ngồi: Tư thế sai có thể làm căng cơ vùng háng, dẫn đến đau cơ háng. Do đó, người bệnh nên giữ tư thế đúng khi đi lại, đứng hay ngồi.
  • Tránh vận động quá sức, tập luyện quá sức: Vận động hay tập luyện quá sức có thể làm tổn thương cơ vùng háng và dẫn đến đau cơ háng kéo dài. Vì vậy, hãy tập thể dục thường xuyên với mức độ và cường độ phù hợp với khả năng để chăm sóc sức khỏe tốt hơn mà không làm tổn thương khớp háng. Việc này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện khả năng vận động và giảm nguy cơ đau cơ háng. Hãy ưu tiên các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hay yoga.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể phải chịu nhiều áp lực hơn và làm tăng nguy cơ đau cơ háng.
  • Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D là những dưỡng chất quan trọng giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và góp phần giảm nguy cơ đau cơ háng. Các bạn có thể bổ sung thêm canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi và tái tạo các cơ quan tốt hơn, từ đó làm giảm nguy cơ đau cơ háng. Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt hơn và giảm nguy cơ bị đau cơ háng.
Đau cơ háng có nguy hiểm không? Phải làm gì để phòng ngừa? 3
Tập thể dục thường cuyên giúp phòng ngừa đau cơ háng

Đau cơ háng là tình trạng khá phổ biến và có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. Do đó chúng ta hãy chủ động lắng nghe cơ thể và thăm khám bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu đau cơ háng nào để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cũng đừng quyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa đau cơ háng để giảm nguy cơ mắc bệnh và góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin