1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử lý an toàn tại nhà

Ánh Vũ

21/04/2023
Kích thước chữ

Tăng đường huyết đột ngột là tình trạng glucose trong máu vượt quá mức bình thường. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra và phải làm sao để nhận biết được những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này để kịp thời điều trị? Mời các bạn cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Tăng đường huyết có thể diễn tiến âm thầm hoặc xảy ra đột ngột trong một số tình huống đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường khi đường huyết không được kiểm soát tốt. Nếu không kịp thời phát hiện, có nguy cơ gây những biến chứng nặng về tim mạch, não, thận… Vậy đâu là những dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí tại an toàn tại nhà.

Tăng đường huyết là gì?

Tăng đường huyết là tình trạng thường xảy ra khi lượng glucose trong máu vượt quá mức bình thường. Nếu tần số xuất hiện của tình trạng này tăng cao và không có biện pháp điều trị kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm cho các cơ quan trong cơ thể.

Glucose được chuyển hóa từ thực phẩm vào cơ thể. Khi đã vào máu, insulin sẽ giúp glucose đi đến từng tế bào trong cơ thể và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của con người. Vì thế, nếu cơ thể thiếu hụt insulin, glucose sẽ bị tích tụ lại trong máu, dẫn tới tăng đường huyết.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết có thể tăng vọt sau ăn nếu kiểm soát đường huyết không tốt, dẫn đến tình trạng tăng đường huyết đột ngột.

Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử lý an toàn tại nhà 1
Lượng glucose trong máu tăng dẫn tới đường huyết cao

Các chỉ số đường huyết cần biết

Nồng độ glucose trong máu (thường đo bằng đơn vị mmol/L hoặc mg/dL) là thông số quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Theo các khuyến cáo y khoa hiện nay, mức đường huyết được coi là bình thường như sau:

  • Đường huyết lúc đói (trước bữa ăn, thường vào buổi sáng): từ 3.9 đến dưới 5.6 mmol/L.
  • Đường huyết sau ăn 1 - 2 giờ: dưới 7.8 mmol/L.

Ngoài ra, chỉ số HbA1c phản ánh mức đường huyết trung bình trong khoảng 2 - 3 tháng gần nhất. Đây là tiêu chí quan trọng trong chẩn đoán và đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết:

  • HbA1c < 5.7% : Được xem là bình thường.
  • HbA1c từ 5.7 - 6.4%: Tiền đái tháo đường.
  • HbA1c ≥ 6.5%: Có thể được chẩn đoán là đái tháo đường, tuy nhiên cần xét nghiệm lặp lại để xác nhận nếu không có triệu chứng điển hình.

Với người đái tháo đường, nếu đường huyết sau ăn vượt mức 8.5 mmol/L và kéo dài, đặc biệt đi kèm triệu chứng như khát nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi… thì cần được thăm khám để điều chỉnh kế hoạch điều trị cho phù hợp.

Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử lý an toàn tại nhà 2
Có thể kiểm tra chỉ số đường huyết bằng máy đo cầm tay

Nguyên nhân bị tăng đường huyết đột ngột

Chỉ số đường huyết không ổn định sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân tăng đường huyết đột ngột. Cụ thể như sau:

Những yếu tố nguy cơ

Những trường hợp có các yếu tố nguy cơ dưới đây dễ bị tăng đường huyết đột ngột:

  • Trong gia đình có người thân bị đái tháo đường;
  • Đái tháo đường thai kỳ;
  • Đối tượng gặp các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao;
  • Ít vận động, thừa cân, béo phì;
  • Bị rối loạn dung nạp đường vào cơ thể;
  • Phụ nữ có tiền sử bệnh buồng trứng đa nang.

Nguyên nhân chính gây tăng đường huyết đột ngột

Bên cạnh những yếu tố nguy cơ trên, đường huyết tăng cao đột ngột thường là tình trạng xảy ra ở những đối tượng sau:

  • Người có chế độ ăn uống không hợp lý gây mất ổn định đường huyết. Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế hoặc có chỉ số đường huyết cao, các loại trái cây khô… có nguy cơ làm tăng đường huyết. Người ăn quá nhiều tinh bột, đồ ngọt, dầu mỡ… cũng có khả năng gây tăng đường huyết. Thói quen bỏ bữa sáng thường xuyên hoặc ngủ muộn làm sản xuất hormone cortisol gây rối loạn đường huyết.
  • Cơ thể thường xuyên bị áp lực, căng thẳng, sản sinh các hormone làm tăng đường huyết. Tình trạng này hay gặp ở người trưởng thành, nếu để lâu dễ bị đái tháo đường type 2.
  • Người đang trong quá trình điều trị và sử dụng các loại thuốc điều trị các bệnh lý khác như corticosteroid, prednisone… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng đột ngột đường huyết.
Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử lý an toàn tại nhà 3
Thức khuya nhiều dễ mắc tình trạng tăng đường huyết

Dấu hiệu nhận biết khi tăng đường huyết

Nếu bị hạ đường huyết, cơ thể sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, khó thở. Vậy khi đường huyết tăng đột ngột thì cơ thể bạn sẽ lên tiếng bằng những biểu hiện đặc trưng nào?

Thường xuyên thấy đói hoặc khát nước

Những dấu hiệu của tăng đường huyết đột ngột ban đầu thường khó nhận biết. Điển hình là biểu hiện thèm ăn và khát nước.

Khi đường huyết không được chuyển hóa thành năng lượng thì cơ thể thường dễ bị đói và mệt mỏi. Từ đó, cơ thể xuất hiện tình trạng thèm ăn nhiều hơn, đặc biệt là thèm đồ ngọt. Bên cạnh đó, khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể phản ứng bằng cách làm tăng cảm giác khát để bù nước, giúp đào thải glucose qua đường tiểu.

Đi tiểu nhiều lần vào ban đêm

Một dấu hiệu thường gặp ở những người bị tăng đường huyết đột ngột là đi tiểu nhiều lần. Bởi lúc này, thận phải tăng cường hoạt động để đào thải lượng đường dư thừa, dẫn đến tình trạng tiểu tiện với tần suất cao hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, thận sẽ bị suy yếu chức năng do làm việc quá mức.

Cơ thể mệt mỏi

Mặc dù chỉ số đường trong máu cao, nhưng lượng đường này không chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể. Chính vì thế, tế bào bị thiếu dinh dưỡng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, có thể bạn sẽ bị sụt cân rõ rệt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng đi kèm sau:

  • Mắt mờ;
  • Chân tay tê bì, bứt rứt;
  • Khó thở, nhịp tim nhanh;
  • Da khô, khô miệng;
  • Trường hợp nặng có thể ngất xỉu hoặc đột quỵ.

Cách điều trị khi tăng đường huyết đột ngột

Tình trạng tăng đường huyết đột ngột thường xảy ra rất chóng vánh. Sau đây là một số cách hạ đường huyết cấp tốc bạn có thể tham khảo:

  • Uống nhiều nước để đào thải bớt lượng đường trong máu ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân thận, cao huyết áp hoặc suy tim không nên áp dụng cách này.
  • Tiêm insulin để giảm nhanh đường huyết nếu có chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
  • Vận động nhẹ nhàng 15 - 20 phút, thúc đẩy khả năng tiêu hao glucose ở cơ bắp. Trường hợp bị chóng mặt hoặc sốt thì không nên vận động.
Dấu hiệu nhận biết tăng đường huyết đột ngột và cách xử lý an toàn tại nhà 4
Uống thêm bột quế ngay khi bị tăng đường huyết đột ngột

Trên đây là những cách giúp giảm đường huyết tạm thời. Ngoài ra, bạn cần chú ý theo dõi cơ thể thường xuyên và thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý:

  • Sử dụng máy đo đường huyết cầm tay để kiểm tra tại nhà thường xuyên. Thời điểm vàng để đo đường huyết là buổi sáng lúc đói, 2 giờ sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Ăn nhiều các loại rau có chất nhờn, giảm tinh bột.
  • Rèn luyện cơ thể qua các bài tập thể dục mỗi ngày.
  • Ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.
  • Tập yoga hoặc thiền để giảm căng thẳng.
  • Với những người bị tiểu đường, sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tuyệt đối không dùng bia rượu và các chất kích thích.

Tăng đường huyết đột ngột có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và hệ lụy cho sức khỏe. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và trang bị kiến thức xử trí đúng cách là yếu tố then chốt giúp bạn bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin