Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dấu hiệu viêm gan D và hướng điều trị không phải ai cũng biết

Ngày 08/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm gan D là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể diễn biến nặng, gây ra rất nhiều các biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải. Vậy dấu hiệu viêm gan D là gì? Hướng điều trị ra sao? Câu trả lời sẽ được bật mí trong bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Viêm gan D là gì? Dấu hiệu viêm gan D ra sao? Hướng chẩn đoán và điều trị viêm gan D như thế nào? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này một cách chi tiết nhất.

Tổng quan về căn bệnh viêm gan D

Viêm gan D (HDV) là một trong những nhiễm trùng gan tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng và vĩnh viễn.

Tác nhân gây bệnh

Vào năm 1977, các nhà khoa học đã phát hiện tác nhân gây bệnh viêm gan D chính là virus viêm gan D (HDV). Loại virus này có bộ gen là RNA vòng sợi đơn bào, được cấu thành từ 1679 nucleotide, tồn tại dựa vào phần vỏ của virus viêm gan B. Do không có đầy đủ các thành phần của bộ máy di truyền nên virus này thường kết hợp với virus viêm gan B (HBV) theo kiểu đồng nhiễm hoặc bội nhiễm để có thể sinh sôi, phát triển.

Phân loại viêm gan D

Viêm gan D bao gồm 2 loại đó là viêm gan D cấp tính và viêm gan D mạn tính. Trong đó:

Viêm gan D cấp tính

Viêm gan D cấp tính thường xảy ra dưới dạng đồng nhiễm với virus viêm gan B, là dạng nhiễm trùng gan ngắn hạn và các triệu chứng của bệnh không kéo dài quá 6 tháng.

Khi mắc viêm gan D cấp tính, người bệnh có thể được điều trị triệt căn cao, thậm chí có một số trường hợp người bệnh tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Những triệu chứng của bệnh cũng chỉ tạm thời ảnh hưởng đến chức năng gan mà không gây tổn thương nghiêm trọng hay vĩnh viễn.

Viêm gan D mạn tính

Viêm gan D mạn tính có nguy cơ cao xảy ra ở người bệnh đã bị viêm gan B mạn tính và các triệu chứng của bệnh kéo dài trên 6 tháng. Cùng với các triệu chứng của bệnh, người bệnh còn có thể phải đối mặt với các bệnh về gan nguy hiểm khác như xơ gan, xơ gan còn bù hay thậm chí là ung thư gan.

Dấu hiệu viêm gan D và hướng điều trị không phải ai cũng biết 1
Virus viêm gan D là tác nhân gây bệnh viêm gan D

Dấu hiệu viêm gan D

Trên thực tế, không phải lúc nào viêm gan D cũng gây ra triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm bệnh mà người nhiễm virus viêm gan có thể có hoặc không có các triệu chứng bất thường.

Như đã trình bày phía trên, trên cơ sở đã hoặc đang mắc viêm gan B mà người bệnh mắc viêm gan D. Do đó, triệu chứng của người mắc viêm gan D sẽ gần tương tự như người mắc bệnh viêm gan B.

Ở giai đoạn cấp tính, người mắc viêm gan D có thể có một số dấu hiệu như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng phía trên bên phải, nước tiểu sẫm màu, đau cơ và đau khớp…

Khi bệnh tiến triển nặng, virus viêm gan D và virus viêm gan B cùng tấn công, gan sẽ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh sẽ có các dấu hiệu tổn thương gan như giảm cân không kiểm soát, ngứa da dữ dội, sưng mắt cá chân, vàng da vàng mắt, bụng chướng…

Các dấu hiệu viêm gan D thường xuất hiện sau 3 - 7 tuần kể từ thời điểm nhiễm trùng bắt đầu. Các dấu hiệu viêm gan D này có sự khác biệt giữa người bị đồng nhiễm với HBV/HDV và người bị bội nhiễm HDV.

Viêm gan cấp tính thường xảy ra chủ yếu ở những người bị đồng nhiễm với HBV/HDV. Do đó, các triệu chứng mà người bệnh gặp phải có thể theo một liệu trình 2 pha từ nhẹ đến nặng (viêm gan tối cấp). Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường hợp mắc bệnh thì đồng nhiễm là tự giới hạn, chỉ có nhỏ hơn 5% số người mắc viêm gan cấp tính tiến triển thành viêm gan mạn tính.

Dấu hiệu viêm gan D và hướng điều trị không phải ai cũng biết 2
Vàng mắt vàng da là một trong những dấu hiệu viêm gan D

Bệnh viêm gan D lây nhiễm như thế nào?

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chỉ có những người đã có kháng thể chống lại virus viêm gan B mới không mắc bệnh viêm gan D. Điều này có nghĩa, những đối tượng chưa tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B hay nói cách khác là những người chưa có khả năng miễn dịch với virus viêm gan B là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan D.

Do có mối liên quan mật thiết với virus viêm gan B nên virus viêm gan D cũng sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua những con đường giống với virus viêm gan B. Cụ thể:

  • Đường máu: Virus viêm gan D có thể lây truyền qua đường máu thông qua truyền máu, sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc những dụng cụ dính máu, đồ dùng cá nhân dễ dính máu như bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu với người mang mầm bệnh.
  • Đường tình dục: Virus viêm gan D tồn tại trong dịch âm đạo, tinh dịch do vậy mà viêm gan D có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường tính dục. Việc quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan D.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Những chị em trong thời kỳ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B hoặc cả 2 loại virus viêm gan B và D, đã mắc viêm gan D trước đó sẽ có thể lây truyền bệnh sang cho thai nhi.
Dấu hiệu viêm gan D và hướng điều trị không phải ai cũng biết 3
Viêm gan D có thể lây nhiễm thông qua quan hệ tình dục không an toàn

Hướng chẩn đoán và điều trị viêm gan D như thế nào?

Viêm gan D là căn bệnh nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì thế, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vậy viêm gan D được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm gan D được dựa trên kết quả xét nghiệm máu. Các yếu tố để xác định một người mắc bệnh viêm gan D đó là:

  • Xét nghiệm HBsAg kháng nguyên bề mặt dương tính và người bệnh nhiễm virus viêm gan B.
  • Chỉ số miễn dịch kháng HAV bao gồm IgG và IgM dương tính.

Trên thực tế, nồng độ kháng thể HDV trong huyết thanh thường không thể hiện rõ ràng trong 1 - 3 tuần đầu nhiễm bệnh. Chính vì thế, người bệnh cần thực hiện thêm các xét nghiệm sàng lọc khác để loại bỏ khả năng mắc viêm gan A, viêm gan C và các bệnh rối loạn khác gây ra triệu chứng vàng da.

Điều trị

Khi mắc bệnh viêm gan D, nếu là viêm gan D cấp tính thì có thể bệnh sẽ tự khỏi mà hoàn toàn không cần can thiệp điều trị. Lúc này người bệnh chỉ cần bảo vệ sức khỏe gan nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung để chức năng gan sớm được cải thiện.

Tuy nhiên, trong trường hợp mắc viêm gan D mạn tính, việc can thiệp điều trị là cần thiết để giúp người bệnh giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, mặc dù vẫn chưa có phương pháp hoặc thuốc đặc hiệu để điều trị căn bệnh viêm gan D song người bệnh có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh thông qua việc tích cực điều trị bảo tồn. Cụ thể:

  • Nếu người bệnh không thuộc nhóm đối tượng viêm gan D tiến triển thành xơ gan mất bù hoặc viêm gan do bệnh tự miễn… bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc Pegylat interferon alpha trong vòng 48 tuần giảm tốc độ tiến triển của bệnh.
  • Cùng với đó, người bệnh cần duy trì thói quen sống lành mạnh, chẳng hạn như không sử dụng rượu bia, không ăn quá mặn, hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, tránh lạm dụng thực phẩm chức năng, đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng giấc ngủ…

Trong trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả và chức năng gan bị tổn thương nghiêm trọng, khó hồi phục, bác sĩ có thể cân nhắc đến phương pháp ghép gan. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần gan bị tổn thương và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh khác từ đó giúp giảm tối đa các dấu hiệu viêm gan D trước đó đồng thời kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Dấu hiệu viêm gan D và hướng điều trị không phải ai cũng biết 4
Bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh viêm gan D mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết hôm nay, bạn đọc có thể hiểu hơn về căn bệnh này đồng thời nắm được các dấu hiệu viêm gan D. Cảm ơn bạn đã dõi theo bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm