Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng

Ngày 03/10/2023
Kích thước chữ

Ngứa, đau họng là một dạng phản ứng miễn dịch của cơ thể trước những tác nhân gây hại bên ngoài. Triệu chứng đau họng rất phổ biến, ai cũng có thể gặp phải khi mắc cảm lạnh thông thường, cảm cúm, dị ứng, tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, khói thuốc,… Vậy khi đau họng nên uống gì nhanh khỏi?

Đau họng khiến bạn khó chịu mỗi khi nói hoặc nuốt. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, khiến bạn đau khi ăn, dẫn đến lười ăn, người mệt mỏi. May mắn là có rất nhiều loại thức uống có thể giúp bạn giải quyết hiệu quả triệu chứng đau họng này. Hãy tham khảo những loại thức uống sau đây nếu bạn đang lo lắng chưa biết đau họng nên uống gì nhanh khỏi nhé.

Nước chanh ấm với mật ong

Một ly nước ấm pha mật ong có tác dụng làm dịu cơn ngứa họng, đau họng, ho lẫn sổ mũi. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm vài giọt chanh vào ly nước mật ong còn giúp bổ sung vitamin C cho cơ thể, tăng sức đề kháng để vượt qua triệu chứng cảm lạnh dễ dàng.

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng nhanh chóng 1
Chanh mật ong là thức uống phổ biến giúp giảm đau họng hiệu quả

Nghiên cứu cho thấy, mật ong có khả năng làm dịu nhanh tình trạng đau họng nhờ thành phần có chứa các hoạt chất mang đặc tính chống viêm và vi khuẩn.

Đau họng nên uống gì? Trà gừng

Trà gừng là thức uống có công dụng làm dịu cơn đau họng hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất gừng tươi có khả năng bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi virus hô hấp hợp bào. Đây là một loại virus có nguy cơ lây nhiễm cao, chủ yếu gây ảnh hưởng cho trẻ nhỏ.

Theo Đông y, gừng tươi (sinh khương) là gia vị có vị cay thơm đặc trưng, tính ấm quy kinh phế, vị nên giúp phát tán phong hàn, ôn kinh thông dương, tiêu đờm chỉ khái rất hiệu quả. Do đó, nếu chưa biết đau họng nên uống thì bạn hãy làm cho mình một ly trà gừng để đánh bay cơn đau họng, đặc biệt là đau viêm họng, ho do lạnh…

Bạn có thể pha trà gừng cùng với mật ong và chanh tươi hoặc là trà gừng pha với quế và cam thảo. Lưu ý là bạn nên uống trà gừng lúc còn ấm, liều lượng khoảng 1 - 2 ly/ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Trà hoa cúc

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp có ho, đau họng có thể chọn trà hoa cúc để làm dịu cơn đau. Bên cạnh tác dụng làm giảm ho, đau họng, trà hoa cúc còn giúp bệnh nhân hạ huyết áp, sáng mắt, mát gan.

Theo Đông y, hoa cúc có vị đắng nhẹ, tính mát, công dụng khu phong thanh nhiệt, giải độc. Vì thế mà từ lâu hoa cúc đã được dùng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý cảm mạo phong nhiệt, tăng huyết áp, đau đầu, đau mắt đỏ… nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau của thảo mộc tự nhiên này.

Không dừng lại đó, trà hoa cúc còn là chất bôi trơn tự nhiên, cải thiện tình trạng khàn tiếng. Duy trì uống trà hoa cúc 2 lần/ngày giúp bạn thư giãn, ngủ ngon, tăng sức đề kháng; đồng thời hạn chế nguy cơ mắc phải một số bệnh thông thường như cảm lạnh, bệnh nhiễm trùng

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng nhanh chóng 2
Nếu thắc mắc đau họng nên uống gì, bạn có thể tự làm một ấm trà hoa cúc nóng 

Trà bạc hà

Trong y học cổ truyền, bạc hà có vị cay, tính mát, vào hai kinh phế và can, công dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giải uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng, đau bụng, đầy bụng, ăn khó tiêu...

Còn theo y học hiện đại, bạc hà có chứa hoạt chất chủ yếu là tinh dầu bạc hà (thường từ 0,5 - 1%, thậm chí có thể lên tới 1,3 - 1,5%). Tinh dầu bạc hà và menthol tại chỗ bốc hơi nhanh, để lại cảm giác the mát và tê, dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh. Trong một số trường hợp ngứa (bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng), bạc hà còn phát huy tác dụng sát trùng mạnh. Do đó, từ lâu trà bạc hà đã được biết đến với khả năng chống viêm, giảm đau họng, giảm nghẹt mũi vô cùng hiệu nghiệm.

Chưa kể, bạc hà còn có công dụng làm tê nhẹ cổ họng, từ đó giúp giảm đau tự nhiên rất hiệu quả. Bạn chỉ cần uống ly trà bạc hà ấm nóng, hoặc hít hơi nước từ ly trà bạc hà nóng tỏa ra cũng có thể cải thiện triệu chứng nghẹt mũi.

Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý rằng, tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi hay xịt trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế, dẫn đến nguy cơ ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn cần đặc biệt cẩn thận khi dùng dầu có chứa tinh dầu bạc hà cho trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh.

Sinh tố

Khi bị bệnh, cơ thể bạn luôn tồn tại cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nhất là bạn đang bị đau họng khiến việc nuốt thức ăn trở nên vô cùng khó khăn. Ăn ít, lười ăn trong giai đoạn nhiễm bệnh khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, hệ miễn dịch suy yếu khó có thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Lúc này, bổ sung cho cơ thể ly sinh tố với vô vàn chất dinh dưỡng là một lựa chọn tuyệt vời. Lưu ý là bạn uống sinh tố nhưng phải hạn chế dùng đá lạnh khi bị đau họng nhé, vì một ly sinh tố đá lạnh sẽ càng làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó chịu hơn. Các loại trái cây và rau quả sau đây có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch cần thiết cho cơ thể, nhất là khi bạn đang bị bệnh:

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng nhanh chóng 3
Sinh tố việt quất không chỉ giảm đau họng còn bổ sung cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng bị thiếu hụt
  • Quả việt quất;
  • Dâu tây;
  • Xoài;
  • Cải xoăn;
  • Cải bó xôi (rau bina).

Trà xanh

Nhờ chứa chất chống oxy hóa mạnh, trà xanh từ lâu đã nổi tiếng với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Do đó, bạn có thể uống trà xanh để loại bỏ các chất độc lẫn gốc tự do gây hại cơ thể.

Bên cạnh đó, nước trà xanh còn hỗ trợ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cải thiện tình trạng đau rát, khó chịu ở cổ họng.

Nước ép trái cây

Giống sinh tố, nước ép trái cây rất có lợi cho người đang đau họng. Nước ép vừa cung cấp thêm chất lỏng giúp làm dịu cổ họng, vừa giúp tăng cường sức đề kháng.

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng nhanh chóng 4
Các loại nước sinh tố cung cấp nhiều loại vitamin giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể

Trà cam thảo

Trong cam thảo có chứa hàm lượng axit glycyrrhizic dồi dào, nhờ đó có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo vệ hệ hô hấp trước sự xâm nhập của vi khuẩn.

Bên cạnh đó, trà cam thảo còn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa, không những có thể giảm sưng viêm cổ họng mà còn hỗ trợ thanh nhiệt, giảm đau họng hiệu quả. Tuy nhiên, lưu ý bạn là do cam thảo có công dụng tương tự như một corticoid có khả năng giữ nước, giữ muối gây tăng huyết áp nên bệnh nhân tăng huyết áp cần thận trọng khi sử dụng trà cam thảo. Ngoài ra, không dùng trà cam thảo trong thời gian dài vì nó gây ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp.

Nước lá tía tô

Tía tô đặc trưng có vị cay, tính ấm, thường dùng trong điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp (ho, đau họng…). Nếu đang thắc mắc đau họng nên uống gì, bạn có thể thực hiện một ly nước lá tía tô cho chính mình.

Cách thực hiện như sau: Rửa sạch vài lá tía tô, vắt lấy nước uống trong vài ngày liên tục để giảm đau họng.

Đau họng nên uống gì? Tổng hợp các loại thức uống “đánh bay” chứng đau họng nhanh chóng 5
Nước uống lá tía tô không chỉ giảm đau họng còn có thể trị các triệu chứng liên quan về đường hô hấp

Trà quế

Trà quế cũng là thức uống không thể bỏ qua khi bị đau họng và muốn cải thiện triệu chứng.

Trong Đông y, quế có tính ấm nóng, mùi thơm, vị đắng ngọt, công dụng kháng viêm, sát trùng, diệt khuẩn, làm ấm cổ họng, hỗ trợ chữa lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch. Nếu đau họng, bạn có thể pha một ly trà quế để giúp chữa cơn đau họng nhanh chóng, nhất là viêm đau họng do lạnh.

Cũng giống như trà gừng, do quế có tính ấm nóng nên cần thận trọng khi dùng cho người tăng huyết áp, người có âm hư nội nhiệt hay khát nước, nóng trong người, táo bón, đổ nhiều mồ hôi…

Trên đây là những loại thức uống rất tốt cho người bị đau họng khi chưa biết đau họng nên uống gì để cải thiện triệu chứng, giảm đau hiệu quả. Các bài thuốc trong thiên nhiên có rất nhiều, tuy nhiên khi áp dụng vào chữa bệnh, bạn cần chú ý thành phần định dùng có phù hợp với thể trạng và cơ địa của mình hay không nhé.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin