Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi

Ngày 22/01/2024
Kích thước chữ

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có thai như ý muốn. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp rủi ro bị thai ngoài tử cung sau IVF. Do đó các chị em nên lưu ý dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi, một thủ thuật nằm trong quy trình IVF, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các cặp vợ chồng hiếm muộn đã thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để mang thai và sinh con. Đây là phương pháp có tỉ lệ thành công cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp kém may mắn bị thai ngoài tử cung sau khi thực hiện chuyển phôi, một thủ thuật vô cùng quan trọng trong IVF. Vậy dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi là gì? Làm sao để nhận biết?

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng sau khi thụ tinh, trứng lại làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung, thay vì bên trong tử cung của người mẹ. Những trường hợp phụ nữ mang thai ngoài tử cung, phôi thai sẽ không thể sống sót và phát triển một cách bình thường, có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, thậm chí có thể gây tử vong cho thai phụ. Ngoài ra, thai phụ còn bị tổn thương ống dẫn trứng, có thể bị trầm cảm kéo dài do mất con và lo lắng cho những lần mang thai sau.

Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi 1
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng sau khi thụ tinh, trứng lại làm tổ ở ngoài buồng tử cung

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mang thai ngoài tử cung là nguyên nhân của 3 - 4% các trường hợp tử vong có liên quan đến mang thai.

Chuyển phôi là gì?

Thủ thuật chuyển phôi là một phần quan trọng trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (gọi tắt là IVF), nhờ đó sau khi nuôi cấy phôi thai, phôi được đưa vào tử cung của người mẹ. Người ta nuôi phôi thai đến ngày 3, ngày 5; có thể là phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh đã được làm ra ở chu kỳ trước đó.

Vào khoảng ngày 18 - 20 của chu kỳ kinh nguyệt, quá trình chuyển phôi IVF sẽ được thực hiện, lúc này sức khỏe của người mẹ tốt, niêm mạc tử cung của người mẹ đạt độ dày chuẩn (9 - 10mm), sẵn sàng cho việc mang thai.

Với sự tiến bộ của y học thế giới, quy trình chuyển phôi không còn tác động nhiều lên tử cung người mẹ và không gây đau đớn.

Vì sao có tình trạng thai ngoài tử cung khi thực hiện IVF?

Mục đích của việc thụ tinh ống nghiệm là đưa phôi thai từ trong ống nghiệm vào môi trường tử cung của nữ giới. Dù tỷ lệ thành công của phương pháp này là khá cao tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều trường hợp có thai ngoài tử cung dù đã thực hiện IVF.

Theo thống kê, trường hợp có thai ngoài tử cung ở những phụ nữ sau khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản không phải là hiếm gặp. Các trường hợp hay phổ biến nhất đó là thai ngoài tử cung nằm tại vị trí vòi tử cung, kẽ tử cung hoặc góc tử cung.

Để giải thích về hiện tượng có thai ngoài tử cung sau IVF, các bác sĩ cho rằng việc chuyển phôi thai vào môi trường tử cung không đảm bảo chắc chắn được 100% thai sẽ làm tổ ở đúng vị trí được ấn định. Vì tử cung của nữ giới luôn co bóp nên có khả năng vô tình đưa phôi thai tới vị trí phía bên ngoài tử cung.

Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi 2
Tử cung luôn co bóp nên vô tình đưa phôi thai tới vị trí phía bên ngoài tử cung

Cách nhận biết dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi (IVF)

Để nhận biết dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi, hãy dựa vào các biểu hiện sau:

Xuất huyết âm đạo bất thường

Đây là dấu hiệu rõ ràng và cũng dễ thấy nhất khi có thai ngoài tử cung sau chuyển phôi. Hầu như các trường hợp có thai ngoài tử cung đều gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường.

Để xác nhận mang thai, sau khi sử dụng que thử thai và thấy xuất hiện hai vạch, chị em sẽ không thấy xuất hiện kinh nguyệt nữa. Tuy nhiên, nếu xuất hiện máu tại vùng kín với số lượng ít, máu có màu đỏ thẫm thì đây được cho là hiện tượng xuất huyết bất thường. Khi gặp tình trạng này, chị em cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và xác định nguyên nhân xuất huyết.

Rối loạn chu kỳ kinh

Rất nhiều chị em không hề biết mình đã bị thai ngoài tử cung cho đến khi nhận ra các dấu hiệu rõ ràng mới đi khám. Vào lúc này, kinh nguyệt sẽ có sự rối loạn, có thể có hoặc không có kinh tùy vào cơ địa từng người. Ngoài ra, rất dễ nhầm lẫn hiện tượng rối loạn kinh nguyệt khi có thai ngoài tử cung với hiện tượng chậm kinh, khiến nhiều chị em chủ quan, không phát hiện kịp thời dẫn đến thai bị thoái triển hoặc phôi thai bị vỡ gây đau.

Dấu hiệu đau nhói vùng chậu

Chị em cũng nên chú ý hiện tượng đau bụng dưới hoặc đau nhói khu vực vùng chậu vì đây cũng là dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi. Vùng bụng dưới và vùng chậu sẽ bị đau tức, âm ỉ kéo dài rất khó chịu khi thai không nằm đúng vị trí trong buồng tử cung. Đôi khi kèm theo hiện tượng đau nhói vùng chậu có cả xuất huyết âm đạo. Có thể kích thước của túi thai đang phát triển dần và tạo ra những cơn đau rất khó chịu nên chị em cần lưu ý đến tần suất và mức độ đau của hiện tượng này.

Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi 3
Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi là đau nhói ở vùng chậu

Chẩn đoán thai ngoài tử cung sau chuyển phôi

Những dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán. Các chị em cũng có thể tự suy đoán tình trạng này ngay tại nhà. Sau khi chuyển phôi, chị em sẽ bắt đầu trễ kinh, đầu tiên cần sử dụng que thử thai để kiểm tra khả năng đậu thai. Tuy nhiên, cách xác định chính xác khả năng mang thai và thai nhi đang phát triển bình thường hay không đến bệnh viện để được siêu âm.

Trong khoảng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 5, việc siêu âm có thể cho thấy phôi thai đã nằm đúng vị trí tại buồng tử cung, nghĩa là thai phát triển bình thường. Ngược lại nếu siêu âm nhưng chưa thấy phôi thai làm tổ đúng vị trí thì khả năng chị em có thai ngoài tử cung là rất cao.

Ngoài ra, kiểm tra nồng độ hormone HCG cũng có thể chẩn đoán việc bị thai ngoài tử cung. Nếu chỉ số HCG tăng chậm hoặc không tăng, có thể chị em đã bị thai ngoài tử cung.

Phòng ngừa thai ngoài tử cung sau chuyển phôi bằng cách nào?

Để phòng ngừa thai ngoài tử cung sau chuyển phôi, chị em nên thực hiện một số điều như sau:

  • Cần vệ sinh vùng âm đạo kỹ lưỡng, đúng cách, nhất là trong những ngày có kinh nguyệt. Với những trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai dài ngày hay từng nạo phá thai, chị em nên hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trong vấn đề giữ gìn vệ sinh vùng kín.
  • Nếu chị em bị viêm nhiễm sinh dục, trước khi thực hiện quy trình IVF, cần phải điều trị dứt điểm. Sau khi đã điều trị viêm nhiễm, người bệnh cũng cần đến sự theo dõi và hỗ trợ của bác sĩ.
  • Nếu chị em từng có tiền sử thai ngoài tử cung, trước khi tiến hành thực hiện IVF cần thông báo với bác sĩ.
  • Sau khi thực hiện IVF, nếu thấy một hoặc nhiều dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi, chị em nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi 4
Cần vệ sinh vùng âm đạo kỹ lưỡng, đúng cách, nhất là trong những ngày có kinh nguyệt

Như vậy, tình trạng thai ngoài tử cung sau khi thực hiện IVF chiếm tỷ lệ thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Bệnh lý sản phụ khoa này rất nguy hiểm, nếu không điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng thai phụ. Do đó, cần dựa vào dấu hiệu thai ngoài tử cung sau chuyển phôi để phát hiện kịp thời tình trạng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin