Phong thấp hay còn gọi là phong tê thấp là bệnh lý xương khớp rất phổ biến ở nhiều đối tượng. Phong thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây chằng, xương khớp và các cơ bắp, gây ra các triệu chứng như đau nhức khớp, viêm, sưng đỏ khớp, nóng và cứng khớp… Ngoài ra, bệnh còn gây ảnh hưởng đến những bộ phận liên quan khác như da, mắt của người bệnh. Về cơ bản, những dấu hiệu của phong thấp tương đối giống với những bệnh lý xương khớp khác. Do đó, việc hiểu rõ các dấu hiệu cũng như triệu chứng sẽ giúp ích trong việc phát hiện đúng bệnh và có cách phòng ngừa, chữa trị hợp lý.
Bệnh phong thấp nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bình và làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thần kinh, phổi, tim, thận, viêm mạch máu, biến dạng cột sống, giảm khả năng vận động hoặc thậm chí mất khả năng vận động. Nghiêm trọng hơn, phụ nữ mang thai bị bệnh phong thấp nặng dễ có nguy cơ sinh non.
Nguyên nhân bệnh phong thấp là gì?
Các chuyên gia cho biết, phong thấp là bệnh tự miễn, xảy ra khi kháng thể của hệ thống miễn dịch người bệnh tấn công vào những tế bào khỏe mạnh. Hiện nay, nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên bệnh liên quan mật thiết đến các yếu tố như: Di truyền, bệnh truyền nhiễm, thay đổi hormone, sử dụng chất kích thích, tiền sử có chấn thương hoặc mắc các bệnh về xương khớp.
Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh phong thấp là di truyền
Bệnh phong thấp thường xảy ra ở một hoặc nhiều khớp xương trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau nhức cơ bắp, đau nhức xương khớp, khó khăn trong việc vận động đặc biệt là vào mỗi buổi sáng, những ngày thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh giá. Nguyên nhân bệnh phong thấp thường xuất phát từ những yếu tố sau đây:
Do yếu tố di truyền dẫn đến bệnh phong thấp
Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố di truyền chiếm khoảng 50 đến 60% khả năng mắc bệnh phong thấp. Các gen được cho là có liên quan mật thiết tới việc khởi phát của bệnh phong thấp gồm có: HLA-DR, PADI4 và PTPN22.
Do nội tiết tố dẫn đến bệnh phong thấp
Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng sự mất cân bằng của hormone Estrogen và Progesterone ở phụ nữ có liên quan tới sự phát triển của bệnh phong thấp.
Do truyền nhiễm dẫn đến phong thấp
Các nhân tố truyền nhiễm như virus Epstein-Barr, virus cúm và những virus khác khi tấn công vào xương khớp người bệnh có khả năng làm cho bệnh phong thấp hình thành.
Một số yếu tố khác gây ra bệnh phong thấp
Ngoài các yếu tố được kể trên, các yếu tố như có sự chấn thương, ảnh hưởng từ bệnh xương khớp, thói quen sử dụng các chất kích thích… cũng được xem là nguyên nhân khiến cho bệnh phong thấp xuất hiện.
Dấu hiệu bệnh phong thấp là gì?
Bệnh phong thấp là một dạng bệnh viêm khớp dạng thấp có liên quan chặt chẽ đến yếu tố tự miễn gây ra đau nhức, sưng đỏ ở các khớp xương hoặc bắp thịt. Người bệnh có thể bị tình trạng đau nhức làm cản trở vận động thường ngày.
Dấu hiệu bệnh phong thấp là gì bạn đã biết chưa?
Ngoài ra, phong thấp có thể để lại di chứng tật nguyền và gây mất chức năng của một số các cơ quan nếu như không được phát hiện và điều trị tích cực. Do đó, người bị phong thấp nên nắm rõ một số dấu hiệu lâm sàng dưới đây và đi khám sớm nhất có thể:
Có hiện tượng đau nhức xương khớp và bắp thịt
Các kháng thể có xu hướng tấn công vào các lớp mô sụn và những thành phần cấu tạo khớp. Do đó, những người bị phong thấp đều có cảm giác đau, tê khớp xương, tê nhức bắp thịt, đau âm ỉ kể cả khi vận động sinh hoạt hoặc di chuyển. Các cơn đau tập trung nhiều tại xương chân, xương tay và xương cột sống và lan sang nhiều khớp xương khác.
Có hiện tượng sưng tại các khớp
Tại vị trí của khớp bị đau, mao mạch có thể mở rộng khiến cho bề mặt da bị đỏ, sưng ấy, sờ vào hơi ấm nóng. Đây là dấu hiệu của bệnh viêm khớp. Thông thường, hiện tượng trên xuất hiện và sẽ biến mất sau vài ngày.
Có dấu hiệu cứng khớp
Vào buổi sáng mỗi khi bệnh nhân thức dậy hoặc vào những ngày thời tiết ẩm và lạnh, người bệnh sẽ có cảm giác các khớp bị căng cứng tại vị trí xương tay, xương cột sống, xương cùng và đầu gối… gây khó khăn trong việc vận động và di chuyển. Người bệnh có thể phải xoa, nắn hoặc bóp giúp giảm đau trong khoảng vài phút đến nửa tiếng mới có thể cử động được.
Cứng khớp là một trong những dấu hiệu bệnh phong thấp
Dấu hiệu mệt mỏi và sụt cân
Việc đau nhức xương khớp do phong thấp nếu kéo dài có thể khiến cho người bệnh mệt mỏi, mất sức và thể trạng sa sút. Bệnh nhân không còn cảm giác muốn ăn hoặc ăn không ngon miệng, chán ăn, lười vận động gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe.
Có dấu hiệu phát ban
Có khoảng 5% bệnh nhân phong thấp có xuất hiện dấu hiệu phát ban trên da tại các vị trí ngực, tứ chi, không xuất hiện ở mặt và vùng niêm mạc. Ban có hình dạng là các đốm hồng, nhỏ, ở giữa nhạt màu hơn so với phần rìa xung quanh, ban không ngứa nhưng có thể để lại di chứng.
Người bệnh mắc hội chứng giảm tiết dịch
Trường hợp bệnh nhân bị phong thấp do virus tấn công, họ có thể gặp một số vấn đề về mắt do sự giảm tiết dịch gây ra như: Ít nước mắt và khô mắt… Không những thế, phong thấp có thể làm giảm sự tiết nước bọt, tạo cho người bệnh cảm giác khô họng, khát nước và khó nuốt khi ăn những món ăn như bánh quy hoặc bánh mì…
Các dấu hiệu khác của bệnh phong thấp
Phong thấp có thể khiến cho nhịp tim người bệnh đập mạnh, khó thở và thiếu máu, bắp thịt lỏng lẻo, đau nhức và tê tay và đổ mồ hôi tay chân hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi tay chân…
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết của bệnh phong thấp mà bạn đọc có thể tham khảo. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bạn đọc nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm. Bệnh nếu được hiện và điều trị kịp thời là cách tốt nhất tránh khỏi biến chứng nguy hiểm không mong muốn.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp