Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau khớp gối bị sưng có nguy hiểm không? Cách chữa đau khớp gối bị sưng

Ngày 04/04/2022
Kích thước chữ

Nhiều người đau khớp gối bị sưng cảm thấy vô cùng lo lắng dù triệu chứng này rất phổ biến của các bệnh lý về đầu gối.

Sưng đầu gối là một tình trạng phổ biến, gây hạn chế về sự linh hoạt và chức năng của đầu gối. Bệnh nhân cần sớm được điều trị, ngăn chặn triệu chứng trở nên nghiêm trọng, dẫn đến các biến chứng không mong muốn, chẳng hạn như mất cơ hoặc hình thành khối u.

Đau khớp gối bị sưng là gì?

Sưng khớp gối có thể do chấn thương dây chằng, sụn, xương, hoặc các cấu trúc xung quanh khớp. Khi chất lỏng dư thừa tích tụ trong hoặc xung quanh khớp gối sẽ gây sưng. Sưng xảy ra trong khớp gối (tràn dịch khớp gối) hay bên ngoài khớp gối (viêm bao hoạt dịch).

Đau khớp gối bị sưng có nguy hiểm không? Cách chữa đau khớp gối bị sưng 1 Sưng đầu gối là một tình trạng phổ biến, gây hạn chế về sự linh hoạt và chức năng của đầu gối.

Triệu chứng của bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ sưng nhẹ hay nghiêm trọng. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy đau, căng đau, đỏ vùng khớp gối, sốt và ớn lạnh. Nhiều trường hợp đầu gối có vết bầm tím hoặc trở nên cứng hơn, gây khó khăn trong di chuyển.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tuy là bệnh lý đầu gối phổ biến, không nguy hiểm tính mạng nhưng nếu bệnh nhân không được điều trị, đau khớp gối có thể sẽ đưa đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Mất cơ: Khớp gối bị sưng đau lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ, khiến cơ đùi suy yếu và bị teo.
  • Hình thành u nang: Việc chất lỏng tích tụ ở bên trong đầu gối lâu ngày sẽ dẫn đến hình thành u nang phía sau đầu gối. Khi u nang bị sưng sẽ khiến người bệnh đau đớn, tuy nhiên áp dụng chườm đá hoặc chăm sóc y tế phù hợp sẽ có thể cải thiện được tình trạng này. Ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được tiến hành chọc hút dịch nhằm tránh các rủi ro liên quan.

Việc đi khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp sẽ rất tốt cho việc chữa trị, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tự chữa trị tại nhà bằng một số liệu pháp không xâm lấn thì nên gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện:

  • Bị nhiễm trùng (biểu hiện là việc bị sốt, đỏ, nóng vùng khớp);
  • Đầu gối, cẳng chân, hay bàn chân trở nên tái nhợt, lạnh hay chuyển màu xanh;
  • Sau khi điều trị không thấy được cải thiện;
  • Đau dữ dội, thậm chí bệnh nhân không thể đứng lên vì đau khớp gối;
  • Chân bị tê, yếu hoặc có cảm giác châm chích.
Đau khớp gối bị sưng có nguy hiểm không? Cách chữa đau khớp gối bị sưng 2 Triệu chứng của đau khớp gối bị sưng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ sưng từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Nguyên nhân 

Khớp gối bị sưng đau chủ yếu là do các chấn thương, bệnh lý sau đây:

  • Rách dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL), dây chằng giữa và dây chằng bên (MCL và LCL);
  • Rách sụn chêm (sụn đầu gối), gãy xương của khớp gối hoặc chấn thương sụn lót bên trong của xương (sụn khớp) cũng có thể gây tràn dịch khớp gối;
  • Viêm gân, viêm bao hoạt dịch, bong gân;
  • Chấn thương mạnh trong các môn thể thao tiếp xúc hoặc khi bị té ngã đều có thể khiến dịch hoặc máu tích tụ bên trong đầu gối;
  • Gãy xương, viêm khớp, bệnh gút, u nang, trật khớp xương bánh chè, nhiễm trùng, khối u;
  • Khiến khớp gối bị căng khi xoay gối, dừng lại, di chuyển ngang đột ngột và tiếp đất không vững...
  • Thoái hóa do tuổi già.

Những ai thường bị sưng đầu gối?

Tình trạng khớp gối bị sưng đau bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả nam hay nữ cũng đều có thể mắc phải, nhất là đối với những người hay hoạt động mạnh hoặc chơi thể thao. Do đó, bạn chỉ có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. 

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ:

  • Độ tuổi: Những người trên 55 tuổi sẽ có nguy cơ bị sưng khớp gối cao hơn;
  • Chơi thể thao: Những môn thể thao đối kháng, đòi hỏi thay đổi hướng đột ngột như bóng rổ sẽ làm tăng nguy cơ gây sưng đầu gối;
  • Thừa cân, béo phì: Cơ thể tăng trọng lượng sẽ khiến khớp phải chịu nhiều áp lực đè nặng xuống, kéo theo tăng nguy cơ viêm xương khớp và có thể dẫn tới tràn dịch khớp.
Đau khớp gối bị sưng có nguy hiểm không? Cách chữa đau khớp gối bị sưng 3 Những người thừa cân, béo phì thường dễ mắc phải bệnh lý đau khớp gối.

Điều trị hiệu quả đau khớp gối

Khi bệnh nhân đau khớp gối có kèm sưng đến gặp, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán từ bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm bổ sung khi có chỉ định. Bệnh nhân cần cung cấp thông tin về quá trình sưng đầu gối, cách khởi phát nhanh như thế nào hoặc đã bị các chấn thương gì, những loại bài tập và các hoạt động đã được thực hiện để bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân. 

Chụp X-quang thường hữu ích trong việc đánh giá sưng đầu gối, các xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chọc dò khớp có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra sưng đầu gối.

Trong chọc dò khớp, bác sĩ sẽ chọc kim vào khớp gối bằng kỹ thuật vô khuẩn và rút dịch ra. Dịch này được gửi đến phòng thí nghiệm để khảo sát tìm nguyên nhân gây tụ dịch.

Việc xác định khớp gối sưng đau là bệnh gì, sau đó làm giảm sưng và giúp bệnh nhân hoạt động trở lại càng sớm và càng an toàn càng tốt. Nhiều trường hợp đau khớp gối bị sưng có thể chỉ cần điều trị tại nhà, nhưng bạn cần phải đến bác sĩ để chữa trị nếu bạn bị các bệnh khác như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút…

Quan trọng là trong thời gian này bệnh nhân cần phải được nghỉ ngơi cũng như tránh các hoạt động vận động mạnh (như chạy bộ hoặc chơi tennis…). Có thể dùng túi chườm nước đá, băng đàn hồi xung quanh đầu gối, gối kê dưới đầu gối, gậy chống hoặc nạng, tập các bài tập tăng cường sức căng và sức cơ để cải thiện triệu chứng. Bên cạnh đó, các bài tập phục hồi chức năng để khôi phục lại tầm vận động và sức cơ cũng rất có ích cho bệnh nhân đau khớp gối.

Đau khớp gối bị sưng có nguy hiểm không? Cách chữa đau khớp gối bị sưng 4 Việc dùng thuốc chữa đau khớp gối bị sưng cần có sự chỉ định của bác sĩ và phải theo đúng liệu trình.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) (ibuprofen, naproxen) và acetaminophen có thể dùng giảm đau tạm thời. Tuy nhiên cần có sự chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng liệu trình, tránh lạm dụng hay bỏ ngang việc uống thuốc khi vừa thấy tình trạng sưng đau có dấu hiệu giảm. 

Ngoài ra, đau khớp gối có thể được hạn chế nếu bạn thực hiện các thói quen sinh hoạt sau đây:

  • Chỉ hoạt động lại bình thường khi bác sĩ cho phép;
  • Chú ý chơi thể thao đúng kỹ thuật, sử dụng đúng dụng cụ như giày và băng đầu gối;
  • Phải khởi động, làm nóng cơ thể một cách đúng đắn trước khi bước vào bài tập chính;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng;
  • Trước và sau khi chơi thể thao hay vận động đều phải duỗi cơ, đặc biệt là vùng cơ đùi và cơ kheo.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin