Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường cha mẹ nào cũng cần biết

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ

Con cao lớn, khỏe mạnh là mong ước của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn phát triển bình thường. Cha mẹ đừng bỏ qua những dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường dưới đây.

Số đông phụ huynh thường lo lắng khi thấy con mình nhẹ cân hoặc thấp hơn so với các bạn cùng tuổi. Điều này không đến mức bất thường hoặc quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ có tốc độ phát triển chiều cao, cân nặng và cả trí tuệ chậm hơn nhiều so với trẻ đồng trang lứa thì cha mẹ cần nghiêm túc tìm hiểu vì đây có thể là dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường.

Khi nào trẻ được coi là phát triển không bình thường?

Trẻ phát triển không bình thường là tình trạng tăng trưởng không đúng theo lứa tuổi từ khi trẻ sinh ra cho đến khi kết thúc quá trình dậy thì. Khoảng 3 đến 5% trẻ em được xem là trẻ thấp bé. Tuy nhiên, phần lớn những trẻ này có cha hoặc mẹ hoặc cả hai phụ huynh đều thấp hơn trung bình của người trưởng thành. Chỉ số ít là có vấn đề về tăng trưởng bệnh lý cụ thể và cần điều trị.

Dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường có thể dễ nhận biết ngay từ khi mới sinh, khi trẻ sinh non, nhẹ cân và mắc các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh,... Còn trong quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ, các dấu hiệu này có thể nhận biết khi trẻ có số đo chiều cao và cân nặng kém hơn so với lứa tuổi. Nếu theo dõi trong thời gian dài hơn mà trẻ vẫn đạt được thể trạng tương đương những trẻ khác thì không được xem là bất thường.

dau-hieu-tre-phat-trien-khong-binh-thuong-2.jpg
3 đến 5% trẻ em thuộc dạng thấp bé

Dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường

Để nhận biết dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường, phụ huynh hoặc người chăm sóc chính cần biết cách cân đo trẻ tại nhà và nắm được những dấu hiệu trẻ phát triển bình thường như thế nào, theo dõi xem trẻ có phù hợp biểu đồ tăng trưởng theo tuổi hay không,... Để so sánh, phụ huynh cần biết các mốc tăng trưởng bình thường cần đạt được ở trẻ từ sơ sinh đến trưởng thành như sau:

  • Từ 0 đến 12 tháng: Trẻ cao thêm khoảng 25cm và nặng gấp 3 lần lúc mới sinh. Chế độ dinh dưỡng quyết định chủ yếu đến sự tăng trưởng trong giai đoạn này.
  • Từ 1 đến 2 tuổi: Trẻ cao thêm khoảng 13cm. Từ 1 tuổi trở đi, các yếu tố nội tiết tố ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển của trẻ.
  • Từ 2 đến 3 tuổi: Trẻ cao thêm khoảng 9cm/năm. Trong giai đoạn này, kỹ năng vận động và nhận thức thế giới xung quanh của trẻ không ngừng hoàn thiện.
  • Từ 3 tuổi đến tuổi dậy thì: Trẻ cao thêm khoảng 5cm/năm. Ở giai đoạn này, trẻ trai và trẻ gái có sự khác biệt về quá trình tăng trưởng, dẫn đến chênh lệch chiều cao trung bình giữa hai giới là 12 - 13cm.

Ngoài ra, các triệu chứng khác để nhận biết trẻ chậm phát triển gồm:

  • Chậm phát triển các kỹ năng thể chất, ví dụ như lật, trườn, bò, ngồi, đứng, đi lại, chạy nhảy, leo trèo,...
  • Chậm nói, kỹ năng giao tiếp không thành thục;
  • Chậm hình thành và phát triển những kỹ năng xã hội và tinh thần;
  • Chậm phát triển những đặc điểm giới tính thứ cấp khi trẻ đến tuổi vị thành niên.

Nguyên nhân và cách xác định trẻ phát triển không bình thường

Việc nắm rõ những dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường trên đây có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ. Dựa vào đó, cha mẹ theo dõi quá trình phát triển của con, đồng thời cần tìm hiểu nguyên nhân và cách xác định trẻ phát triển không bình thường để có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

dau-hieu-tre-phat-trien-khong-binh-thuong-3.jpg
Việc cân đo trẻ định kỳ rất cần thiết

Nguyên nhân khiến trẻ phát triển không bình thường

Ngoài nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng, các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ nhỏ có thể do một số yếu tố khác gây ra như: Di truyền, rối loạn nội tiết tố, tình trạng bệnh lý và hội chứng kém hấp thu thức ăn,... Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phát triển không bình thường:

  • Dậy thì sớm: Ban đầu, trẻ sẽ cao lớn rất nhanh so với tuổi của mình nhưng do quá trình trưởng thành xương diễn ra nhanh chóng, sự phát triển sẽ dừng lại ngay từ khi trẻ còn nhỏ tuổi. Điều này khiến trẻ về sau lại thấp hơn bạn bè cùng tuổi.
  • Dậy thì muộn: Trẻ sẽ vào quá trình dậy thì chậm hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng sau này vẫn có khả năng phát triển với tốc độ bình thường. Đa số những trẻ này cuối cùng đều có xu hướng phát triển chiều cao tương đương cha mẹ.
  • Do tình trạng bệnh lý: Một số bệnh lý mãn tính hoặc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, thận, tim hoặc phổi,... có thể khiến trẻ phát triển chậm.
  • Suy dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân này được xem là phổ biến nhất khiến trẻ nhẹ cân hoặc kém tăng trưởng.
  • Trẻ bị ức chế tâm lý, thường xuyên bị căng thẳng nghiêm trọng.
  • Trẻ mắc bệnh về nội tiết như đái tháo đường hoặc thiếu hormone tuyến giáp.
  • Mắc hội chứng rối loạn di truyền: Các vấn đề về tăng trưởng có thể là dấu hiệu của một số hội chứng như Cushing, Turner, Down, Noonan, Russell-Silver và Prader-Willi.
  • Bất thường về xương: Hơn 50 bệnh về xương có thể gây ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng của trẻ nhỏ, trong đó có nhiều bệnh do di truyền.
dau-hieu-tre-phat-trien-khong-binh-thuong-4.jpg
Rối loạn di truyền có thể khiến trẻ chậm tăng trưởng

Cách xác định trẻ phát triển không bình thường

Khi vấn đề về tăng trưởng được chẩn đoán từ lúc mới sinh, trẻ sẽ được áp dụng chế độ thăm khám và chăm sóc đặc biệt. Một số trẻ có thể được nuôi trong lồng ấp vài ngày đến vài tháng và cho ăn theo chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Khi trẻ được ra viện, cha mẹ sẽ được hướng dẫn cách nuôi, tập trung vào việc cho bú, vệ sinh và phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Với trẻ sơ sinh đạt chuẩn về thể chất lúc chào đời, vấn đề về tăng trưởng có thể xác định khi trẻ được kiểm tra định kỳ. Nguyên nhân trẻ chậm phát triển thường do chế độ dinh dưỡng như bú mẹ không đúng cách, trẻ không hợp tác ăn dặm hoặc ăn dặm không đủ chất,... Khi đó, cha mẹ cần ưu tiên các nguồn thức ăn giàu dưỡng chất cho trẻ.

Đến tuổi đi học, trẻ phát triển không bình thường có thể được nhận biết khi so sánh với bạn bè cùng tuổi. Việc can thiệp cần được thực hiện sớm và tích cực về cả vấn đề dinh dưỡng và rèn luyện thể lực. Trẻ cần phát triển cả về tầm vóc và các kỹ năng xã hội cần thiết.

Nếu quá trình can thiệp về dinh dưỡng không mang lại hiệu quả, cha mẹ cần tham khảo các xét nghiệm y khoa để tìm nguyên nhân bệnh lý như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra rối loạn về hormon, nhiễm sắc thể hoặc các rối loạn khác liên quan đến tăng trưởng.
  • Chụp Xquang để ước tính tuổi xương của trẻ: Khi trẻ bị dậy thì muộn hoặc gặp các vấn đề về hormone, tuổi xương thường thấp hơn tuổi dương lịch. Khi đó, trẻ có thể được chỉ định bổ sung hormone tăng trưởng.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường giúp trẻ sớm được can thiệp và điều chỉnh. Chỉ khi nhận biết và can thiệp kịp thời, trẻ mới khôi phục lại tốc độ phát triển bình thường và đạt được tầm vóc như bạn bè cùng trang lứa. Vì mỗi trẻ có nguyên nhân chậm tăng trưởng khác nhau nên cha mẹ cần sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất cho trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin