Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?

Ngày 18/05/2024
Kích thước chữ

Đau gan bàn chân là triệu chứng thường gặp ở nhiều người bệnh. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng liệu đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì.

Khi bị đau gan bàn chân, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau bắt đầu từ các ngón chân, kéo dài đến tận gót chân. Tình trạng này bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố khác nhau, khiến cho cơn đau có thể xuất hiện thành từng cơn, hoặc đau liên tục. Nó gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày của con người. Vậy đây có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật hay không? Có cách nào để điều trị tình trạng đau gan bàn chân không?

Đau gan bàn chân là gì?

Đau gan bàn chân là tình trạng các cơn đau xuất hiện ở dưới lòng bàn chân. Người bệnh thường cảm thấy âm ỉ trong lúc nghỉ ngơi và trở nên nhức nhối hơn khi vận động. Hiện tượng này có thể do người bệnh mắc phải một số căn bệnh, chủ yếu là các bệnh về cơ xương khớp và thần kinh.

Đau bàn chân diễn ra rất thường xuyên, cũng bởi bàn chân là nơi chịu sức nặng của toàn bộ trọng lượng cơ thể, dù là ở bất cứ tư thế đi, đứng, chạy nhảy nào. Xét về cấu tạo của bàn chân, bộ phận này được tạo nên bởi 26 xương và dây chằng. Do đó, khi người bệnh có cân nặng càng lớn thì cơn đau ở gan bàn chân càng trở nên phổ biến hơn.

Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? 1
Đau gan bàn chân là triệu chứng bình thường của cơ thể 

Vì sao người bệnh bị đau gan bàn chân?

Tùy thuộc vào triệu chứng của mà người bệnh gặp phải, bạn mới có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này:

Viêm cân gan chân

Cân gan chân được hiểu đơn giản là một dải mô kéo dài từ xương gót chân, đi qua vòm bàn chân và đến tận gốc các ngón chân. Viêm cân gan bàn chân có thể bắt nguồn từ một số yếu tố như:

  • Lòng bàn chân hình dáng bẹt hoặc vòm;
  • Người bệnh bị thừa cân, béo phì;
  • Thường xuyên mang giày có hỗ trợ vòm kém;
  • Người bệnh có thói quen đi bộ, chạy hoặc đứng nhiều trên bề mặt cứng;
  • Đi bộ bằng chân trần trong một thời gian dài;
  • Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao bị viêm cân gan chân.

Đau xương đốt bàn chân

Đau xương đốt bàn chân được dùng để chỉ tình trạng đau và viêm ở ụ bàn chân. Đây là khu vực nằm ở giữa vòm và gốc ngón chân, dưới xương bàn chân. Khi bị đau xương đốt bàn chân, cơn đau sẽ trở nên nhói, nhức hoặc nóng rát ở giữa lòng bàn chân.

Thông thường, người lớn tuổi sẽ dễ gặp phải tình trạng đau xương đốt bàn chân hơn. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng này có thể là:

  • Vòm chân cao;
  • Chơi các môn thể thao thường xuyên phải chạy hoặc nhảy nhiều;
  • Người bệnh bị thừa cân, béo phì;
  • Thường xuyên đi giày cao gót hoặc giày bị chật;
  • Người có tiền sử mắc bệnh gút hoặc đái tháo đường.
Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? 2
Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh viêm ụ bàn chân 

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên là những cơn đau dây thần kinh. Điều này xuất hiện do các dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị rối loạn hoạt động. Trên thực tế, có một số người mắc bệnh lý mãn tính là: Đái tháo đường, lạm dụng rượu bia, bệnh Lyme hoặc các bệnh tự miễn dịch như: Lupus ban đỏ,... sẽ dễ gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên hơn. Theo người bệnh mắc bệnh về thần kinh ngoại biên, họ thường cảm thấy ngứa ran, nóng rát ở gan bàn chân, bàn tay và lan đến tận cánh tay và cẳng chân.

U thần kinh

U thần kinh là một khối bất thường của các tế bào thần kinh. Nó hình thành giữa các ngón chân, bắt nguồn từ một chấn thương nào đó, thường là ở giữa ngón chân thứ hai và thứ ba, hoặc thứ ba và thứ tư. Theo đó, người chơi các môn thể thao liên quan đến chạy hoặc nhảy rất dễ bị u thần kinh ở lòng bàn chân. Ngoài ra, còn có thêm phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót, đi giày chật khi múa ba lê hoặc leo núi. Khi bị u thần kinh, các cơn đau sẽ trở nên dai dẳng, đau rát ở lòng bàn chân. Tiếp đó, chuyển sang tê và ngứa ran ở các ngón chân.

Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? 3
U thần kinh có thể gây ra tình trạng đau lòng bàn chân 

Viêm xương vừng hoặc gãy xương vừng

Mặc dù xương vừng chỉ là hai mẩu xương nhỏ ở nền xương ngón chân cái nhưng chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ gân để co duỗi ngón chân cái. Nếu các xương này phải hoạt động quá mức, người bệnh sẽ bị viêm xương vừng, dẫn đến đau âm ỉ và sưng tấy ở gốc ngón chân cái.

Tình trạng này thường xảy ra ở những vận động viên điền kinh, múa ba lê hoặc quần vợt. Đặc biệt là những người có vòm lòng bàn chân cao. Nếu không được nghỉ ngơi hợp lý, xương vừng có thể sẽ bị gãy do mỏi. Đây cũng là tiền đề cho các bệnh lý nghiêm trọng hơn như: Hội chứng ống cổ chân, hội chứng Guillain - Barré,...

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nhiều người cho rằng đau gan bàn chân là tình trạng bình thường nên khá chủ quan và phớt lờ các triệu chứng bệnh. Chỉ đến khi bệnh diễn biến nghiêm trọng, họ mới bắt đầu thăm khám, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu triệu chứng đau không thuyên giảm sau 1 tuần. Cụ thể:

  • Cơn đau trở nên dữ dội hơn, kéo dài nhiều ngày;
  • Người bệnh bị ngứa ran lòng bàn chân, thậm chí là mất cảm giác;
  • Cảm thấy khó chịu, không thể đi lại hoặc thực hiện các động tác thông thường;
  • Đau do chấn thương;
  • Vết thương ở lòng bàn chân bắt đầu chảy mủ, sưng tấy;
  • Đau chân đi kèm với triệu chứng sốt, nhiễm trùng;
  • Người bệnh mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh lý khác ảnh hưởng đến dây thần kinh;
  • Người bệnh bị nhiễm cúm hoặc nhiễm trùng trước khi cơn đau lòng bàn chân xuất hiện, cho thấy nguy cơ mắc hội chứng Guillain - Barré.
Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? 4
Bạn cần thăm khám khi tình trạng đau bàn chân không thuyên giảm trong 7 ngày 

Điều trị đau gan bàn chân như thế nào?

Việc lựa chọn phương pháp điều trị đau gan bàn chân còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đó là:

  • Nếu cơn đau xuất hiện do thói quen hàng ngày, bạn có thể sử dụng miếng lót giày và hạn chế đi giày cao gót. Đồng thời, bắt đầu giảm cân cũng như cải thiện tư thế chuẩn để giảm áp lực lên bàn chân. Ngoài ra, bạn cũng cần nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung nhiều loại thực phẩm chống viêm như: Nghệ, nước chanh, ngũ cốc,...
  • Nếu cơn đau diễn ra âm ỉ, bạn cần thăm khám để bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau.
  • Các liệu pháp bổ sung và thay thế là: Yoga, thái cực quyền hoặc chườm lạnh, chườm nóng cũng giúp cải thiện cơn đau một cách đáng kể.
  • Bạn cũng có thể tham gia chương trình phục hồi bàn chân bằng phương pháp vật lý trị liệu.
  • Nếu cơn đau xảy ra do xương vừng bị viêm hoặc u dây thần thần kinh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật để điều trị bệnh.
Đau gan bàn chân là dấu hiệu của bệnh gì? Cách điều trị như thế nào? 5
Vật lý trị liệu có thể làm giảm cơn đau gan bàn chân hiệu quả 

Đau gan bàn chân bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bị đau chân, bạn hãy áp dụng thử một số phương pháp tự chăm sóc mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp trên. Nếu cơn đau không thuyên giảm, bạn nên đến thăm khám tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt nhé! 

Xem thêm: 

Viêm cân gan bàn chân nguy hiểm như thế nào? 

Nguyên nhân khiến sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin